Sự hiệp nhất luôn luôn cần phải có nơi mỗi con người; nhất là trong đời sống cộng đoàn, gia đình hoặc bất kỳ một tổ chức nào trong xã hội. Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được được đón nhận nguồn ân sủng sung mãn từ Lòng Thương Xót của Chúa Cha, nơi Đức Giêsu Kitô qua đời sống hiệp nhất dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cụ thể, nơi các tín hữu của cộng đoàn tiên khởi xưa kia, họ đã sống trong tình hiệp nhất với nhau qua lời giáo huấn của các Tông đồ, mà các ngài đã đón nhận từ Chúa Giêsu “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Nhờ ân sủng mà Chúa đã ban cho các Tông đồ, các ngài cũng trao ban cho các tín hữu bằng sự hiệp nhất với nhau trong lòng thương xót của Chúa. Để rồi, không ai phải sống trong sự thiệt thòi. Vì thế, “trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn” (Cv 4,34). Sự thiếu thốn ở đây không phải là thiếu về vật chất của cải mà là thiếu thốn về lòng thương xót của Chúa.
Để tất cả mỗi người chúng ta không ai bị thiếu thốn về Lòng Thương Xót thì đời sống của ta phải gắn liền với Lời chúc bình an của Chúa “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Trong lúc các môn đệ đang hoang mang lo lắng thì Chúa Phục sinh đã ban lời bình an cho các môn đệ. Sự bình an của Lòng Thương Xót Chúa đã làm cho các môn đệ ngày càng trở nên hiệp nhất với nhau hơn. Khi có sự bình an thì các ngài đã bỏ đi sự lo lắng từ trong tâm hồn. Chỉ có Lòng Thương Xót của Chúa mới liên kết họ với nhau trong tình yêu thông hiệp của Chúa Thánh Thần, để Ngài sai đi thực hiện sứ mạng tha thứ “‘Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”’ (Ga 20,22-23).
Nếu chúng ta là một người thiếu lòng tin thì Lòng Thương Xót Chúa luôn luôn có nhiều cách thế để giúp chúng ta tin tưởng hơn trong đời sống hiệp nhất với tất cả mọi người. Hình ảnh Tông đồ Tôma đã cho chúng ta được thấy. Sau khi Chúa Giêsu Phục sinh và đã hiện ra với các Tông đồ thì Tôma đã không có mặt ở đó. Ông đã không tin vào những lời chứng tá mà các Tông đồ đã kể cho ông. Sự cứng lòng tin đó, Chúa đã hiện ra một lần nữa để chứng thực cho Tôma, một người luôn cứng lòng tin. Sau khi đã được tận mắt thấy những dấu đinh ở tay, chân và cạnh sườn Chúa Giêsu thì ông đã nói lên lòng tin từ đáy lòng mình “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Lòng Thương Xót của Chúa đã đưa Tôma từ một con người kém tin trở thành một con người có niềm tin mạnh mẽ.
Chúng ta cũng thế, đôi lúc lòng tin của chúng ta cũng luôn tin tưởng một cách mạnh mẽ như khi các Tông đồ đầu tiên được đón nhận Tin Mừng Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Và đôi khi, chúng ta cũng giống như Tông đồ Tôma rất cứng lòng không chịu tin vào lời rao giảng của các tông đồ. Ta cũng không chịu tin vào ánh sáng của Lời Chúa mỗi ngày trong thánh lễ hoặc cố tình không chịu học hỏi và thực hành Lời Chúa vì một lý do nào đó. Để rồi, chúng ta cũng hay tự tách mình ra khỏi đời sống hiệp nhất với cộng đoàn tín hữu mà sống với cái ích kỷ của con người kiêu căng. Lòng Thương Xót của Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta mỗi ngày trong đời sống hiệp nhất qua các Bí tích, qua lời giáo huấn của Giáo hội mà Chúa Kitô là Đầu và chúng ta là những chi thể được gắn liền với Chúa để sinh hoa kết trái tốt.
Để đem lại sự hiệp nhất cho chúng ta, Chính Chúa Giêsu Kitô đã phải chiến đấu và hy sinh bằng cả mạng sống của Ngài. Chính vì thế, khi Tôma đến, Chúa đã hiện ra và cho ông thấy tất cả các dấu đinh cùng với các vết thương của Chúa. Không chỉ cho ông Tôma mà thôi nhưng còn cho tất cả chúng ta được thấy những dấu tích tình yêu của Ngài vì tội lỗi chúng ta. Ngài đã phải sống lang thang không một hòn đá gối đầu, bị người đời coi như là đồng lõa với tội nhân; bị bắt, bị đánh đòn và cuối cùng chết trên Thập giá. Ngài là một Thiên Chúa nhưng Ngài cũng phải trải qua mọi đau khổ như thế mới làm cho chúng ta được nên một với Ngài trong đại dương bao la của Lòng Thương Xót. Chúng ta cũng được mời gọi phải chiến đấu và hy sinh mỗi ngày, để Lòng Thương Xót của Chúa luôn luôn hiện diện trong tâm hồn của ta. Khi đó, các thế lực ma quỷ sẽ không bao giờ chiến thắng được. Bởi vì, chúng ta tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Chúa. Như lời khẳng định của thánh Gioan Tông đồ: “vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5,4).
Vì vậy, chỉ khi nào chúng ta sống trong Lòng Thương Xót Chúa thì ta sẽ có một đời sống hiệp nhất với Chúa và với mọi người một cách tinh tuyền. Sự tinh tuyền đó làm cho chúng ta mỗi ngày được nên giống hình ảnh của Lòng Thương Xót Chúa. Thế nhưng, chúng ta phải luôn tin tưởng vào Chúa mỗi ngày. Sự cám dỗ của ma quỷ đôi lúc làm cho niềm tin trở nên yếu kém vì những sa ngã của mình. Thế nên, niềm tin vào Lòng Thương Xót của Chúa sẽ giúp cho mọi cố gắng, mọi nỗ lực chiến đấu của chúng ta với thế gian sẽ trở nên toàn thắng trong Chúa Phục sinh.