Lạy Chúa, xin ánh sáng Chúa chiếu soi đến những tâm hồn đang sống xa Chúa. |
Trong bài đọc I, tiên tri Isaiah cho thấy Chúa Kitô là vinh quang của Ixraen và là ánh sáng cho muôn dân. Ơn Cứu Độ, mà Ngài đã hứa ban cho Giêrusalem qua các tiên tri, không chỉ là việc giải thoát và cho dân Ixraen được trở về Giêrusalem từ chốn lưu đày Babylon; nhưng còn bao gồm cả việc giải phóng Ixraen khỏi nô lệ của tội lỗi qua Đấng Thiên Sai. “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân bóng tối và mây mù tác giả muốn nói tới ở đây là việc không biết Thiên Chúa, không biết Ơn Cứu Độ, và không sống theo đường lối của Thiên Chúa. Chư dân từ khắp nơi sẽ tuôn đến Giêrusalem: một khi Đấng Cứu Thế tới: Ơn Cứu Độ không còn giới hạn trong dân tộc Ixraen, nhưng mở rộng tới mọi dân tộc
Trong bài đọc II, thư thánh Phaolô gửi cộng đoàn Ephêsô nhắc nhở cho các tín hữu của ngài về mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa: Theo mầu nhiệm này, Thiên Chúa chọn dân Do Thái như dân riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời; nhưng khi Ngài đến, Ngài sẽ ban Ơn Cứu Độ cho tất cả mọi người qua niềm tin của họ vào Đức Kitô. Các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái.
Trong Tin Mừng Matthêu, Thiên Chúa làm mất dấu ngôi sao, ba nhà đạo sĩ phải vào Giêrusalem để hỏi tin. Việc này, để cho mọi người cư ngụ tại Giêrusalem có cơ hội đồng đều để biết Đấng Thiên sai đã Giáng Sinh, thánh Matthêu tường thuật 3 phản ứng chính của con người khi phải đối diện với Tin Mừng của Đấng Cứu Thế:
Thờ ơ lạnh nhạt: Cả thành Giêrusalem cũng xôn xao, rồi âm thầm lên giường đắp chăn ngủ tiếp! Họ có thể sợ vì trời tối, đường xa, và lạnh lẽo; nhưng đơn giản là vì “Chúa đã đến nhà người nhưng người nhà không ai đón tiếp thượng tế và các kinh sư mang tội nặng hơn, vì họ là những người thông hiểu Kinh Thánh và sự cần thiết của việc Đấng Cứu Thế đến; nhưng họ dùng Kinh Thánh để tìm ra và chỉ đường cho người khác đến gặp Ngài; Tại Bêlem, miền Giuđa, vì trong sách Tiên tri, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ixraen dân Ta sẽ ra đời” (Mica 5:2). Còn phần họ, gấp sách lại và từ chối không lên đường đi tìm ngài. Bêlem chỉ cách Giêrusalem khoảng 8km.
Lập kế tiêu diệt: Vua Hêrôđê bối rối, bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Vua Hêrôđê còn toan tính tiêu diệt ánh sáng. Trong cuộc đời, chúng ta cũng gặp nhiều thái độ như vua Hêrôđê. Họ muốn tiêu diệt ánh sáng vì sợ ánh sáng sẽ phơi bày những ích kỷ, toan tính, và những xấu xa trong tâm hồn của họ.
Nhiệt thành đi tìm: Ba nhà đạo sĩ là những người dân ngoại, là những tâm hồn thiện chí, luôn luôn khao khát điều lành, nên các ngài luôn để tâm tìm kiếm. Đêm đêm ngước mắt lên trời cố dò tìm dấu vết thần linh. Chắc chắn không phải chỉ trong phút chốc mà các ngài phát giác ra ngôi sao lạ, nhưng phải trải qua nhiều năm tháng kiên trì chiêm ngắm bầu trời, cặn kẽ theo dõi đường chuyển dịch của các vì tinh tú, các ngài mới có thể nhận biết ngôi sao lạ khi nó xuất hiện.
Việc đi theo ngôi sao lạ cũng không giản đơn. Trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện trên đường đi, từ phương trời xa xôi đi tìm Người theo dấu một vì sao. Họ không sợ đường xa, trời tối, nguy hiểm, gió lạnh mùa đông, và nhất là theo dấu một vì sao mong manh…
Thiện chí của các ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, họ vào thành Giêrusalem với hy vọng sẽ tìm được Ngài trong lịch sử. Và khi được hướng dẫn của Kinh Thánh (Mica 5:1), họ lại tiếp tục lên đường. Họ mừng vui khi thấy ngôi sao tái xuất hiện, Tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các ngài, nên đã cho các ngài được gặp Chúa. và họ đã thấy Hài Nhi. Mở túi hành trang ra, họ dâng 3 lễ vật quí giá nhất cho Hài Nhi: vàng chỉ sự thần phục Hài Nhi là Vua; nhũ hương chỉ sự thần phục Hài Nhi là Chúa; mộc dược tiên báo trước cuộc thương khó và cái chết của Hài Nhi. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. Ba đạo sĩ là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa.
Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa. Chính chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi nhận lấy ánh sáng của Chúa để trở thành một ngôi sao, cho bạn bè, cho con cái, cho hàng xóm láng giềng. Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa: ánh sáng hy vọng, ánh sáng tin yêu, ánh sáng công bình, bác ái. ánh sáng đạo đức…