Suy tư - Chia sẻ

Làm lớn để phục vụ

Cập nhật lúc 14:20 15/10/2024
Chúa nhật XXIX thường niên - năm B; Bài đọc 1: Is 53, 10-11; Bài đọc 2: Dt 4,14-16; Tin Mừng: Mc 10, 35-45
“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.
“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.

Các Bài đọc hôm nay tập trung vào Đức Kitô, mẫu gương khiêm nhường và phục vụ cho con người. Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah tiên báo về Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Ngài sẽ bị nghiền nát vì đau khổ để chuộc tội cho muôn người và hoàn tất thánh ý của Thiên Chúa. Trong Bài đọc II, tác giả Thư Dothái muốn nhắc nhở cho các tín hữu biết noi gương và chạy đến với Đức Kitô mỗi khi chịu đựng đau khổ; vì Ngài đã từng trải qua những đau khổ như con người, nên Ngài biết giúp cho con người vượt qua đau khổ. Trong Phúc Âm, khi hai anh em, Giacôbê và Gioan đến xin với Chúa Giêsu một đặc quyền, là cho hai anh em một người ngồi bên tả và một người ngồi bên hữu trong vương quốc của Thiên Chúa; Đức Kitô trách họ không biết họ đang xin gì. Các môn đệ khác bất bình với hai anh em vì họ cũng không muốn ai hơn họ. Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ: kẻ làm lớn nhất trong Nước Trời là kẻ hiến thân phục vụ người khác.
Trong cuộc sống của con người thuộc mọi thời đại, ai ai cũng dùng mọi cách để đặt được quyền cao chức trọng, được giàu sang phú quý. Vì khi đạt được những điều đó, con người được người khác phục vụ và được tôn trọng. Các Tông đồ của Đức Giêsu ngày xưa cũng không phải là một ngoại lệ: Giacôbê và Gioan tới gặp Thầy để xin cho người bên hữu và người bên tả Thầy. Và Đức Giêsu đã xác định cho các ông thấy: làm lớn là để phục vụ.
Chúng ta hãy thử hòa mình cùng các Tông đồ của Đức Giêsu trên hành trình tiến về Giêrusalem. Trong cuộc hành trình đó, Thầy trò đã rong ruỗi hết các làng mạc, thôn xóm để loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Viễn cảnh về một vương quốc mới thật đẹp, làm cho các Tông đồ thêm niềm tin và khích lệ rằng mình sẽ có một chỗ đứng trong nước ấy. Nên, các ông phấn khởi bước theo Thầy.
Cũng chính trên hành trình đó, Đức Giêsu đã loan báo ba lần về cuộc tử nạn mà Ngài sắp phải chịu tại Giêrusalem. Tin Mừng thuật lại: các ông không hiểu điều mà Thầy loan báo nhưng cũng không dám hỏi: “Nhưng các ông không hiểu điều đó, và các ông sợ không dám hỏi Người” (Mc 9,32). Các ông không hiểu cũng đúng thôi, vì các ông đang mơ mộng, ảo tưởng về một tương lại tốt đẹp khi Thầy thiết lập vương quốc mới, và các ông sẽ đồng cai trị vương quốc Ixraen.
Câu chuyện trong Tin Mừng tuần này là sau trình thuật về cuộc loan báo cuộc tử nạn lần cuối cùng của Đức Giêsu. Thầy thì đang hướng về ngày chịu khổ hình thập giá, còn trò thì tranh dành ai là người lớn nhất; hơn thế nữa: hai người con ông Dêbêđê tới trực tiếp xin ngồi bên hữu bên tả Thầy: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10, 37). Chúng ta thử hình dung xem tâm trạng của các Tông đồ còn lại thế nào: cùng theo Thầy, nhưng giờ chỗ “ngon” thì Giacôbê và Gioan xin Thầy rồi. Có lẽ không riêng gì mười Tông đồ còn lại mà cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đang xáo xào, tức tối, ganh tỵ vì ước nguyện theo Thầy để được làm lớn đã bị “hai tay” con nhà Dêbêđê chiếm mất rồi. Đó là tâm trạng chung của các Tông đồ và cũng là tâm trạng chung của mỗi người chúng ta.
Người đời làm lớn để được người ta phục vụ, nhưng theo Thầy Giêsu và trong Nước của Ngài thì hoàn toàn người lại: “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phụ vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43-44). Vâng! đó là tinh thần của người làm lớn trong Nước Chúa. Mỗi người Kitô hữu chúng ta, đặc biệt là những người theo sát chân Đức Giêsu cần ý thức rằng: chúng ta được mời gọi sống theo gương Đức Giêsu, sống dấn thân và phục vụ như Chúa và hiến thân mình cho chương trình cứu độ thế giới của Ngài.
Chúng ta trở về với hình ảnh người tôi trung đau khổ mà sách ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ….” (Is 53,10). Người tôi trung đau khổ được ứng nghiệm nơi cuộc đời của Đức Giêsu khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ lãnh nhận. Nếu như, quan niệm của Cựu ước về đau khổ là do Đức Chúa trừng phạt, thì đối với Đức Giêsu, Ngài lãnh lấy đau khổ hay “chén đắng” là để cứu độ con người và nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Cho nên, làm lớn trong Nước Thiên Chúa, cần phải có một tinh thần phục vụ, chứ không phải để được cung phụng. 
Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta cần phải thay đổi quan điểm sống của mình để làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới. Chúa nhật tuần này cũng là khánh nhật truyền giáo. Mỗi người khi lãnh nhận Bí bích Thánh Tẩy thì mang trong mình sứ mạng truyền giáo vì: “Bản chất của Giáo hội là truyền giáo” (Sắc lệnh Ad Gentes). Để mang lời Chúa đến với muôn dân, trước hết chúng ta cần phải sống niềm vui, niềm hạnh phúc có Chúa, sau đó mới có thể rao truyền về Chúa cho mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa, không màng tới địa vị cho mình, nhưng luôn dấn thân phục vụ anh em, như Chúa đã đến phục vụ và hy sinh cả tính mạng để cứu chuộc muôn người, Amen.
Tu sĩ Gioan Phaolô Nguyễn Văn Trí, FPV
Thông tin khác:
Anh sẽ được một kho tàng trên Trời (04/10/2024)
Đức Mẹ khuyên tôi hãy theo gương thánh Giuse luôn phấn đấu với chính mình (04/10/2024)
Đức Mẹ dạy tôi về phục vụ thầm lặng (02/10/2024)
Óc bè phái phá vỡ sự hiệp nhất (20/09/2024)
Hãy nghe Đức Mẹ báo tin (20/09/2024)
Biểu tượng của Đức tin và sứ mạng Cứu độ (02/10/2024)
Những người là điểm tựa cho tôi (13/09/2024)
Lòng khiêm tốn (13/09/2024)
Cầu nguyện như thế nào? (06/09/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log