Hôm nay mừng lễ Thánh Gia thất, chúng ta có cơ hội chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, một gia đình thánh thực sự, gia đình hạnh phúc và là khuôn mẫu cho các gia đình, ngoài việc sống chứng tá về tình yêu thương giữa con người với nhau, đây còn là một gia đình có một thứ mà nhiều gia đình ngày nay không có, đó là đời sống đức tin của cả gia đình. Các gia đình ngày nay có nhiều thứ, từ nhà cửa, đến tài sản, công việc, nhưng có một thứ họ đang bị thiếu trầm trọng đó là nền tảng đời sống đạo đức, đời sống đức tin và tình yêu trong gia đình, và chỉ khi có các yếu tố nền tảng này thì một gia đình mới thực sự là hạnh phúc, êm ấm, thuận hòa... Giáo hội mừng lễ Thánh Gia Thất để mời gọi mỗi người Kitô hữu cùng nhìn ngắm mẫu gương sống đức tin của gia đình Thánh Gia.
Như vậy, gia đình sống đức tin là gia đình hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa. Ở hai bài sách thánh trích từ sách Sáng Thế và thư gửi tín hữu Hipri, cho thấy gia đình ông Ápraham là mẫu gương cho chúng ta về đời sống đức tin. Tổ phụ Ápraham vẫn luôn được coi là cha của mọi kẻ tin vào Thiên Chúa. Bởi xuất phát từ lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đức Chúa, ông Ápraham hoàn toàn vâng nghe theo tiếng Đức Chúa để từ bỏ quê hương xứ sở, nơi được coi là cơ ngơi ổn định cho gia đình ông, đến một nơi hoàn toàn lạ lẫm, và chưa có gì là đảm bảo chắc chắn để lập nghiệp. Thế nhưng, ông Ápraham vẫn hoàn toàn vâng phục theo ý Chúa: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Êliede, một người Đamát” (St 15,2). Chúng ta cũng dễ hiểu vì sao ông Ápraham ao ước như thế. Bởi ông cần một dòng dõi, một người con kế nghiệp sau này. Vì hai ông bà đều đã cao niên mà vẫn còn son sẻ. Và Đức Chúa đã hứa ban cho ông bà một dòng dõi kế nghiệp đông như sao trời cát biển, và một miền đất hứa làm gia nghiệp. Một lời hứa tưởng chừng là không thể xảy ra. Nhưng ông bà Ápraham và Xara vẫn tin tưởng. Thế là hai ông bà đã được chúc phúc, được Thiên Chúa kể là người công chính. Và đúng như lời Chúa hứa, hai ông bà sinh được một con trai là Ixaác; được gọi là người con của lời hứa. Từ đó, dòng dõi ông Ápraham được sinh sôi nảy nở tràn lan khắp mặt đất.
Đức tin của gia đình ông Ápraham còn tiếp tục gặp bao gian truân thử thách. Để xem lòng tin của ông Ápraham vào Thiên Chúa đến mức độ nào. Dù có được Ixaac là người con một, là niềm hy vọng lớn nhất để kế thừa dòng dõi. Nhưng khi được Đức Chúa bảo dành Ixaác làm của lễ hiến tế cho Ngài, và Ápraham vẫn tuyệt đối tuân theo. Mẫu gương của gia đình Ápraham về lòng tin, lòng trung thành và hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa, thật đáng cho mỗi người chúng ta noi theo.
Mặc dù là Ngôi Lời Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người, sinh ra trong một gia đình nghèo. Vì thế, khi Chúa lên đền thờ Giêrusalem trong thân phận nghèo khó và bình thường như bao người nghèo khác, nên các nhà thông thái như các tư tế, luật sĩ hoàn toàn không nhận ra Chúa. Vì Chúa quá nghèo và bình dị giữa những người nghèo. Thế nhưng, một chi tiết trong Tin Mừng lại cho chúng ta thấy điều ngạc nghiên. Các tư tế và luật sĩ không nhận ra Chúa, nhưng bà Anna và ông Simêon là những người dân nghèo, bần cùng, không địa vị chức quyền trong xã hội lại nhận ra Chúa. Dù là những người nghèo và không địa vị trong xã hôi, nhưng họ vốn là những người con hiếu thảo của Thiên Chúa: khiêm tốn, đạo hạnh, biết thờ Chúa với tất cả tấm lòng tin yêu phó thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Họ đã được Chúa Thánh Thần soi sáng để nhận ra Chúa Cứu Thế qua dáng vẻ tầm thường của một hài nhi. Họ đã được đón nhận Chúa Cứu Thế, như những người nghèo hèn bé nhỏ được Chúa chúc phúc vậy. Ông Simêon và bà Anna nghèo khó đã hân hạnh được bồng ẵm Chúa Cứu Thế, được thay mặt nhân loại nói lời đầu tiên tung hô Chúa đến (Lc 2,29-32). Còn các kinh sư và luật sĩ thông thái thì không hề nhận ra Chúa.
Gia đình Thánh Gia đã sống chứng nhân đức tin, tình gia đình hiệp nhất yêu thương. Nơi đó, Đức Mẹ và thánh Giuse yêu thương nhau, cùng hợp sức nuôi dạy Chúa Giêsu. Còn Đức Giêsu thì hằng yêu thương và vâng phục các ngài. Nhưng trên hết, tình yêu của Thánh Gia đặt nền tảng trên tình yêu dành cho Thiên Chúa. Thiên Chúa hé mở cho chúng ta thấy thế nào là nếp sống gia đình gương mẫu, một nếp sống trông rất bình thường nhưng vượt trên mọi sự bình thường. Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình, mà lại là một gia đình nghèo. Ngài cũng có cha mẹ như bao trẻ thơ khác, như mỗi người chúng ta. Và cha mẹ Ngài cũng là những người lao động, phải sống bằng mồ hôi nước mắt như hầu hết các gia đình khác. Là Thiên Chúa, Ngài đã đến với loài người như một con trẻ. Ngài cũng phải chu toàn ở bậc làm con trong gia đình như bào con trẻ khác. Suốt ba mươi năm tại Nagiarét, Chúa Giêsu sống chuỗi ngày bình dị, luôn luôn tùng phục cha mẹ, càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoài và hằng được ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa.
Mừng lễ Thánh Gia thất hôm nay, Giáo hội ước muốn mỗi gia đình chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của gia đình Thánh Gia để học biết cách gìn giữ hạnh phúc gia đình mình bằng đời sống đức tin. Để có được điều đó, mỗi thành viên trong gia đình phải chu toàn bổn phận. Bậc làm cha thì noi gương thánh Giuse luôn luôn ân cần chăm sóc gia đình; một người cha mẫu mực, khôn ngoan quán xuyến mọi sự trong chức vụ gia trưởng nhưng cũng hết tình phục vụ Đức Mẹ và Chúa Giêsu; trở nên gương mẫu và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Bậc làm mẹ luôn biết noi gương Mẹ Maria trở nên hiền mẫu trong gia đình, mẫu gương về tình yêu, đức hạnh nết na, đức tin sâu sắc, sự phục vụ tận tình và khiêm tốn hết lòng. Phận làm con hãy học nơi Chúa Giêsu đức vâng lời, lòng tôn kính biết ơn các ngài. Như vậy, noi gương gia đình Thánh Gia và sống theo sứ điệp của các ngài, là mỗi gia đình Công giáo hôm nay cũng phải quyết tâm trở thành những gia đình Thánh Gia giữa lòng xã hội và thời đại ngày hôm nay.