Suy tư - Chia sẻ

Gặp gỡ Đức Giêsu Phục sinh

Cập nhật lúc 09:54 05/04/2024
Chúa nhật III Phục sinh, năm B; Bài đọc 1: Cv 3,13-15.17-19; Bài đọc 2: 1Ga 2,1-5a; Tin Mừng: Lc 24,35-48
Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ.
Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ.
Tiếp nối Chúa nhật Phục sinh, Lời Chúa trong các Chúa nhật II và III thuật lại những lần hiện ra của Chúa Kitô Phục sinh. Đây thực sự là “biến cố lịch sử và siêu việt” mà phụng vụ Giáo hội muốn nhấn mạnh cũng như xác thực cho con cái mình. Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta sống lại kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh của các Tông đồ. Nó đã biến đổi đời sống các ngài và mời gọi chúng ta sống cùng một kinh nghiệm đó. Để rồi, đời sống chúng ta cũng được biến đổi và trở thành lời chứng cho niềm tin của Giáo hội về lời công bố nền tảng: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46).
Lời Chúa trong sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta hình ảnh một Phêrô giữa đám đông dân chúng hoàn toàn trái ngược với Phêrô trong dinh thượng tế Caipha. Trước đó, đám đông dân chúng đang tập trung lắng nghe để tìm hiểu về phép lạ mà thánh Phêrô chữa lành cho anh què từ lúc mới sinh (x. Cv 3,1-10), giờ đây lại bị ngài gán cho trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu (x. Cv 3,13). Ngài mạnh mẽ lên tiếng vạch rõ tội của người Do Thái khi cho thấy sự tôn vinh mà Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu lại tương phản với sự từ chối của họ.
Tất cả những điều đã xảy ra với Chúa Giêsu là để ứng nghiệm lời của các tiên tri, rằng Đấng Mêsia phải chịu đau khổ. Đó là hình ảnh về Người Tôi Trung của Thiên Chúa phải đau khổ vì tội lỗi của người khác. Những đau khổ của Người Tôi Tớ đã phải chịu để nhờ đó, sự cứu rỗi được mang lại cho nhiều người. Điều cần thiết để có được sự cứu rỗi là “sám hối” và “trở lại” cùng Thiên Chúa. Ăn năn sám hối có nghĩa là từ bỏ sự bất tuân và điều ác, thú nhận hành vi sai trái, từ bỏ tội lỗi và cần quay về với Thiên Chúa. 
Điều gì đã khiến Phêrô và các tông đồ thay đổi và mạnh mẽ như vậy nếu không phải là niềm tin và sức mạnh nhận được từ chính Đức Giêsu Phục sinh. Đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay thuật lại cho chúng ta biến cố hiện ra của Chúa Giêsu cho các tông đồ. Mặc dù được nhìn tận mắt ngôi mộ trống rỗng, được nghe lời chứng của một số môn đệ về sự Phục sinh của Đức Giêsu, nhưng lúc này các ngài vẫn còn lo sợ vì sự ám ảnh của biến cố Tử Nạn quá lớn. Chính lúc ấy, Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra và trao ban bình an cho các ông. Đức Giêsu khắc phục tâm trạng yếu tin của các ông bằng những dấu cụ thể chứng tỏ Người đã Phục sinh. Người cho các môn đệ xem tay chân của mình và dùng bữa trước mặt họ. Người mời gọi họ nhìn nhận Người không phải là ma, nhưng nhất là để các ông thấy rõ rằng thân thể Phục sinh của Người đang hiện diện với các ông, chính là thân thể đã bị hành hạ và bị đóng đinh vào thập giá, bởi vì thân thể đó vẫn còn mang các dấu vết của cuộc khổ nạn của Người.
Trước đó, thánh sử Luca thuật lại rằng Chúa Kitô Phục sinh đã “mở mắt” cho hai môn đệ ở Emmau và giải thích Kinh Thánh cho họ. Bây giờ Người cũng mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh. Thông điệp của Kinh Thánh đòi buộc tâm trí của người nhận phải mở rộng mới có thể đón nhận, và chúng chỉ được hiểu một cách đúng đắn dưới ánh sáng sự chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.
Sự Phục sinh của Đức Giêsu không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Giairô, người thanh niên Naim, anh Lazarô. Một lúc nào đó họ sẽ lại chết. Sự Phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể Phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giêsu trong sự Phục sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người (GLCG 646).
Tuy nhiên, sự kiện Chúa Giêsu Phục sinh có ích gì nếu đời sống chúng ta không thay đổi. Chúa Giêsu Phục sinh mở trí cho các Tông đồ hiểu rõ Kinh Thánh và xác định nhiệm vụ của các ông là làm chứng Người đã Phục sinh, kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội. Niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh đã biến đổi các Ngài, mạnh dạn rao giảng và sẵn sàng chết để làm chứng cho niềm tin đó. Do đó, người Kitô hữu khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Phục sinh thì cũng phải sống niềm tin đó bằng chính cuộc sống của mình. Thánh Gioan Tông đồ tuyên bố cách chắc chắn: Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối (x. 1Ga 2,4). Biết Thiên Chúa không chỉ là có một ý niệm trừu tượng, nhưng là có một mối tương giao đích thực với Thiên Chúa và sống hiệp thông với Người. Tiêu chuẩn giúp nhận ra đâu là sự biết Thiên Chúa cách thực thụ đó là việc tuân giữ các điều răn của Người.
Ngày hôm nay, Chúa không còn hiện ra trực tiếp để cho chúng ta xem lỗ đinh nơi chân tay, Người không đến để ăn cá nướng cho chúng ta nhìn thấy, nhưng sự hiện diện của Người vẫn rõ ràng đặc biệt nơi Phụng vụ thánh lễ. Đó chính là bữa tiệc Vượt Qua của Chúa Giêsu với các môn đệ, cũng là hình ảnh Người với hai môn đệ Emmau: Người giải thích Kinh Thánh cho họ, và khi ngồi vào bàn ăn với họ, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30). Các Tông đồ đã sống và làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh bằng cả cuộc đời và bằng chính mạng sống. Người Kitô hữu cũng được mời gọi sống chứng nhân trong cuộc sống đời thường của mình. Làm chứng cho Đức Kitô là làm chứng về sự Phục sinh của Người. Niềm hy vọng Kitô giáo về sự Phục sinh được ghi dấu cách tuyệt đối bằng những cuộc gặp gỡ Đức Giêsu Phục sinh. Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ được Phục sinh như Người, với Người và nhờ Người.
Tu sĩ JB Maria Nguyễn Duy Thái
Thông tin khác:
Đôi chút tâm sự về nỗi sợ (05/04/2024)
Thiên Chúa một dạ xót thương (28/03/2024)
Gặp gỡ Chúa Phục sinh (28/03/2024)
Đấng bị đóng đinh đã sống lại (27/03/2024)
Cha khát (27/03/2024)
Đau khổ dẫn đến ơn cứu độ (20/03/2024)
Yêu thương và hy sinh (20/03/2024)
Đôi nét về Kinh cầu Thánh Giuse (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (07/03/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log