“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”. |
Tha thứ là chuyện khó làm mà phải luôn tha thứ là điều vượt quá giới hạn của con người, thế mà các Bài đọc hôm nay lại khuyên con người làm chuyện đó. Bài đọc thứ nhất trong sách Huấn ca mở ra cho chúng ta thấy được: ai “oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm” (Hc 27,30). Tiếp theo, “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha (Hc 28,2). Qua đó, chúng ta thấy được oán hờn, giận dữ là những điều nên tránh, vì nó là nọc độc giết chết tâm hồn chúng ta, người thân chúng ta và tha nhân. Điều làm cho con người khó tha thứ là con người tưởng mình tốt lành và coi người khác là tội nhân. Nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ nhìn thấy rõ hơn tội lỗi của họ. Hơn nữa, nhiều người biết mình có tội nhưng vẫn lên án tha nhân, là vì tội tha nhân đã được phơi ra ánh sáng, trong khi họ nghĩ tội của họ có thể che giấu được.
Luôn nghĩ đến Ngày Phán Xét là động lực giúp con người dễ tha thứ: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn.” Trong ngày này, mọi bí ẩn giấu kín đều được phơi bày ra ánh sáng và Thiên Chúa là Đấng rất công minh sẽ thưởng hay phạt mỗi người tùy theo việc họ đã làm.
Trong bài đọc II trong thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô còn cho chúng ta một nguyên lý tích cực hơn để tha thứ: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” Nguyên lý tích cực này đến từ thần học về thân thể của ngài: Mọi người đều là những chi thể của một thân thể là Hội Thánh và Đức Kitô là Đầu. Tất cả chúng ta là những chi thể của một thân thể là Chúa Kitô nên chúng ta không thể tách rời nhau vì bất kỳ lý do gì, không những cho đến chết mà còn cả khi sống lại nữa vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Vì vậy, tha thứ là chuyện phải làm để giữ cho thân thể Chúa Kitô luôn được vẹn tòan.
Tha thứ để được thứ tha. Lý do đầu tiên và trên hết tại sao phải tha thứ là vì để được thứ tha bởi Thiên Chúa. Đã là con người, ai cũng có tội; nếu đã có tội, cần phải được tha thứ. Con người không những có tội, còn luôn luôn phạm tội; vì thế con người luôn luôn cần được tha thứ.
Khi nói tới hai từ tha thứ, nó là đề tài muôn thuở mà mỗi người chúng ta cần phải học, phải làm, và phải sống. Thật khó cho chúng ta khi đứng trước một thế giới đang bị xem là khoa học kỹ thuật phát triển, dường như con người không còn biết lắng nghe, không còn biết nói những lời tha thứ. Thay vào đó là hiềm khích, bạo lực, chia rẽ không còn ai biết tin tưởng ai. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được qua cuộc đối thoại giũa Chúa và thánh Phêrô khi bàn về vấn đề tha thứ, đối với chúng ta có thể chúng ta tha bảy lần, nhưng đối với Thiên Chúa phải tha bảy mươi lần bảy (Mt 18, 21-22) nghĩa là tha luôn mãi. Điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh nơi đây là bất cứ lúc nào anh chị em nói lời xin lỗi là chúng ta phải tha.
Nếu chúng ta không chịu tha thứ những khuyết điểm nhỏ bé của anh em phạm đến chúng ta như kẻ bất lương hôm nay, làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ những tội lớn chúng ta đã xúc phạm đến Ngài? Vì thế, tha thứ không còn là chuyện có thể làm hay không làm, nhưng là một bổn phận phải làm kèm theo hình phạt nếu không làm như Chúa đã báo hôm nay: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”. Chúng ta hôm nay, được Thiên Chúa ban tặng, gìn giữ, vì chúng ta là con Chúa, là chi thể của Ngài nên hãy học cùng Ngài, bởi Ngài hiền lành và khiêm nhường. Như thánh Phanxicô cũng một phần nào đề cập tới sự tha thứ trong kinh Hòa Bình là: hãy đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục.
Chính Chúa đã đi bước trước để dạy chúng ta biết thế nào là tha thứ, vì Ngài đã thứ tha cho người bị bại liệt “Này con, cứ yên tâm, tội con đã được tha” (Mt 9,2). Kế tiếp, “Tôi không lên án chị đâu, chị cứ về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Kể từ giờ phút đó chị không còn bị ràng buộc về tội, không còn ai lên án chị. Tiếp đến, Ngài đã thứ tha, Ngài dạy chúng ta phải tha thứ và vui mừng đón rước đứa con hư hỏng trở về (x. Lc 15, 11-32). Cuối cùng, Ngài dạy chúng ta phải cầu nguyện để biết tha thứ cho kẻ có nợ chúng ta như Chúa Cha đã tha nợ cho chúng ta (x. Mt 6, 9-15). Bài Tin Mừng hôm nay cũng là một trong những ví dụ điển hình mà Chúa dạy chúng ta, trong cuộc sống đừng tham lam tiền bạc, khi mà người đồng loại đang gặp khó khăn giống như mình, nhưng ngược lại phải biết đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Đừng kẻ lớn ức hiếp người bé, đừng so bì tính toán, và đừng làm hại người ta khi họ đang còn nghèo đói. Phải lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, đề cao kẻ khiêm nhường.
Cho nên, qua bài Tin Mừng Chúa nhật XXIV mỗi người chúng ta xét duyệt lại đời sống của mình, mau đi làm hòa, tha thứ với anh em, với tha nhân, và với Thiên Chúa để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát “để dù sống, dù chết chúng ta thuộc về Chúa” (Rm 14,8). Ước gì, Lời Chúa hôm nay, giúp chúng ta nhận ra được giá trị tốt đẹp của con người là tha thứ, để mọi người cũng biết tha thứ cho nhau như Chúa đã thứ tha cho chúng ta.