Suy tư - Chia sẻ

Khao khát Chúa

Cập nhật lúc 12:06 02/03/2018
1.
Tuổi già, tôi cảm thấy đời mình như ngọn đèn sắp tắt. Thế nhưng đôi khi, tôi lại cảm thấy sáng rực lên trong tôi một ngọn lửa thiêng, tỏa ra hơi nóng ngọt ngào, lửa thiêng đó là lòng khao khát Chúa.
Ngay những ngày này, và ngay chính lúc này, tôi khao khát Chúa hơn bao giờ hết.

2.
Tôi khao khát chính Chúa, chứ không phải những công trình của Chúa.
Khao khát Chúa là như nhìn thấy Chúa, nên chờ đợi ngóng trông.
Tôi đợi chờ mong mỏi Chúa, vì tôi tin Chúa thương tôi, Chúa lo liệu mọi sự cho tôi.
Tôi tin Chúa thương và lo cho tôi, nên Chúa dù rất xa mà lại rất gần. Vì xa nên mới khát khao, vì gần nên mới thân mật.
Khát khao và thân mật nảy sinh tâm tình ca ngợi Chúa.

3.
Trong tâm tình ca ngợi, đầy khát khao thân mật hướng về Chúa, tôi đang nhận ra rất rõ những gì Chúa đã thương tôi. Tôi chỉ xin nêu lên mấy điều tôi cho là quan trọng nhất.

4.
Điều thứ nhất là Chúa đã và đang tha thứ cho tôi.
Tôi tội lỗi lắm, tôi yếu đuối lắm. Thánh Phaolô xưa nói về mình: “Điều tốt tôi muốn làm thì tôi lại không làm. Điều xấu tôi không muốn làm, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Nay tôi cũng nói về tôi như thế. Hiện tình của tôi chắc là bi đát hơn hơn thế.
Chính trong tình trạng đó, tôi được Chúa thương, Chúa đến để cứu tôi, Chúa tha thứ cho tôi.

5.
Khi tôi khao khát Chúa, thì tôi khao khát sự tha thứ của Chúa.
Trong sự tha thứ của Chúa, tôi thấy không chỉ là tha thứ tội lỗi, mà còn sửa lại những hậu quả xấu do tội lỗi đã gây nên.
Hậu quả xấu của tội là những vết thương vô hình mà tội lỗi để lại. Tội được tha, nhưng những vết thương vô hình của tội vẫn còn đó. Tôi xin Chúa thương rửa sạch, băng bó, chữa lành những vết thương ấy.
Hậu quả xấu của tội là những gương mù, mà tội lỗi gây nên cho cộng đoàn và xã hội. Tội được tha, nhưng gương mù vẫn còn đó. Tôi xin Chúa thương xóa sạch những gương mù đó, bằng những gì Chúa biết là tốt hơn cả.
Hậu quả xấu của tội là đã không gieo hạt giống Tin Mừng Nước Chúa, mà lại gieo cỏ lồng vực. Tội được tha. Nhưng tôi xin Chúa thương đừng vì tội của tôi, mà Nước Chúa bị chậm phát triển.

6.
Khi khao khát Chúa là như vậy, tôi mới hiểu Chúa muốn tôi phải góp phần nào đau đớn, để cùng với Chúa mà đền tội. Chính Chúa sẽ giúp tôi chịu phần đau đớn ấy, một cách êm dịu, vì Chúa thương tôi.

7.
Điều thứ hai là Chúa đã và đang đỡ nâng tôi trên những chặng đường khó khăn hiểm trở.
Tôi đã và đang gặp những chặng đường hiểm trở cả về phần xác lẫn phần hồn.
Hiểm trở về phần xác, như sự sa sút trầm trọng về sức khỏe.
Hiểm trở về phần hồn, như sự sa sút trầm trọng về nghị lực phấn đấu nội tâm.
Nhận thức rõ tình hình sa sút ấy, tôi khao khát Chúa. Trong khao khát ấy có sự khao khát ơn Chúa đỡ nâng tôi.

8.
Thực sự, Chúa đang nâng đỡ tôi. Nâng đỡ căn bản nhất là Lời Chúa hứa: “Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đưa anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó, và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14, 1-4).
Khi tôi khao khát Chúa và trình bày với Chúa về nỗi lo cho cuộc đời mình, thì Chúa đã nói với tôi những lời trên đây. Tôi được an ủi.

9.
Tôi nhận thấy điều này: Cho dù hoàn cảnh có xấu mấy đi nữa, tôi vẫn được Chúa dành cho một chỗ trong Nước Chúa. Chỗ đó gần bên Chúa. Đúng như lời Chúa hứa: “Thầy ở đâu, con cũng ở đó với Thầy”.
Tôi thấy đúng là như vậy.
Điều quan trọng nhất đối với tôi là tôi được ở bên Chúa.
Kinh nghiệm cho tôi thấy, nếu khao khát Chúa là để xin Chúa cho mình được thành công này, thành công khác theo ý mình, thì rất sai.
Kinh nghiệm cũng cho tôi thấy. Nếu gặp trở ngại trên đường đời, mà trốn tránh nó bằng cách tìm quên đi, và bằng những giải trí thì cũng rất sai.

10.
Phải tìm được ở bên Chúa. Chỉ có cách đó, mới thực sự được bình an. Bình an đó chính là một ơn trọng Chúa ban, chứ không do ý chí và công trạng.

11.
Điều thứ ba là Chúa sẽ phán xét tôi theo cách tôi xét đoán người khác.
Khi tôi khao khát Chúa, Chúa cho tôi thấy Chúa mà tôi khao khát, sẽ giúp tôi trong việc xét đoán người khác.
Trước đây, đôi khi tôi thích xét đoán người khác. Tôi tưởng đó là việc bình thường, thậm chí còn là việc tốt.
Nhưng, khi khao khát Chúa, và Chúa đến với tôi, Chúa cho tôi thấy. Thói hay xét đoán người khác có thể sẽ rất hại cho tôi, nếu tôi xét đoán xấu cho họ. Bởi vì “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 7, 1-2).

12.
Trong cuộc sống, tôi cần nhận ra kẻ tốt người xấu, để những liên đới xã hội được tốt. Muốn được thế, xét đoán lành mạnh là hết sức quan trọng.
Thế nhưng, xét đoán không lành mạnh lại đang là một hiện tượng phổ biến. Nên tôi càng cần phải thận trọng trong việc xét đoán. Nếu không có bổn phận phải xét đoán ai, thì đừng xét đoán họ. Nếu có bổn phận phải xét đoán ai, thì hãy để công lý và yêu thương cùng ôm lấy nhau mà xét đoán.

13.
Đấng sẽ phán xét tôi sau cùng là Chúa. Chúa sẽ phán xét một cách công minh và dễ hiểu. Tôi xét đoán người khác thế nào, thì sẽ được Chúa xét đoán tôi như vậy. Chúa đã quả quyết như thế. Và do đó, tôi cần phải thế nào trong việc xét đoán người khác.

14.
Trên đây là đôi chút chia sẻ những gì đang xảy ra trong tôi.
Tôi thấy sự khao khát Chúa và được gặp Chúa là tình yêu thương xót đang được Chúa thực hiện nơi tôi.
Sẽ là xúc phạm đến Chúa, nếu tôi không coi đó là ơn trọng Chúa ban cho tôi. Vì thế, tôi xin hết lòng cảm tạ ngợi khen Chúa vì ơn rất trọng đó.
Tôi cũng xin thân ái cảm ơn mọi người đã giúp tôi khao khát Chúa và gặp được Chúa.
Tôi như được trẻ lại, với mùa xuân mới là tình yêu Chúa bao la, vô cùng, vô tận. Tôi sẽ được ở bên Chúa đời đời mãi mãi. Hạnh phúc biết bao!

Long Xuyên, ngày 17/01/2018
ĐGM. GB
Thông tin khác:
Sống đức tin trong tuổi già đau yếu (26/02/2018)
Nguồn năng lượng cho các hoạt động (23/02/2018)
Thiên Chúa đồng hành với tôi trong những thương đau (21/02/2018)
Đón nhận uy quyền của Thiên Chúa (31/01/2018)
Chứng nhân nhờ những tiếp xúc (25/01/2018)
Thời gian (24/01/2018)
Cuộc gặp gỡ (12/01/2018)
Cầu chúc được là người bé mọn trong năm mới này (11/01/2018)
Gia đình có Chúa (09/01/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log