“Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. |
Có thể nói, con người trong xã hội đã và đang chịu sự chi phối của chủ nghĩa vật chất một cách sâu sắc và toàn diện. Chúng ta có thể thấy rằng có ba thứ mà con người luôn đặt ra mục tiêu để tìm mọi cách để đạt được, đó là sự giàu có, công danh và quyền lực. Chính vì đặt nặng những giá trị vật chất như vậy mà con người ngày càng phụ thuộc vào chúng, bám vào chúng và tìm mọi cách để đạt được kể cả đánh đổi cả nhân cách, lương tâm của chính mình. Một khi con người quá đam mê vào chúng, con người tự tôn chúng lên làm thần tượng. Đặt chúng lên trên những giá trị nhân bản của con người và xa rời niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng có quyền trên tất cả mọi sự.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy thái độ thù địch của nhóm Pha-ri-sêu khi cố tình gài bẫy Đức Giêsu khi chấn vấn:
Có được nạp thuế cho Xê-da không? Nếu Đức Giêsu nói nộp nghĩa là Ngài ủng hộ đế quốc, như vậy là đi ngược, là có tội với dân tộc. Nếu Ngài bảo không nộp thì mang tội chống lại Rôma, bị coi là phản động. Đức Giêsu biết rõ dã tâm của họ nhưng Ngài vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học:
Cho ta xem đồng tiền nộp thuế... hình và huy hiệu là của ai? Họ đáp: của Xê-da. Người liền bảo họ:
Của Xê-da hãy trả cho Xe-da, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta cần phải có sự khôn ngoan trong sự nhận biết đâu là những gì của Thiên Chúa trong một xã hội mà con ngươi đang bị những thứ vật chất chi phối. Ngài nhấn mạnh rằng, cần phải biết những gì của Thiên Chúa để trả lại cho Ngài, đừng lẫn lộn giữa giữa hai phạm vi hay hai lãnh vực Thiên Chúa và thế gian.
Dựa vào Tin mừng, chúng ta có thể thấy trên đồng bạc có khắc hình và danh hiệu của Xê-da. Chính hình ảnh đó phản ảnh ba điều thực tế đang có trong xã hội: tiền của, quyền lực và danh vọng. Những thứ ấy vốn rất dễ trở thành ngẫu tượng, trở thành mục đích tối hậu trong đời sống con người, không những trong xã hội mà ngay cả trong Giáo Hội. Điều này sẽ trở thành những hiểm họa cho sự sống của con người vì khi con người đặt nó làm mục tiêu sống thì những giá trị sống cũng không còn ý nghĩa với họ.
Thực tế trong cuộc sống, chúng ta nhận ra rằng, để có tiền của, quyền lực và danh vọng, con người luôn tìm mọi cách để mong đạt được điều mình muốn, bất kể đó là những hành động gian dối, những thủ đoạn thâm hiểm làm hại người khác. Nếu như những tham vọng đó không có điểm dừng, chúng ta sẽ đánh mất đi chính con người mình mà trở thành nô lệ của tiền tài, danh vọng và quyền lực. Tất cả những thứ ấy sẽ lôi cuốn chúng ta xa rời và sẵn sàng chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống. Thay vì thờ phượng Thiên Chúa và nhìn nhận Người là Thiên Chúa của ta, ta sẽ lấy những cái khác để làm Thiên Chúa của ta. Vậy thì, hãy trả lại cho Xê-da những gì là của Xê-da và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.
Vậy, chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những gì?
Đức tin người Ki-tô hữu chúng xác tín vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trong đó, con người chính là thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Vì Thiên Chúa là sự tốt lành nên họa ảnh của Ngài ngay từ đầu cũng là sự thánh thiện, tinh tuyền.
Của Thiên Chúa chính là con người phải lệ thuộc vào Thiên Chúa vì sự sống là của Thiên Chúa ban. Tất cả những gì chúng ta có được không chỉ là nổ lực của chúng ta nhưng quan trọng hơn cả là chính Thiên Chúa đã ban cho. Nếu không có Thiên Chúa, chúng ta không có sự sống hôm nay; chúng ta cũng không thể làm gì được nếu Thiên Chúa không quan phòng
“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127). Trong bài đọc 1, chúng ta thấy Thiên Chúa đã ưu ái ban cho vua Ky-rô rất nhiều những đặc quyền. Chính Thiên Chúa củng cố và làm cho vương quyền của vua Ky-rô được lan rộng và vững mạnh, để qua Ky-rô phục vụ cho đường lối giải thoát của Thiên Chúa dành cho Israel là dân riêng của Thiên Chúa. Ngài “gọi đích danh vua” và ban cho vua một tước hiệu dù vị vua ngoại giáo này không biết Ngài. Qua những gì Thiên Chúa ban cho Vua, Ngài muốn cho vua biết rằng, chính Ngài đang hiện diện với vua và dân của vua chứ không phải là một thần nào khác
“Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác; chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta”.
Của Thiên Chúa còn là những giá trị gắn với phẩm giá của con người vì phẩm giá đó bắt nguồn từ Thiên Chúa và cùng đích của phẩm giá của con người là được kết hợp với Ngài. Các giá trị gắn với phẩm giá con người không bị giới hạn trong cuộc sống của con người. Bất kể màu da, chủng tộc, giai cấp, dù sống trong môi trường nào, hoàn cảnh ra sao con người cũng cần sống với phẩm giá của mình để trở thành đúng với ý nghĩa làm người. Một khi con người không coi trọng đến các giá trị mà để cho những đam mê của danh vọng, tiền tài, quyền lực làm chủ thì chúng ta sẽ dễ trở thành những kẻ lòng đầy tham, sân, si. Điều này sẽ dẫn đến việc chúng ta dễ dàng thấm vào người những tư tưởng của những kẻ gian xảo, hiểm ác, vô cảm và ích kỷ.
Thực ra con người không phải ai cũng nhận ra những gì Thiên Chúa đã ban. Chúng ta coi những gì chúng ta đang đã được hưởng như một lẽ tất nhiên qua nỗ lực của chính bản thân. Dưới góc nhìn như thế, chúng ta không nhận ra những món nợ mà chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ngay từ đầu, đó là những giá trị để chúng ta xứng hợp là họa ảnh của Thiên Chúa. Khi những gì Chúa đã ban chúng ta mà không sinh lợi hay giúp mình trưởng thành hơn trong nhân đức cũng như đức tin thì Thiên Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta phải trả lại cho Ngài. Việc trả lại cho Thiên Chúa không thêm gì cho chính Chúa nhưng giúp chúng ta sống xứng đáng là con của Thiên Chúa, là hình ảnh của Ngài.
Là người Ki-tô hữu chúng ta cần luôn ý thức mình là hình ảnh của Thiên Chúa và những ân huệ chúng ta có được cũng từ Chúa mà đến. Vì thế, cách thức tốt nhất để sống lời mời gọi của Đức Giê-su: “
Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, là chúng ta cần sống có bổn phận chu toàn mọi nghĩa vụ đối với Thiên Chúa bằng việc tuân giữ tốt mọi lề luật; sẵn sàng đi theo Đức Ki-tô và sống theo lời Ngài “
Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).