Suy niệm
Có một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ kêu xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến khi không chịu nổi lời van xin, thay vì bố thí, người giàu có đã lấy đá ném vào người hành khất. Con người ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị, rồi thì thầm trong miệng: “Ta sẽ mang hòn đá này cho đến ngày ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”. Hơn mười năm trôi qua, lời chúc dữ đã thành sự thật. Vì biển lận công quĩ, người giàu đã bị tịch biên gia sản và bị tống ngục. Người hành khất đã chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu. Nỗi căm hờn sôi sục, ông đi theo, tay không rời hòn đá mà người giàu đã ném vào ông trước đây. Ông muốn ném hòn đá vào người tù để rửa mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng khi nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao năm qua? Con người này giờ đây chỉ là một kẻ khốn khổ như ta.”.
*
Chúa Giêsu sau khi dạy bài học “chớ trả thù” thì Người dạy tiếp bài học này. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ nữa để chúng ta được nên hoàn thiện như Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đưa luật yêu thương đến mức hòan thiện, nghĩa là không chỉ yêu người thân mà yêu cả kẻ thù. Đó chính là yêu thương tất cả mọi người không trừ một ai, không phân biệt bất cứ điều gì như dân tộc, màu da, tiếng nói, tín ngưỡng… Và còn một việc mà chẳng có tôn giáo nào dạy: “Cầu nguyện cho kẻ thù”. Đây là dấu chỉ đích thực của sự tha thứ, nhớ đến họ khi cầu nguyện như chính những người thân yêu.
Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con, mà con cái trong nhà thì phải giống Cha. Chúng ta có trở nên con cái Thiên Chúa hay không đó chính là lòng nhân từ tha thứ, chứ không phải ở một điểm nào khác.
Yêu người yêu thương mình, chào hỏi người chào hỏi mình đó là chuyện bình thường, đương nhiên và là lịch sự giao tiếp. Nhưng Chúa đòi hỏi người con của Chúa phải đạt tới một mức độ cao hơn cái lịch sự xã giao, là yêu thương, giao tiếp cách chân thành.
Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi chúng ta nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện. Đây chính là lời mời gọi nên thánh. Trên trời, dưới đất có ai là hoàn thiện đâu ngoài một mình Chúa. Tôn thờ Thiên Chúa, nên giống như Người là một điều khôn ngoan, là đã góp phần xây dựng nước Chúa tại trần gian.
Điều Chúa dạy nghe chừng vô lý quá; kẻ thù ta, kẻ làm hại ta, khiến ta phải đau khổ, điêu đứng thì làm sao có thể yêu cho nổi chớ. Ngay cả việc nhìn mặt còn đã phát ghét, khó ưa rồi. Nhưng dòng lịch sử đã chứng minh hận thù chỉ kéo theo hận thù, chiến tranh, chết, nghèo đói, bệnh tật, thất học… Hậu quả thật khủng khiếp và rồi sự trả thù không xóa đi lòng hận thù, mà chỉ có tình yêu mới làm được.
Thế giới ngày càng hiện đại, kỹ thuật thông tin ngày càng tân tiến và phổ biến khiến trái đất gần như nhỏ lại. Con người từ khắp năm châu có thể kết nối với nhau cách dễ dàng. Người ta quan hệ làm ăn hợp tác, giúp đỡ, viện trợ mà không phân biệt màu da, tiếng nói, tín ngưỡng nữa. Trong bối cảnh thế giới xích lại gần nhau thì quả thật mọi người đều là anh em một nhà, và là con một Cha. Vì vậy các cuộc chiến xem ra là vô lý và những tư tưởng bảo thủ, độc tài, khép kín xem ra là lạc hậu.
Những tấm gương sáng sống động như mẹ Têrêsa Calcutta, của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã sẵng sàng mở rộng tay yêu thương những con người xa lạ, tha thứ cho kẻ ghét mình, tìm cách giết mình… không đủ sức đánh động chúng ta sao?
Bài học áp dụng
Người tín hữu cần nên giống Chúa Giêsu nơi sự tha thứ. Lòng vị tha khiến con người vượt lên trên các sinh vật khác.