Một câu chuyện tình sử thi, chẳng khác gì nay, kể rằng:
Có một chàng thanh niên nọ muốn giải cứu người yêu bị mụ phù thủy bắt. Mụ buộc anh làm một việc rất khó mới thả cô gái ra. Anh lo lắng quá không biết tính sao mới đến xin bà tiên giúp. Bà bảo anh:
-Cứ về ngủ đi. Giấc ngủ là cố vấn sáng suốt nhất.
Anh nghe lời về ngủ. Sáng hôm sau, anh tìm được cách giải quyết. Nhưng mụ phù thủy lại đưa ra điều kiện khó hơn nữa. Anh rối trí không biết tính cách nào thì bà tiên bảo:
-Cứ về ngủ đi.Giấc ngủ là vị cố vấn sáng suốt nhất.
Một lần nữa, anh nghe lời bà về ngủ. Và sáng hôm sau anh giải cứu được, không phải nhờ lo lắng mà nhờ biết bình tĩnh sáng suốt.
Theo một bản thống kê hàng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.
Nhưng an bình và niềm vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Đạt được tất cả, có tất cả, nhưng không có niềm vui, không có bình an trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một xác chết.
Lo âu, lo lắng hay nỗi lo phát sinh do nhiều dạng, nhiều nguyên nhân: dạng do tâm tính người đó cái gì cũng lo, nhưng không biết mình lo cái gì. Người ta nói”người khéo lo” nghĩa là lo vu vơ, vô cớ, thậm chí mỉa mai “lo bò trắng răng”. Có dạng là một trong các rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao,có tỷ lệ gia tăng cùng sức ép ngày càng lớn của cuộc sống và thường kết họp với nhiều rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống…
Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Còn lo âu về bản chất là đáp ứng với một đe dọa không được biết trước từ bên trong, sợ thì lại đáp ứng với một đe dọa được biết rõ ràng từ bên ngoài.
Tuy nhiên, khi lo âu và sợ hãi quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vẫn tiếp tục ngay cả khi mối lo thực tế đã kết thúc thì đó là bệnh lý.
Nguyên nhân chính xác của rối loạn lo âu không được biết rõ, nhưng nó bao gồm nhiều yếu tố khác nhau.
Việc điều trị nhiều rối loạn lo âu thông thường bao gồm hai phương pháp chính, đó là sử dụng thuốc và các liệu pháp, trong đó có liệu pháp hành vi nhận thức, tham vấn tâm lý, thư giãn…
Có lẽ ta chưa cần bàn đến những mối lo đã thành bệnh lý hay tâm lý, chỉ nguyên nỗi lo vu vơ, vô định hoặc trên cả thực tế đã khiến con người khổ sở rồi.
“lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc” dù vẫn đang mặc quần này áo nọ, hàng hiệu hẳn hoi và cũng chưa bao giờ phải đói rách, bần cùng. Nếu có chỉ là ước mơ hàng hiệu thời trang mới nhất, đắt tiền nhất,muốn ăn sang mặc đẹp thôi.
Từ đó chúng ta nhận ra một điều: người có niềm tin và người không có niềm tin nơi Chúa khác nhau thế nào trong cuộc sống con người. Nếu có người đã suy nghĩ rằng: tôi chỉ thấy có con người lo sợ đủ thứ, các vật khác đâu lo lắng gì, như Chúa nói trong Tin Mừng: “Hãy xem chim trời…Hãy xem hoa huệ… chúng không lo lắng chi”(Mt.6,25)
Đang miên man suy nghĩ về nỗi lo, bỗng một hôm tôi đang chăm sóc cho cây cảnh, cành lá xanh um, sao tự nhiên cứ vàng úa từ từ, tôi càng tưới nhiều hơn, không những không xanh hơn lại càng héo khô, rồi một cơn giông thổi qua nó đã cuốn theo chiều gió, nhưng cũng còn lại hai lá xanh. Mấy ngày sau cả hai lá xanh còn lại cũng rơi rụng hết, chỉ còn lại thân cây trơ trụi, khẳng khiu, khô khốc. Tôi thất vọng, tiếc nuối, buông xuôi. Bất ngờ một buổi sáng tôi thấy từ những mắt thân cây lại lú nên những mầm lá xanh. Tôi thích thú, phấn khởi nhìn ngắm mỗi ngày và hăng hái chăm sóc nó nhiều hơn.
Bỗng tôi nhớ lại chuyện vừa có tính khoa học, lại vừa là bài học tu đức,có tựa: “diệt trừ tật xấu”;
Một bà đạo đức nọ áy náy vì một tật xấu bà đã cố gắng hết sức mà vẫn không chừa được. Bà đến than thở với cha linh hướng. Ngài nói: “Con có để ý thấy không, vào mùa đông, lá sồi rụng nhiều nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh cũng không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến chúng tự động rụng nhường chỗ cho lá non nẩy lộc.Vậy cái gì làm chúng rơi rụng? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây.
Tôi đã học được bài học của niềm tin yêu và hy vọng nơi Đấng Thiêng Liêng ở quanh tôi trong mọi sự vật.
Không gì lo âu bằng cái chết. Nhưng chẳng có ai lo và không lo mà cho mình sống mãi không chết được đâu. Quả thực, sự bất mãn, buồn chán, lo lắng chỉ mang lại cho con người khổ tâm mà thôi. Do đó biết chấp nhận bản thân, hài lòng với cuộc sống, không chỉ là một nghệ thuật sống mà còn là một đòi hỏi của đức tin. Điển hình, tưởng là bất hạnh lại trở thành cuộc sống bình an hạnh phúc:
Một thiếu niên người Mỹ tên Benny Agreno, lúc sinh ra lá gan không bình thường. Năm lên 8, em được ghép gan lần đầu. Trong 5 năm sau đó, em sống nhờ thuốc và một bộ phận khác không phải của mình. Nhưng khi thuốc không còn hiệu nghiệm, các bác sĩ tại bang Pensylvania đã tiến hành cuộc ghép gan khác. Cuộc ghép gan lần này giúp Penny sống thêm vài năm nữa, nhưng hậu quả khiến cho sức khỏe em ngày càng tệ.
Sau một thời gian suy nghĩ, cậu thiếu niên 16 tuổi này quyết định không dùng thuốc nữa. Các bác sĩ và gia đình muốn cậu sống thêm nhiều năm nên ép buộc cậu đến bệnh viện chữa trị. Nhưng cậu từ chối, vì cậu biết rõ mình hơn ai hết. Từ ngày thôi dùng thuốc và chấp nhận số phận của mình, cậu cảm thấy khỏe hơn nên nói:
“Đây là những ngày tháng đẹp nhất đời tôi”
Chúa Giêsu đã dạy nguyên lý cơ bản ấy cho con người khi Chúa bảo: “Hỏi có ai trong anh em có nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang thôi?.
Chúa cũng nói rõ quan điểm nhiều người trong xã hội: “ngày mai lấy gì mà ăn, mà uống. Lấy gì mà mặc?”. Tất cả nhữ thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm” (Mt.6,25-34)
Được sống lâu là ước mơ của mọi người. Bao lâu còn sống là có ước mong được sống trường thọ; nhưng sống lâu chưa hẳn đem lại cho con người an khang, hạnh phúc. Sống lâu mà bệnh hoạn, cô đơn càng thêm khổ đau cho con người.Thế nên, cùng với “trường thọ” chúng ta còn chúc nhau an khang trường thọ..
Có lẽ cậu thiếu niên trên đã nhận ra chân lý đó, cùng với nhiều ngưởi khác, sau khi một giáo sư cho đăng quảng cáo trên tờ báo ở New York nước Mỹ như sau:
“Tìm một số phi hành gia để thực hiện một chuyến du hành vũ trụ. Chuyến đi kéo dài 12 tháng bên ngoài quỹ đạo trái đất; khi chuyến bay kết thúc, quý vị sẽ trải qua 240 năm”.
Biết tin trên, 164 người đã ghi danh du hành. Giáo sư liền tổ chức buổi nói chuyện, giải thích rõ hơn về cuộc du hành.Ông nói:
-Khi quý vị trở về trái đất, qúy vị chỉ già hơn một tuổi, nhưng thời gian đó sẽ dài bằng một triệu ngày trên mặt đất. Nói cách khác khi trở lại trái đất, quý vị sẽ không còn gặp lại bất cứ người nào đã từng sống với quý vị bây giờ.
Sau lời giải thích đó, tất cả 164 người đều rút tên khỏi danh sách. Thế là không còn ai tham gia cuộc du hành vũ trụ của ông.
Tại sao 164 người trên đã rút tên danh sách tham gia cuộc du hành vũ trụ? Vì khi biết lúc trở về trái đất, họ không còn gặp lại những người đã từng sống với họ, nhất là những người thân yêu trong gia tộc. Ra khỏi trái đất trong vòng 12 tháng để được sống thêm 240 năm làm gì, nếu đã mất hết những người thân yêu?
Như thế “an khang hạnh phúc” chỉ thực sự có được trong tương quan với người khác. Có người chỉ cảm thấy an khang hạnh phúc khi muốn quan hệ giữa họ được hài hòa trong tình tương thân tương ái.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, lo lắng quá mức có thể làm suy giảm miễn dịch và gây bệnh.(ANTĐ)
Ông Peggy Zoccola, tác giả nghiên cứu thuộc đại học Ohio nói: “viêm mạn tính có liên quan với hàng loạt vấn đề sức khỏe. Vì vậy mọi người nên kiểm soát tình trạng lo lắng để bảo vệ sức khỏe bản thân.”
Theo Bách khoa Toàn thư(Wikipedia): một bức tượng cổ đá cẩm thạch của hoàng đế La-mã Decius tại bảo tàng Capitoline.”Bức tượng này chuyển tải ấn tượng của sự lo lắng và mệt mỏi, như của một người đàn ông đang phải gánh vác trách nhiệm nặng nề như kim loại”. Lo âu, hay lo, khéo lo, là một trạng thái tâm lý và sinh lý đặc trưng bởi các yếu tố có vẻ cơ thể cảm xúc, nhận thức và hành vi. Đó là cảm giác gây ra bởi sợ hãi và phiền muộn. Cả khi bị hay không bị căng thẳng về tâm lý thì lo âu cũng tạo ra cảm giác sợ hãi, lo lắng, không thoải mái.Lo âu được xem là phản ứng bình thường đối với tác nhân gây stress. Lo âu quá mức có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu.
Do đó,muốn được an khang hạnh phúc, chúng ta diệt trừ nguyên nhân của nỗi lo thất bại, khổ đau, bất hòa, thù hận. Càng nuôi dưỡng những tâm trạng đó, chúng ta càng đày đọa mình trong bất hạnh khổ đau, bất an, lo sợ.
Xưa kia đọc sách Giảng Viêng(Gv), nghe như toàn những lời mâu thuẫn đến kỳ lạ, nhưng nay đọc kỹ và suy ngẫm, trùng với đề tài “Nỗi lo” mới cảm nhận phù hợp thời hiện đại mình cách lạ thường. Chẳng hạn tác giả quả quyết rằng tự bản chất, con người vốn lẻ loi đơn độc, không thể hiệp thông với người khác! Đây là một đề tài thịnh hành trong văn chương ngày nay. Hay là tác giả mơ một cuộc sống không nhiều tham vọng để có thể hưởng thụ thú vui của giây phút hiện tại. Điển hình:
“Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ; người bo bo giữ của chẳng thu được lợi lộc gì. Điều ấy cũng chỉ là phù vân ! (Gv 5, 9)
Có khác gì trong Tân Ước, Chúa Giêsu dạy:
“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt. 6, 33-34).