Tôi tin Chúa vẫn thương muốn cứu chúng ta, Hội Thánh chúng ta, Đất nước chúng ta. Nhưng tình yêu cứu độ Chúa đòi hỏi chúng ta một điều, đó là chúng ta phải biết đón nhận tình yêu cứu độ ấy.
trong tình hình hiện nay
1. Hôm nay, tôi xin nói về Lời Chúa đang giúp tôi sống ơn gọi trong tình hình hiện nay.
Hiện tình Đất nước và Hội Thánh lúc này là một giai đoạn mới, rất phức tạp, với nhiều vấn đề nghiêm trọng, với nhiều nguy hiểm trầm trọng, như suy thoái đạo đức, suy giảm niềm tin.
Trong tình hình phức tạp hiện nay, tôi tin Chúa vẫn thương muốn cứu chúng ta, Hội Thánh chúng ta, Đất nước chúng ta. Nhưng tình yêu cứu độ Chúa đòi hỏi chúng ta một điều, đó là chúng ta phải biết đón nhận tình yêu cứu độ ấy.
Để dễ hiểu, tôi xin dựa vào tình yêu của Chúa Giêsu đối với người bại liệt nằm trên bờ hồ Betdatha (x. Ga 5,1-16). Chúa thương anh, nhưng Chúa không cứu chữa anh ngay, trái lại Chúa nói với anh vắn tắt vài lời, xem anh có sẵn sàng đón nhận tình thương của Chúa không ?
2. Trước hết, Chúa hỏi người bại liệt: “Con có muốn khỏi bệnh không” (Ga 5,6). Chúa cũng hỏi câu đó với mỗi người chúng ta.
Xưa người bại liệt đã đón nhận câu hỏi đó một cách khiêm nhường và biết ơn. Anh ta thưa có. Còn chúng ta thì sao? Xem ra có dư luận cho rằng: Tình hình hiện nay đang xấu đi là do tội lỗi những người khác. Còn chính chúng ta thì cho mình là vô tội. Thực sự, trong bất cứ tình hình nào, nếu dám nói với Chúa là mình không có tội gì cần được Chúa cứu, thì quá sai. Thái độ như thế là không đón nhận tình thương cứu độ của Chúa.
Tiếp theo, Chúa bảo người bất toại rằng: “Con hãy đứng dậy” (Ga 5,8). Chúa cũng bảo như thế với mỗi người chúng ta.
Xưa người bất toại đã đón nhận lời bảo của Chúa mà đứng dậy một cách tin tưởng. Còn chúng ta thì sao? Xem ra có trào lưu xúi chúng ta dửng dưng, bất cần, tự mãn, không muốn khiêm tốn tin vào Chúa mà đứng dậy. Thái độ như thế là không đón nhận tình thương cứu độ của Chúa.
Sau cùng, Chúa bảo người bại liệt là: “Hãy vác chõng mà bước đi” (Ga 5,8). Chúa cũng bảo như thế với mỗi người chúng ta.
Vác chõng mà bước đi là vác trên mình dấu vết của một quá khứ nặng nề mà bước đi, để biết khiêm nhường tạ ơn Chúa. Người bại liệt đã khiêm nhường vâng lời Chúa. Còn chúng ta thì sao ? Xem ra có xu hướng thúc đẩy chúng ta chỉ muốn mang trên mình những hào quang tự tạo, chứ không chịu mang một thứ dấu vết nào coi không đẹp, dễ bị người đời thắc mắc khinh khi. Thái độ như thế là không đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa.
3. Với những suy nghĩ trên đây, tôi hiểu là: Chúa đang yêu thương chúng ta, như Chúa đã yêu thương người bại liệt đó. Tình yêu Chúa là nhưng không. Nhưng chúng ta phải biết cộng tác vào tình yêu đó. Sự cộng tác quan trọng nhất là biết khiêm nhường đón nhận tình yêu của Chúa.
Đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa là khiêm nhường nhận biết mình tội lỗi, xin được Chúa cứu.
Đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa là khiêm nhường tin tưởng ở Chúa, mà bỏ đàng tội, đứng lên đón nhận ơn Chúa thứ tha.
Đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa là khiêm nhường mang trên mình những dấu vết của quá khứ tội lỗi, mà bước đi trong tâm tình biết ơn Chúa.
Vắn một lời: Để đón nhận tình yêu Chúa, thì phải khiêm nhường, rất khiêm nhường, thực sự khiêm nhường. Không khiêm nhường, thì không những không đón nhận được tình yêu Chúa, mà còn bị Chúa chống lại như lời thánh Phêrô dạy : “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).
4. Tôi xin nói thêm một lần nữa là: Tình hình hiện nay rất phức tạp, và đang diễn biến rất nguy hiểm, theo hướng khủng hoảng lương tâm lan rộng. Chúa giàu lòng thương xót sẽ cứu chúng ta. Nhưng chúng ta phải biết đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa, và biết giúp nhau đón nhận tình yêu ấy.
Kinh nghiệm cho thấy: Khiêm nhường đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa là chuyện không dễ chút nào. Vì thế, xin anh chị em thương cầu nguyện nhiều cho tôi. Chúng ta cũng luôn cầu nguyện cho nhau: “Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa ở Ngài” (Tv 15).
ĐGM GB. Bùi Tuần