Cầu nguyện là năng lượng để Kitô hữu trở thành ánh sáng cho đời. Ảnh: CTV |
Trong cuộc sống thường ngày với những công việc và bổn phận mà chúng ta phải chu toàn cho cá nhân và cho gia đình, cho cộng đoàn, cũng như nhìn vào những sự hy sinh tham gia trong những công việc bác ái xã hội, các công tác mục vụ… một câu hỏi quan trọng mà chúng ta thường đặt ra là làm việc vất vả như thế vì mục đích gì và chúng ta cần kín múc nguồn năng lượng từ đâu cho một ngày hoạt động như thế?
Cuộc sống của con người không ai là không phải vất vả làm việc để đạt được kết quả hoặc mục đích cho cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi người làm việc trong thái độ nào mới là quan trọng. Bài đọc một sách Gióp có một cái nhìn khá bi quan về thân phận con người. Ông cho rằng cuộc sống con người nơi dương thế chẳng khác nào một cuộc khổ dịch lao nhọc. Con người từ sáng tới tối phải lao động vất vả hết ngày này qua ngày khác dường như không chấm dứt. Bóng đêm đổ xuống thì mong trời sáng để đi làm, khi ngày đến thì mong tối về được nghỉ ngơi. Tác giả cũng đã phải kêu lên: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa và chấm dứt không một tia hy vọng. Cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (G 7,6-7). Nếu người tín hữu cũng lao vào công việc như tham gia vào chiếc đu quay, hết sáng đi làm, rồi tối về ngủ, sáng mai lại đi làm, như sách Gióp đã nói thì quả thật cuộc sống như thế quá tẻ nhạt và mất ý nghĩa. Để cho cuộc sống và công việc của chúng ta có ý nghĩa, chúng ta cần phải có những khoảng dừng để nạp năng lượng, hồi phục tinh thần và thể xác. Thiên Chúa cho chúng ta có mặt ở trần gian này không phải là một cái máy đã được lập trình, cũng không phải là những con thú sống theo bản năng sáng đi săn mồi, tối về hang, nhưng chúng ta được hiện diện trên trần gian này với tư cách là những người con của Thiên Chúa, được Chúa yêu thương trao cho chúng ta cai quản và làm chủ vũ trụ này. Vì thế, chúng ta cần phải sống và làm việc trong tư cách và phẩm giá ấy.
Vì là con, chúng ta phải sống và làm việc như những người được Chúa tín nhiệm, đồng thời làm việc trong sự hiện diện và dưới cái nhìn của Chúa. Đừng làm việc như những kẻ nô lệ cắm mặt vào công việc mà quên phẩm giá và ơn gọi của mình là những con người tự do. Làm việc trong sự hiện diện của Chúa giống như đứa con được làm việc bên cha mình và làm việc của cha mình. Vì thế, mọi công việc, mọi hoạt động của chúng ta được làm với tâm tình yêu mến và biết ơn. Thiên Chúa đã tín nhiệm trao vũ trụ này cho chúng ta, Ngài cũng trao cho chúng ta gia đình và các trách nhiệm khác nhau. Hãy làm việc như một quản gia trung tín, tức là làm việc theo đúng ý Thiên Chúa. Để biết ý của Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta nơi gia đình, nơi cộng đoàn, hãy noi gương Chúa Giêsu, hỏi ý kiến Thiên Chúa Cha qua việc cầu nguyện và thường xuyên gặp gỡ Ngài. Hãy tập thói quen bắt đầu ngày mới bằng việc phó dâng công việc và mọi toan tính cho Chúa; và khi chiều về, mọi người cùng nhau xum họp để nhìn lại một ngày trôi qua và cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa, bằng những lời kinh tiếng hát. Hãy làm cho cuộc sống của mình, của gia đình, xã hội và làm cho môi trường sống tốt đẹp hơn. Thiên Chúa sẽ biến kết quả công việc thành của lễ hy sinh mang lại ơn cứu độ cho bản thân và cho mọi người.
Ngoài những việc bổn phận hàng ngày, là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta còn phải là những người thực thi công việc loan báo Tin Mừng, giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Đây là một nhiệm vụ mà chúng ta không thể thoái thác. Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã chia sẻ ý tưởng này: “Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tôi tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó” (1Cr 9,16-17). Ngài, khi đã nhìn ra sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng là đem lại sự bình an, tình yêu của Chúa và nhất là ơn cứu độ cho cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đời sau cho mọi người, ngài sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời nhiệt thành rao giảng, và sẵn sàng trở nên mọi sự cho mọi người để kêu gọi mọi người tin vào Chúa, và để đem các linh hồn về cho Thiên Chúa.
Còn thánh Marcô kể lại một ngày hoạt động đầy ắp công việc của Chúa Giêsu từ sáng đến tối khuya. Buổi sáng, Ngài vào Hội đường Caphacnaum để cùng với mọi người nghe đọc sách thánh và Chúa cùng thường vào Hội đường để giảng dạy giáo lý. Ra khỏi Hội đường, Ngài đã đến nhà của hai ông Simon và Anre. Bà mẹ vợ của ông Simon đang bị sốt nặng, Chúa Giêsu biết bà đang bị bệnh, Ngài không cần hỏi bà điều gì, Ngài cầm tay bà đỡ dậy và bà khỏi bệnh. Thánh Marcô cho thấy Chúa Giêsu đi đến đâu, thì quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa được tỏa lan đến đó. Quyền năng của Ngài khiến ma quỷ và tội lỗi phải sợ hãi chạy xa. Buổi chiều, Chúa Giêsu tiếp tục công việc của Ngài là rao giảng Tin Mừng và chữa lành tất cả mọi người bị đau ốm hay bị quỷ ám. Cả thành kéo đến chật cửa nhà. Chúa Giêsu lại tiếp tục chữa lành cho họ. Chúa Giêsu không dùng các phép lạ để thu hút dân chúng, nhưng những ai tin vào Ngài, đi theo Ngài, thì sẽ được chứng kiến các phép lạ Chúa làm và qua các phép lạ đó, mọi người nhận ra Ngài là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế. Còn lúc mới thức dậy “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Nếu như sau một ngày hoạt động, con người cần những lúc nghỉ ngơi, cần được nạp lại năng lượng thế nào, thì Chúa Giêsu cũng vậy. Nguồn năng lượng cho mọi hoạt động của Chúa Giêsu chính là những giờ phút cầu nguyện, gặp gỡ, tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa Cha.
Ngoài ra, việc giới thiệu về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho người bên cạnh còn là một đòi hỏi, một thúc bách cho tất cả mỗi chúng ta. Chúa không muốn cho các tông đồ và chúng ta dừng chân ngơi nghỉ hoặc bằng lòng về một vài công việc đã thực hiện được, nhưng Chúa muốn chúng ta cần phải liên tục lên đường đến với nhiều anh chị em khác nữa, để qua sự hiện diện, qua đời sống, qua việc làm của chúng ta, nhiều anh chị em khác sẽ được đón nhận Tin Mừng của Ngài.
Tóm lại, một ngày sống của chúng ta nên khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày, sáng danh Chúa. Chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu, thường xuyên gặp gỡ Chúa Cha trong cầu nguyện, sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, để đón nhận được nguồn năng lượng và sức mạnh cho mỗi ngày sống của chúng ta. Chúng ta cần phải biết hy sinh thời giờ suy niệm cầu nguyện. Cầu nguyện một cách chân thành, để chúng ta luôn được kết hợp mật thiết với Chúa. Cầu nguyện để chúng ta biết mục đích và kín múc nguồn năng lượng của cuộc sống từ nơi Ngài. Cầu nguyện để gia đình được hòa thuận, hạnh phúc. Cầu nguyện để có sự vui mừng hy sinh phục vụ Chúa, để có sự khiêm nhường, bác ái, quảng đại, và sống trong bình an, tình yêu và ơn sủng của Chúa. Cầu nguyện để có sức mạnh vượt qua được những khó khăn, đau khổ và lo âu trong cuộc sống, chu toàn bổn phận và sứ mệnh chứng nhân cho Chúa.
Phanxicô Đức Nguyễn