Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. |
Các tác giả Tin Mừng nhiều lần trình bày cho chúng ta về những phẩm tính của Thiên Chúa. Tin Mừng Mátthêu hôm nay, không chỉ trình bày cho chúng ta Thiên Chúa công bình và quảng đại trong hình ảnh của ông chủ vườn nho; mà còn cho chúng ta thấy Thiên Chúa quan tâm đến người nghèo. Qua đó, người ông chủ đó đã chủ động đi ra ngoài tìm kiếm những người thợ từng giờ và cho họ vào làm vườn nho của mình. Hơn thế nữa, Người còn trả công cho họ nhiều hơn những gì họ đáng được hưởng.
Thiên Chúa là ông chủ vườn nho chủ động tìm kiếm những người thợ
Bài đọc 1 sách Ngôn sứ Isaia dạy cho con người “hãy tìm kiếm Đức Chúa và kêu cầu Người” (x. Is 55,6). Đấy là thái độ của con người luôn phải chủ động đi bước trước để tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa trong Cựu Ước. Tuy nhiên, trong Tin Mừng Mátthêu hôm nay, qua dụ ngôn Thợ Làm Vườn Nho, ông chủ vườn nho lại chủ động đi tìm người nghèo. Dụ ngôn bắt đầu bằng hình ảnh ví “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình”. Qua đó, ông chủ đã chủ động đi bước trước tìm kiếm thợ làm vườn. Hơn thế nữa, ông còn đi tìm kiếm từng giờ vì sợ họ không có việc làm “giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, rồi giờ thứ mười một”. Theo phong tục của người địa phương thời xưa người ta chia ngày làm 12 giờ, tính từ lúc mặt trời mọc, và chỉ quen nói tới giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín, tương đương với bây giờ là chín giờ, mười hai giờ, mười lăm giờ.
Trong bối cảnh văn hóa phân chia giai cấp chủ tớ như xã hội Do Thái lúc bấy giờ, rõ ràng việc ông chủ chủ động tìm kiếm thợ làm vườn và còn tìm nhiều lần là một điều khác lạ và ngạc nhiên. Ông chủ đã không còn đứng vị thế của người chủ để người ta tìm tới nữa, mà chính ông đi tìm họ. Hay nói cách khác, chính ông chủ đứng trong tâm thế của một người thợ làm vườn, một người nghèo. Nhờ vậy mà ông thấy nhu cầu của họ, thấy họ không có việc làm và đưa họ vào làm việc trong vườn nho của ông. Nhân vật ông chủ ở đây, chúng ta thấy có sự tương đồng như hình ảnh người cha trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu trong tin mừng Luca chương 15. Người cha ấy cũng “thấp thỏm, đi ra” nhiều lần để tìm kiếm người con. Hình ảnh ông chủ hay người cha ấy chính là hình ảnh của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là ông chủ tốt bụng và quảng đại
Ông chủ vườn nho đã bất chấp những luật lệ sơ đẳng về lợi nhuận và gây ra những lẩm bẩm, tranh cãi. Khi trả lương cho các thợ làm vườn, ông đã trả bằng nhau “mỗi người một quan tiền” (x. Mt 16,9-10) cho tất cả mọi người, bắt đầu từ những người làm sau chót tới những người vào làm trước nhất (x. Mt 16,8). Vì hành động này mà những người vào làm trước nhất đã cằn nhằn và kêu trách ông chủ. Điều khiến những người thợ làm vườn đầu tiên bất mãn là vì họ thấy bất công, thấy những kẻ chỉ làm một giờ lại được đối xử ngang hàng như họ cực khổ cả ngày. Bởi xét ở góc độ kinh tế, một quan tiền là thù lao cho cả một ngày làm việc vất vả, chứ không phải chỉ mấy canh giờ. Để giải quyết những bất mãn đó, ông chủ trả lời “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?... Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (x. Mt 16,13-15).
Kể lại dụ ngôn này, Matthêu muốn áp dụng cho Giáo hội thời đó. Hình ảnh vườn nho trong dụ ngôn là Nước Trời, ông chủ vườn nho chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự viên mãn, là tốt lành và quảng đại. Thiên Chúa công chính hóa những ai Người mong muốn. Ngay từ giờ đầu tiên, từ phút khởi đầu cho tới phút chót cuộc đời. Những người thợ đầu tiên là những người Do Thái, họ là dân tộc được tuyển chọn, được nhận biết Thiên Chúa ngay từ ban đầu nhưng đôi khi lại bất mãn, ghen tỵ với những người đến sau là dân ngoại, là các dân tộc khác.
Đọc dụ ngôn này trong bối cảnh Tin Mừng Matthêu thời Chúa Giêsu khi xưa cho chúng ta thấy rằng, cử tọa mà Chúa Giêsu nhắm tới là những người Do Thái, đúng hơn là những thành phần ưu tuyển trong tôn giáo của họ: những biệt phái, những luật sĩ... Rõ ràng, ở đây Chúa Giêsu không hề muốn đụng chạm đến lãnh vực công bình xã hội. Điều Người muốn nhấn mạnh là, qua dụ ngôn nghịch lý này, tra vấn mối tương quan của mỗi người với Thiên Chúa và với anh chị em. Giá trị của Nước Trời tỏ ra khác biệt với hệ thống kinh tế xã hội. Thiên Chúa có tấm lòng nhạy cảm với những người nghèo, người bất hạnh. Người biết nhu cầu của chúng ta và Người ban cho chúng ta nhiều hơn những gì thực sự nhu cầu chúng ta cần. Đôi khi, có sự bất công xã hội chỉ là do con người chúng ta bất mãn, ghen tỵ với nhau.
Qua dụ ngôn này, Tin Mừng Matthêu mang lại cho chúng ta niềm hy vọng tìm ra một phương cách là cùng nhau cộng tác, cùng nhau làm việc trên trái đất này, vì đây chính là vườn nho của Thiên Chúa. Chúng ta cố gắng sống và làm việc xứng với Tin Mừng Chúa Kitô (x. Pl 1,27a). Phần thưởng mà Thiên Chúa hứa ban cho tất cả là mọi người đều được vào vườn nho của Thiên Chúa, mọi người đều được vào hưởng vinh quang của Nước Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa là Ông chủ tốt bụng và quảng đại. Người đã đứng ở tâm thế của một người nghèo để hiểu nhu cầu của chúng ta và ban cho ta dư đầy hơn những gì chúng ta đáng nhận được.