Suy tư - Chia sẻ

Lòng khiêm tốn

Cập nhật lúc 10:52 13/09/2024
Chúa nhật XXV thường niên - năm B; Bài đọc 1: Kn 2,12.17-20; Bài đọc 2: Gc 3,16 - 4,3; Tin Mừng: Mc 9,30-37
 Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.
Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

Đường lối của Thiên Chúa không phải như đường lối của người phàm. Đức Giêsu nhất quyết đi trên con đường khiêm hạ mà Chúa Cha đã vạch ra. Nhưng, đang khi cùng đi với Thầy, các môn đệ lại ước mơ chuyện khác hẳn: làm lớn. Các ngài cứ nghĩ đến việc làm lớn chính ngay lúc Đức Giêsu nêu cao tinh thần làm nhỏ, tinh thần phục vụ. Hơn nữa, phải phục vụ với tâm hồn khiêm nhu và bác ái. Người môn đệ đúng nghĩa của Đức Giêsu phải coi mình như là tôi tớ. Và điều quan trọng người môn đệ phải nhận thấy Thiên Chúa trong kẻ đơn sơ, nghèo hèn.
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay chạm đến trái tim từng người chúng ta.
Bài đọc thứ nhất trích sách Khôn ngoan trình bày lí do khiến cho những kẻ vô đạo bách hại những người công chính: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo”. Chính thái độ sống của những người công chính là lời không ngừng tố cáo những con người đang dấn mình vào mọi thứ vô đạo. Có thể trong cộng đoàn những người Do thái ở hải ngoại thời bấy giờ, có những người vẫn một lòng gắn bó với Luật Môsê và truyền thống của tổ tiên (c.15), đối lại là một số người khác, vì bị môi trường và tư tưởng ngoại giáo tác động dần dần, đã phản bội niềm tin do cha ông truyền lại. Vì thế, nguyên sự hiện diện của những người trung thành với Lề Luật đã là một lời tố cáo những người vô đạo.
Khôn ngoan là gì? Nếu muốn biết một chút về khôn ngoan, chúng ta hãy đọc các sách Khôn ngoan trong Kinh Thánh. Các sách này vạch ra cho chúng ta con đường khôn ngoan được hiểu là một ân huệ của Thiên Chúa (1Cr 1,30; Ep 1,8), được lãnh nhận nhờ cầu nguyện (Kn 9; Hc 51,13; Cl 1,9), kiên trì suy niệm Lời Chúa (2Tm 3,15), thanh luyện trái tim trong đời sống thường ngày. Thánh Giacôbê không nói về khôn ngoan trên lí thuyết mà về khôn ngoan trong thực hành.
“Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17).
Anh em xin với tà ý (c.3). Thánh Giacôbê cho chúng ta biết rằng lời cầu nguyện đem lại những ơn lành giúp chúng ta đáp ứng kế hoạch của Thiên Chúa (x.1,5-8). Nhưng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không được Chúa đoái nghe nếu lòng yêu thế gian đẩy Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta.
Yêu thế gian là gì, khiến chúng ta không được nhậm lời? Yêu thế gian là ước muốn và bám víu loài thụ tạo mà không vượt xa hơn để vươn lên tới Thiên Chúa và những anh chị em mà Người đã ban cho ta. Đây là tội ngoại tình theo cùng một nghĩa như câu trong Tin Mừng Mátthêu diễn tả: Không ai có thể làm tôi hai chủ (6,24). Chúng ta không thể đem tình yêu của mình chia năm sẻ bảy, cho Thiên Chúa mà cũng cho thế gian, cũng không thể xin Chúa thoả mãn những tham vọng ích kỉ của chúng ta.
Anh em đừng nói xấu nhau (c.11). Nói xấu hoặc xét đoán người khác là xem thường luật yêu thương. Chúng ta phải nhìn thấy, và đôi lúc phải nói ra, điều gì sai trái trong một hành động, nhưng không được xét đoán trách nhiệm của người khác cũng như ý định của họ, mà chỉ có Thiên Chúa biết rõ. Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán độc nhất (x. Rm 14,4; Mt 7,1).
“Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum” (c.33): Các Tông đồ trở lại Caphácnaum, là trung tâm điểm từ đó họ được gửi đi thi hành sứ vụ, có thể là nhà ông Simôn Phêrô. Họ đã công bố Nước Thiên Chúa, họ đã làm phép lạ chữa lành bệnh nhân, đã trừ quỷ. Nhưng họ thiếu một điều tối cần là lòng khiêm tốn.
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (c.35). Đức Giêsu thường nhấn mạnh lòng khiêm tốn là nét đặc trưng của “người phục vụ” đích thực của Nước Thiên Chúa. Chúng ta thường có khuynh hướng xử sự như là chủ nhân những công tác, việc làm mà chúng ta được trao hoặc đón nhận trong Hội Thánh như ở ngoài đời. Chúng ta khó chấp nhận rằng ở đó có nhiều người có thể giữ những trách nhiệm quan trọng hơn trách nhiệm của chúng ta, hoặc có thể thay thế chúng ta ở những trách nhiệm mà chúng ta đang giữ. Chúng ta quá dễ dàng tự hào về những đức tính hay kiến thức của mình.
Lời nói cuối cùng của Đức Giêsu cũng quan trọng như câu đầu tiên: Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy. Đây là nền tảng của phẩm giá con người mà Đức Giêsu đã đề cao. 
Rồi “Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông” (c.36). 
Bằng cách lấy một em nhỏ làm điển hình, Đức Giêsu muốn tất cả chúng ta hiểu rằng cộng đoàn Kitô hữu phải đặt những người không đáng kể, những người phận nhỏ, tại trung tâm của các mối quan tâm của mình. Đức Giêsu đã chọn lấy hình ảnh về phục vụ là “đón tiếp một trong các em nhỏ”, vì vào thời của Người, các em nhỏ bị coi như là những kẻ thấp nhất, không có tầm quan trọng nào trong xã hội và bị khinh thường. Các môn đệ được mời gọi phục vụ những người cùng khốn nhất. Người đã thiết lập một tiêu chuẩn tổng quát để phân biệt điều thật sự quan trọng và đúng đắn trong đời sống và trong lối cư xử của con người. Cũng như các em nhỏ, chúng ta phải cảm thấy mình được tình yêu của Thiên Chúa che chở, bảo vệ và phải để cho mình được Thiên Chúa lấp đầy bằng những ân huệ.
Phó tế Phêrô Lôrensô Võ Quý An
Thông tin khác:
Cầu nguyện như thế nào? (06/09/2024)
Suy tôn Thánh giá (06/09/2024)
Tôi được Chúa an ủi (06/09/2024)
Gắn đời ta với Chúa Giêsu (06/09/2024)
Hãy để Thiên Chúa giải thoát chúng ta (30/08/2024)
Chia sẻ và cảm nhận (27/08/2024)
Sự khác biệt giữa luật con người và luật Thiên Chúa (27/08/2024)
Yêu thương là Tin Mừng cứu độ lúc này (16/08/2024)
Chọn lựa (16/08/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log