Đức Kitô Phục sinh không chỉ giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi, đưa về lại với hạnh phúc nguyên thủy mà Ngài còn đem đến sức sống dồi dào qua việc trực tiếp nuôi dưỡng chúng ta hằng ngày; cũng như mở ngỏ con đường vĩnh cửu cho những ai tùng phục Ngài.
I. ĐỨC KITÔ VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khẳng định “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. Nhân lành có nghĩa là người tốt đẹp, cao quý thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu. Trong Cựu ước, hình ảnh người mục tử thường được áp dụng cho các vua. Trải qua những năm tháng, dân Chúa sống dưới triều đại vua chúa, vị mục tử không thể hiện được sự đồng cảm hay thấu hiểu, trái lại còn bóc lột thậm chí là giết chiên. Không ít lần các ngôn sứ đã chỉ ra những điều này nhưng họ (các vua) vẫn làm theo cá tính của mình mà đi ngược với mệnh lệnh Thiên Chúa.
Vào thời Chúa Giêsu, lãnh đạo Dothái, những người được xem là mục tử lo cho đoàn chiên hầu mang lại cuộc sống ấm êm. Nhưng họ đã lợi dụng vai trò của mình mà chèn ép, bóc lột thậm chí là giết chết chiên của mình vì hám lợi. Họ đưa ra rất nhiều khoản luật hầu bóc lột dân nghèo, đè lên vai dân nghèo gánh nặng không thể vác nổi. Mục tử này không vì đoàn chiên, không đồng cảm, không hiểu thấu nhưng chỉ lo cho bản thân.
Không giống như giới lãnh đạo Dothái thời bấy giờ, Đức Giêsu là mục tử vì đàn chiên. Ngài thấu hiểu, chăm lo và nuôi dưỡng đàn chiên cách tận tình. Ngài đến không gì khác là để “chiên được sống và sống dồi dào”. Mục tử nhân lành luôn đồng cảm và thấu hiểu đoàn chiên. Mục tử nhân lành luôn yêu thương đoàn chiên và dẫn đoàn chiên tới nơi có nhiều đồng cỏ và suối mát, và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đoàn chiên nếu có kẻ dữ tấn công: “tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14). Người mục tử nhân lành chăm sóc đoàn chiên không vì lợi nhuận nhưng vì tình yêu. Người chăm sóc đoàn chiên đặt lợi nhuận lên đầu là người làm thuê và mối bận tậm của anh ta không phải là sự an toàn hay yêu thương đoàn chiên nhưng là tiền công. Vì không yêu đoàn chiên nên khi gặp thú dữ anh ta bỏ chiên mà chạy thoát thân để đàn chiên tan tác. Người mục tử nhân lành là người dám đương đầu với thú dữ để bảo vệ chiên; quên đi mệt nhọc để tìm cho được những đồng cỏ xanh tươi. Động lực để người mục tử làm những công việc đó chính là tình yêu. Bởi giữa mục tử và đàn chiên có mối tương quan thuộc về.
II. MỒI TƯƠNG QUAN THUỘC - VỀ Ở câu 14 & 15 nói cho chúng ta biết mối tương quan thuộc về giữa mục tử nhân lành (Đức Giêsu) và đoàn chiên (con người). Đây là mối tương quan khăng khít mà không một thế lực nào có thể tách rời. Ở 2 câu này, động từ “biết” được lặp lại 4 lần. Từ “biết” trong ngôn ngữ Hípri không chỉ là nhìn thấy bằng con mắt khả giác, nhưng còn là mối tương quan khăng khít với nhau và không thể tách rời. Động từ này diễn tả như một giao ước. Trong đời sống hôn nhân, khi nói người nam biết người nữ có nghĩa muốn nói họ đã thực sự trở thành vợ chồng và cả hai đã nên một. Ở đây Đức Giêsu khẳng định “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (câu 14). Người mục tử nhân lành không có mối bận tậm nào khác ngoài các con chiên; buổi sáng thức dậy người ấy vui sướng tìm đến với đoàn chiên; rồi dẫn chiên đi ăn, quan tâm từng con chiên một, chăm sóc nếu con nào bị bệnh. Tối dẫn chiên về chuồng và kiểm tra từng con rồi mới đi ngủ. Người mục tử chăm sóc, dưỡng nuôi đoàn chiên không vì lợi ích tiền bạc nhưng bởi tình yêu. Ở đâu có tình yêu người ta vui sướng làm việc dù không được trả công. Động lực căn bản hướng dẫn người mục tử nhân lành là tình yêu, và người nào yêu thì trước tiên muốn ban tặng chứ không muốn đón nhận. Đây chính là cảm thức thuộc - về.
Mối cảm thức này được đặt trong mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con (mối tương quan liên vị): “như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha” (câu 15). Mối tương quan này mang tính vĩnh cửu. Vì thế, mối tương quan thuộc-về giữa Đức Giêsu và con người mang tính vĩnh cửu vì được đặt để trong mối tương quan giữa Chúa Cha và Đức Giêsu. Mối tương quan này được thiết lập trong mầu nhiệm cứu độ, mầu nhiệm mà Giáo hội vừa mới tưởng niệm. Và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là minh chứng cho mối tương quan này. Chính mối tương quan này là giao ước muôn đời và hy tế chính là Ngôi Hai Thiên Chúa.
Và ai tin vào danh Đức Giêsu, vị mục tử vì đoàn chiên người ấy sẽ được giải thoát. Hình ảnh các môn đệ cứu chữa và làm cho người tàn tật được khỏi là một minh chứng cụ thể. Chính Ngài đã bị lãnh đạo Dothái loại bỏ và bị giết chết nay trở thành nguồn sống cho những ai tin cậy nơi Ngài. Ngài chính là tảng đá đã bị thợ xây là các lãnh đạo loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường (bài đọc 2). Đó là khẳng định của Phêrô.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về cảm thức thuộc-về với ý thức chúng ta được thuộc về đoàn chiên của Ngài, thuộc về Đức Kitô, nghĩa là thuộc về Thiên Chúa. Nơi đó chúng ta sẽ lãnh nhận sức sống dồi dào bởi chính Ngài là nguồn sống cho con người. Chúng ta hãy sống cách thức thuộc-về đoàn chiên của Chúa với ý thức “Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (bài đọc 2), bởi “chúng ta sẽ nên giống Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2).
JM. NGuyễn Cường