Suy tư - Chia sẻ

Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa

Cập nhật lúc 16:07 23/11/2016
Tôi khao khát Chúa, một đàng vì nhận thấy mình quá khốn khổ, một đàng vì tin chỉ Chúa mới là Đấng cứu độ của tôi.

1.

Đã từ lâu rồi, nhưng nhất là lúc này, tôi thường tha thiết cầu nguyện với Chúa. Tôi cầu nguyện chỉ bằng một câu: “Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa”.

Lời cầu đó tóm tắt tâm tình của tôi. Tôi khao khát Chúa, một đàng vì nhận thấy mình quá khốn khổ, một đàng vì tin chỉ Chúa mới là Đấng cứu độ của tôi.

2.

Cảm tạ Chúa. Chúa đã cho tôi được gặp Chúa. Tôi không nhìn thấy Chúa. Nhưng tôi cảm nhận rất rõ Chúa đến với tôi. Người nói với tôi trong tận đáy lòng tôi: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

Như vậy, tôi chính là kẻ đã mất, nhưng được Chúa tìm và được Chúa cứu.

3.

Nghe vậy, tôi càng tin tôi là kẻ tội lỗi, kẻ khốn khổ, được Chúa đoái thương. Niềm tin đó đem lại cho tôi sự bình an.

4.

Sự bình an đó cứu tôi khỏi ảo tưởng cho mình là người công chính, người đạo đức, nên được Chúa đến thăm.

Tôi nhận ra sự Chúa cứu tôi như thế chính là một ơn trọng Chúa ban, giúp tôi sống Lời Chúa: “Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,7).

5.

Đó là bước đầu Chúa cứu tôi. Sau bước đầu đó là một chuỗi dài những bước đi được Chúa cứu.

Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ về một lãnh vực, mà Chúa đã và đang cứu tôi. Lãnh vực đó là lãnh vực cái nhìn.

6.

Chúa dạy tôi là đừng nhìn quá gần, mà hãy biết nhìn xa.

Đang khi hầu hết nhân loại tìm sự cứu độ ở quyền lực do địa vị, tiền của, chức tước, uy quyền, thì Chúa cứu nhân loại bằng con đường khiêm tốn khó nghèo, vâng phục ý Chúa Cha. Như thánh Phaolô đã tả rất rõ:

“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.

Nhưng Người đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chết, chết trên thập giá” (Pl 2,6-7).

Tôi cũng đã có nhiều lúc sai lầm ở những cái nhìn về việc cứu độ trong thế giới hôm nay. Sai lầm là vì tôi nhìn quá gần. Cứ tưởng hoành tráng, long trọng, vinh quang, bước lên bậc thang danh dự, là con đường mở Nước Chúa, cứu các linh hồn. Nhưng Chúa dạy tôi hãy bỏ những cái nhìn thiển cận đó, mà nhìn xa. Nhìn xa mới thấy sức mạnh cứu độ là ở sự khiêm nhường, như Chúa Giêsu đã làm gương.

7.

Chúa dạy tôi là đừng nhìn chỉ bề mặt, mà hãy biết nhìn sâu.

Đang khi hầu hết các cộng đoàn tín hữu thi nhau cầu nguyện, ăn chay, làm việc từ thiện, coi những việc đó là những việc đạo đức có sức cứu độ, thì Chúa Giêsu lại nhìn sâu vào các việc đó, mà cảnh báo: “Khi làm các việc đạo đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1).

Biết nhìn sâu, mới thấy được cách giữ đạo của tôi và của nhiều nơi, có nhiều thứ vẩn đục. Bề ngoài thì dòng sông coi như phẳng lặng, nhưng vẫn có những sóng ngầm nguy hiểm, mà chỉ tầm nhìn sâu mới khám phá được.

8.

Chúa dạy tôi là đừng nhìn hẹp, mà hãy có một tầm nhìn rộng.

Đang khi rất nhiều nơi trong Hội Thánh tại Việt Nam  coi việc cử hành thánh lễ bàn thờ sao cho long trọng, sao cho đông đảo, sao cho thường xuyên là một việc chính của mục vụ và truyền giáo, thì Chúa dạy tôi là hãy nhìn rộng ra đến tận cùng những địa chỉ mà Chúa đợi chờ. Những địa chỉ đó là những kẻ nghèo, là những gặp gỡ, là những hội nhập vào văn hoá địa phương, là những vui buồn của lịch sử đất nước.

Thánh nữ Têrêsa Calcutta đã đi đến những người nghèo khổ. Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay rất quan tâm đến những gặp gỡ, tiếp xúc, nhất là với những người có trách nhiệm trong xã hội. Đức Thánh Cha Bênêđictô hiện giờ tập trung vào cầu nguyện, nhưng cũng không ngừng viết sách.

Tầm nhìn rộng đã giúp tôi thấy nhiều trường hợp, mình đi vòng lối khác, như Thánh Giuse xưa đã đem Hài Nhi Giêsu sang Ai Cập, lại là cách cứu được đạo Chúa.

9.

Chúa dạy tôi là đừng nhìn theo dư luận coi đó là đúng, mà hãy nhìn đúng là đúng theo ý Chúa.

Đang khi mọi người theo Chúa Giêsu đều muốn tìm còn đường cứu độ ở những ngả đường dễ dãi, chính các môn đệ gần gũi Chúa Giêsu cũng muốn như vậy, thì Chúa Giêsu lại được Chúa Cha sai vào cuộc khổ nạn. Chính Người cũng muốn tránh. Nhưng Người đã xin với Chúa Cha: “Nếu được, xin Cha cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha mà thôi” (Mc 14,36).

10.

Hiện giờ, tôi cũng đang nhìn thấy những khủng khiếp sắp xảy đến cho thế giới, tôi xin Chúa đừng để cảnh đó xảy ra, nhưng khi Chúa cho tôi thấy ý Chúa là cảnh khủng khiếp đó phải xảy ra, để cảnh báo nhân loại, thì tôi chỉ còn một cách là phó thác mình cho Chúa mà thôi.

11.

Do vậy, nhìn đúng ý Chúa đòi tôi phải từ bỏ mình, để tin rằng ý Chúa bao giờ cũng dẫn kẻ tin Chúa đến hy vọng cứu rỗi.

Điều quan trọng là luôn biết đón nhận những điều Chúa dạy.

12.

“Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa”.

Được gặp Chúa rồi, tôi xác tín chỉ Chúa mới là Đấng cứu độ. Người cứu mọi kẻ tin vào quyền năng và lòng thương xót của Người.

Tôi bỏ đi mọi tư tưởng lo lắng, sợ hãi về tương lai. Rồi tôi tin vào Cha trên trời.

Tôi tin vào lời Chúa Giêsu đã phán xưa: “Hãy ngắm xem hoa ngoài đồng. Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thê mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Salomon, dù vinh quang tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng bông hoa ấy. Vậy, nếu hoa ngoài đồng, nay còn mai mất, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi, những kẻ kém lòng tin” (Mt 6,28-30).

Tôi vững tin vào Chúa, dù tôi tội lỗi. Tôi tin vào Chúa, dù phía trước là rất đen tối.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con.

Long Xuyên, ngày 9.11.2016.
ĐGM GB BÙI TUẦN

Thông tin khác:
Đức Mẹ dắt tôi sang cõi đời sau (19/11/2016)
Sự sống đời đời (15/11/2016)
Đức Mẹ giúp tôi khám phá (14/11/2016)
Tình yêu lớn hơn tội lỗi (04/11/2016)
Đức Mẹ là Nữ Vương của trái tim tôi (03/11/2016)
Lời nguyện cầu thống hối (02/11/2016)
Sự cần thiết của việc cầu nguyện (20/10/2016)
Ở biên giới sự chết tôi đang thấy gì (19/10/2016)
Xin ban thêm lòng tin cho chúng con (11/10/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log