Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính đời sống của con. |
Trong bài đọc I, ông Gióp thấy cuộc đời vô nghĩa vì ông không biết mình sống để làm gì. Ông than thân trách phận vì không nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời.
Những đau khổ chính của cuộc đời:
Phải làm lụng vất vả mới có ăn, Cuộc sống này quả là vất vả: ai nấy phải làm lụng từ sáng tới chiều, quần quật hết ngày này sang ngày khác, hết tháng nọ sang tháng kia để kiếm lấy miếng cơm manh áo. Kẻ thì lao động chân tay, người thì lao động trí óc, nhưng tất cả mọi người đều phải làm việc vất vả. Làm để có cái mà ăn, ăn để có sức mà làm. Làm-ăn, ăn-làm như một cái vòng luẩn quẩn trói buộc con người,
Sự nhàm chán của ngày lên, đêm xuống, tính độc điệu của thời gian.
Sự đe dọa của vô vàn bệnh tật chực chờ xâm nhập cơ thể, khi Satan bắt ông phải chịu chứng bệnh ngoài da nghiêm trọng.
Nguy hiểm của tội lỗi và chết chóc do chiến tranh, tai ương, mất mùa đem lại.
Con người có thể chịu đựng đau khổ, nhưng không thể sống mà không có hy vọng: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.”
Đau khổ làm cho con người bi quan. Đức Kitô đến giải thoát con người khỏi đau khổ khi chúng ta tín thác đi theo con đường yêu thương, phục vụ của Ngài. Trong Phúc Âm, thánh Marcô trình bày một ngày sống tiêu biểu của Đức Kitô:
Chúa rao giảng Tin Mừng, tại hội đường Capernaum trong ngày Sabát; nhưng Ngài không chỉ giới hạn việc rao giảng trong các hội đường, mà ở khắp mọi nơi: trên núi, dọc đường, dưới thuyền, bên bờ hồ… bất cứ chỗ nào có khán giả. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. Cả phương pháp và bầu khí giảng dạy của Người đều như một sự mặc khải mới mẻ. Chúa giảng với một uy quyền vượt xa các luật sĩ kinh sư thời đó. Chúa giảng như Đấng có thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao. Chúa hoàn toàn độc lập khi giảng dạy. Người không trích dẫn, không dựa vào thế giá một chuyên viên nào. Vì thế, giáo lý của Chúa mới mẻ, người nghe đón nhận như luồng gió mát dịu từ thiên đàng thổi tới, lòng người cảm mến hân hoan, tâm hồn rộng mở hướng về trời cao với Chúa Cha.
Bên cạnh đó, Ngài chữa lành bệnh tật, trục xuất quỉ thần. Chữa mẹ vợ của Phêrô: Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Chúa chữa mọi kẻ ốm đau và bị quỉ ám trong thành Capernaum. Cảm thông với bệnh tật của dân chúng, Chúa Giêsu chữa lành tất cả. Bệnh phần xác đã vậy, bệnh phần hồn còn đau khổ hơn. Bệnh phần hồn là những người sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần và làm nô lệ cho chúng. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ thần và ban quyền cho các tông đồ để các ông giải phóng con người.
Trong bài đọc II, khi đã nhìn thấy sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng là để cho mọi người đạt tới ơn cứu độ, thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, nhiệt thành rao giảng, “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!….”.
Và Ngài đã sẵn sàng trở nên mọi sự cho mọi người để chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa. “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.”
Người tông đồ không ngại đi tới các vùng chưa ai đặt chân tới, nếu ở đó có những người chưa được nghe Tin Mừng; người tông đồ cũng không ngại bước chân vào nhà tù, nhà thổ, chốn ăn chơi, nếu ở đó có những linh hồn cần được chinh phục về cho Thiên Chúa.
Người môn đệ muốn dấn thân rao giảng Tin Mừng, mở rộng Nước Chúa phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của họat động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái... Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể làm những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.