Hành động cúi đầu hay cúi xuống là thái độ biểu hiện sự khiêm tốn, cung kính trước thần linh hay trước ai đó, cả đôi bên đều trở nên thân thiết và gần gũi với nhau, có một mối tương giao khăng khít qua lại, ngoài ra cúi đầu còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Thế nhưng Lời Chúa trong Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay lại mời gọi chúng ta suy niệm về thái độ cúi xuống của thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Máccô còn nhấn mạnh hơn về hành động cúi của thánh Gioan là “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Đức Giêsu”. Việc cởi quai dép hay cột dây giày là việc của mỗi người, là việc tầm thường không cần ai phải giúp và cũng chẳng ai giúp cho mình, nhưng thánh Gioan lại đưa cái tầm thướng đó vào trong cái phi thường, cúi xuống là hạ mình xuống, không phải là luồn lách để thăng tiến, nhưng là để cho người đến sau được lớn lên, đây là chiều kích của sự khiêm tốn cần phải có trong mối tương quan liên vị, có như vậy thì mới tạo điều kiện cho sự phát triển vững chắc trong đời sống nói chung và đời sống đức tin nói riêng. Ý nghĩa cúi xuống của thánh Gioan không chỉ là cúi đầu mà là cúi cả con người mình xuống một cách tự nguyện, để nhận thấy rõ con người thật của mình, nhất là soi tỏ để thấy rõ những giới hạn của thân phận làm người, hầu ăn năn sám hối quay về với Thiên Chúa, sống và làm chứng cho Ngài.
THÁNH GIOAN CÚI XUỐNG Trong năm phụng vụ chúng ta thường được nghe Tin Mừng nói nhiều về thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng để hiểu rõ và sống như thánh nhân có lẽ ít ai quan tâm, cả cuộc đời của thánh nhân hoàn toàn sống cho chân lý và sự thật, chân lý và sự thật này được đặt nền tảng trong mối tương quan với Thiên Chúa đó là lời của Thiên Chúa. Trước hết thánh Gioan Tẩy Giả được sinh ra và lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến thánh nhân cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa nơi người bé mọn, khốn khổ và tội lỗi, đặc biệt thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra được chuẩn mực của chân lý và sẵn sàng sống và làm chứng cho chân lý, chân lý cuối cùng đó là sự hi sinh cho chân lý được sáng tỏ.
Thánh Gioan Tẩy Giả sống trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn, xem mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Còn khi so sánh với Đức Giêsu thì thánh nhân khiêm tốn nói ngài không đáng cởi quai dép cho Đức Giêsu: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Như vậy thánh Gioan Tẩy Giả đóng một vai trò quan trọng, là trung gian nối kết con người với Thiên Chúa, cũng vậy phép rửa của ngài là hình ảnh hay là sự chuẩn bị cho bí tích cao trọng hơn đó là bì tích Rửa tội: “Tôi thì tôi đã làm phét rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.
ĐỨC GIÊSU HẠ MÌNH XUỐNG Đức Giêsu xuống dòng sông Giođan cúi mình xuống chịu phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả như bao tội nhân, cúi xuống ngụp lặn trong nước, điều này nói lên sự khiêm tốn tột cùng của Ngài trong thân phận làm người, đồng hóa mình với tội nhân, có thể nói Đức Giêsu chịu phét rửa là một mầu nhiệm hạ cố đồng hành và liên đới với con người, Ngài cảm được nổi thống khổ của con người, sống dày vò trong đau khổ của tội lỗi không lối thoát do tội nguyên tổ gây nên. Nay Đức Giêsu chịu phép rửa của thánh Gioan đã mở ra cánh cửa Nước Trời qua bí tích Rửa tội mà Ngài sẽ lập để thanh tẩy tội lỗi nhân loại, qua đó ban cho nhân loại một đời sống mới.
Đức Giêsu cúi xuống chịu phép rửa cũng là để từ đó đi lên, kéo toàn bộ nhân loại lên cùng Ngài, vì sau khi chịu phép rửa, vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời mở ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Giêsu nhằm thánh hóa nhân loại, như vậy việc Đức Giêsu dìm mình trong dòng nước làm nổi bật ý nghĩa Nhập thể của Ngài, hầu tiến tới việc dìm mình trong máu để cứu độ nhân loại, một sự hi sinh cúi mình xuống chấp nhận đau thương và chết trên Thập giá để cứu chuộc toàn thể nhân loại. Từ nơi cạnh sườn nguồn nước Hằng sống của bì tích Thánh Tẩy tuôn trào cho nhân loại, qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô chúng ta được trở nên con Thiên Chúa.