Như vậy, tương quan con người với nhau là mối tương quan thứ hai, vì tương quan thứ nhất chính là tương quan con người chúng ta với Thiên Chúa, Đấng tác tạo chúng ta theo hình ảnh của Ngài (x. St 1,27). Đó chính là sợi dây giúp mỗi người chúng ta yêu thương nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và dẫn đưa chúng ta đạt tới ơn cứu độ.Vậy, chúng ta sống có trách nhiệm đó trong mối tương quan với tha nhân như thế nào?
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp cho chúng ta có một cái nhìn tổng quan về con người của mình nói riêng, con người trong gia đình, trong cộng đoàn Giáo hội nói chung về cái nhìn nhạy cảm và sự quan tâm tận tụy đối với người khác, và nhất là cái nhìn bao dung của biết bao con người bên cạnh mình. Như thế, tương quan với nhau chính là yêu thương nhau mà yêu thương nhau chính là chu toàn lề luật của Thiên Chúa, và lề luật của Thiên Chúa chính là mến Chúa và yêu người.Bởi thế, chúng ta nghe qua các bài đọc sẽ thấy được điều Thiên Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta thực hiện điều đẹp ý Ngài.
Bài đọc 1, sách ngôn sứ Êdêkien cho chúng ta thấy người đóng vai trò canh gác là một điều rất quan trọng vì người canh gác luôn thức tỉnh và nhắc nhở mọi người, và nhất là những người làm sai mệnh lệnh và lề luật của Chúa. Do đó, ngôn sứ Êdêkien có nhiệm vụ nhắc nhở dân của Ngài quay về con đường mà Thiên Chúa chỉ dạy, con đường công chính và nên thánh: “Nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó phải chết vì tội của nó” (Ed 33,9). Như vậy, điều mà Thiên Chúa muốn con người làm đẹp lòng Ngài thì con người lại đi ngược lại, và đó là những con người cố chấp không coi trọng luật pháp của Thiên Chúa cho dù đã được nhắc nhở và cảnh cáo, và như thế những con người đó chúng ta cần phải loại trừ coi họ không thuộc con người của gia đình Giáo hội nữa mà là con người ngoài Giáo hội. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu không chỉ mời gọi các môn đệ đóng vai trò canh gác nhưng là trách nhiệm lớn lao hơn là sửa lỗi cho anh em mình. Đây là điều cần phải quan tâm hơn một cách thiết thực vì sửa lỗi cho người khác là giúp họ nhận ra những lỗi lầm sai phạm của mình với người khác, và hơn nữa, chính chúng ta nhiều lúc cũng không biết mình sai lỗi nên mới nhờ người khác giúp đỡ và góp ý để hoàn thiện bản thân của mình. Cho nên, cuộc sống làm người không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, bởi đó chính Đức Giêsu mời gọi chúng ta “hãy nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Việc cải hóa tội nhân là một việc làm rất tế nhị, khó khăn, đòi hỏi phải nhẫn nại, do đó, Đức Giêsu đưa ra ba giải pháp: chính mình phải tự sửa mình, kế đến là cần một vài người, và sau cùng là một nhóm hay cả gia đình cộng đoàn. Điều đầu tiên và cần thiết hơn là chính mình đối diện với Chúa, thân thưa và thú nhận với Chúa để Ngài tha thứ những lỗi lầm đó. Tuy nhiên cuộc sống làm người cũng cần có anh chị em bạn bè quan tâm giúp đỡ để mình tin tưởng vào họ và nhờ đó chính mình cũng thay đổi cách sống của mình. Nhưng nói cho cùng, trừ những trường hợp ngoan cố hay cố chấp thì chúng ta mới loại trừ khỏi gia đình cộng đoàn, và nên nhớ là loại trừ chứ không được tiêu diệt họ. Điều mà Đức Giêsu cũng đang mong muốn là chúng ta sửa lỗi cho nhau chính là chúng ta đang thay đổi Giáo hội và xã hội. Có lẽ chúng ta thừa nhận ra rằng một người thì không thấy hết tội lỗi sai phạm của mình và cũng chẳng đến được với hết mọi người có lỗi để cảnh cáo, đàng khác giả như có làm được việc đó, thì chưa chắc những người có lỗi đã chịu sửa mình. Cho nên, điều cần thiết là mọi người đều có ý thức trách nhiệm của mình đối với những người phạm tội, một cá nhân không làm được thì cần hai ba người, và nếu hai ba người không làm được thì mới cần đến tập thể cộng đoàn phải can thiệp vào. Chúng ta sửa lỗi cho người khác chính là tinh thần trách nhiệm quan tâm để ý với người khác, và giúp đỡ người khác chính là đang giúp đỡ chính mình. Giúp đỡ người khác chính là mối tương quan quan trọng và cần thiết hơn cả. Đời sống con người không phải là một cái gì cô lập, tự mình có thể tìm ra ý nghĩa cho mình, tự mình có thể hoàn thành vận mạng đời mình, đời sống con người cũng không phải là đã xong hay hoàn hảo rồi nhưng là chính mình hãy hoàn thiện bản thân của mình. Con người được đặt vào trong thế “động”, nghĩa là được đưa vào một cuộc sống hiện sinh để hình thành cuộc đời mình trong những tương quan căn bản đã được ghi khắc trong tâm hồn. Tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, đó không phải là cái gì thêm vào nhưng chính là lời mời gọi căn bản của con người. Chính trong cuộc sống thật, với tương quan mà con người có thể xác định thể hiện những gì mình được kêu gọi từ trong thâm sâu của hữu thể con người. Không có tương quan hoặc tương quan không lành mạnh, con người bị biến chất, có thể mất nhân tính và không còn thể hiện được con người mang hình ảnh sâu xa là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8,16), cho nên tình yêu cũng chính là tương quan.
Trở lại với bài Tin Mừng chúng ta thấy không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, bởi đó chính Chúa Giêsu đã dùng biện pháp là loại trừ. Loại trừ chứ không phải là tiêu diệt, hay báo oán trả thù. Kẻ có tội, nếu chẳng nghe anh em, cũng chẳng nghe lời của cộng đoàn mà sửa lỗi, trái lại cứ ngoan cố tiếp tục đi trên con đường tội lỗi đó thì sẽ bị loại ra khỏi cộng đoàn. Như vậy, chúng ta biết rằng, khi chúng ta quan tâm giúp đỡ một ai đó khi họ phạm tội thì chúng ta đang giúp đỡ và xây dựng một Giáo hội, xây dựng tình người, tình liên đới với nhau để cho con người trong Giáo hội xích lại gần nhau hơn vì Giáo hội là thân mình của Chúa Giêsu, và vì “Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét…và để cho con người được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất” (Ep 2,14-16). Đó chính là tinh thần trách nhiệm xây dựng tình liên đới với nhau. Như thế, chúng ta đã chu toàn trách nhiệm của mình trong thân phận làm người như lời thánh Phaolô nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8), vì khi chúng ta đã làm được như vậy là chúng ta đã chu toàn lề luật của Chúa, đó chính là mến Chúa và yêu người, và yêu người chính là giúp họ đến với Chúa và Người sẽ ban ơn cho họ.
Phêrô Trương Văn Vịnh