Suy tư - Chia sẻ

Sửa lối cho thẳng để Chúa đi

Cập nhật lúc 21:35 05/12/2014
Các Ngôn sứ của Thiên Chúa ngày đêm không ngừng kêu gọi, thúc bách họ ăn năn, từ bỏ đường gian ác, chuẩn bị thay đổi lòng trí để làm mới lại con đường cho Thiên Chúa đi qua. Con đường đó chính là “tâm hồn”.
Lời Chúa trong chủ nhật hai Mùa Vọng cho chúng ta cảm nhận lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Ngài không muốn đoàn con thân yêu phải sa vào chốn vực sâu tội lỗi. Ngài luôn tìm mọi cách để kêu gọi dân thành Giêrusalem hoán cải, sám hối trở về với Ngài. Sự hoán cải và sám hối đó giúp cho họ đón nhận ân sủng và lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa.
Ngôn sứ được sai đến
Có thể nói cuộc sống của dân thành Giêrusalem lúc bấy giờ rất lộn xộn, bê bối. Suốt ngày, họ chỉ biết ăn chơi trác táng, đi hoang, bỏ huấn lệnh của Thiên Chúa để thỏa mãn thân xác yếu hèn mà thôi. Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ngài đã biết mọi việc con cái làm xúc phạm đến Ngài. Ngài không đành lòng để dân Ngài lầm lạc mãi vào con đường tội lỗi đó.
Chính lúc ấy, Thiên Chúa giàu thương xót đã sai các Ngôn sứ của Ngài đến để kêu gọi họ sám hối, bỏ con đường tà mà quay trở về với Ngài: “Có tiếng hô: Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta (Is 40, 3). Tâm hồn của dân thành Giêrusalem bấy giờ đã trở nên khô cằn như sa mạc, đã trở nên trống không như giữa đồng hoang. Tâm hồn của dân thành Giêrusalem cũng như tâm hồn của chúng ta đều được Thiên Chúa tác tạo nên từ ban đầu thật tốt đẹp, trong trắng và thánh thiện. Thế nhưng, cuộc sống thế tục hằng ngày và thân phận người yếu đuối đã làm cho tâm hồn con người sống lạc xa Chúa. Tâm hồn dân thành Giêrusalem giờ đây đã bị nhiễm uế, dơ bẩn và chai cứng. Họ cần phải được tẩy rửa, san bằng và lấp đầy những hố sâu tội lỗi. Còn tâm hồn của mỗi chúng ta thì sao?
Các Ngôn sứ của Thiên Chúa ngày đêm không ngừng kêu gọi, thúc bách họ ăn năn, từ bỏ đường gian ác, chuẩn bị thay đổi lòng trí để làm mới lại con đường cho Thiên Chúa đi qua. Con đường đó chính là “tâm hồn”. Chính nơi tâm hồn này Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ ngự trị vào đó. Ngài thích ngự vào tâm hồn con người nhưng một khi tâm hồn con người bị dơ bẩn, hoen ố thì Ngài lại kêu mời họ sửa đổi tâm can qua lời kêu gọi của các Ngôn sứ.
Qua mỗi thời đại thì đều có Ngôn sứ của mỗi thời đó để quan tâm thúc đẩy con người siêng năng tẩy rửa tâm hồn, bằng cách ăn năn sám hối và tin vào Thiên Chúa. Sự hiện diện kề bên của các Ngôn sứ có vai trò cần thiết cho mọi tâm hồn đang sống lạc xa Chúa. Ngày nay, các Ngôn sứ mà Thiên Chúa sai đến với con người là những vị chủ chăn, những người phục vụ Chúa, có nhiệm vụ chăm sóc và hướng dẫn đời sống đạo của chúng ta. Chúng ta luôn được các linh mục nhắc nhở: hãy siêng năng đến tòa giải tội vì đây là nơi tốt nhất để chúng ta làm hòa với Thiên Chúa, là phương tiện nhanh chóng nhất để chúng ta thiết lập một con đường mới, một con đường thẳng để Thiên Chúa đi qua.
Tâm hồn nhạy cảm hay chai lì trước tội lỗi
Thiên Chúa luôn quan tâm lo lắng đến phần rỗi của con người. Ngài gửi đến cho họ các Ngôn sứ, các sấm ngôn kêu gọi... nhằm giúp họ biết để tâm lắng nghe mà sám hối quay về với Ngài. Lời kêu gọi của Thiên Chúa luôn được gieo vào lòng con người nhưng họ có đón nhận hay không? Thiên Chúa luôn trung thành và luôn nhẫn nại chờ đợi con người đứng lên. Ngài không muốn để con người mất linh hồn đời đời. “Kì thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong nhưng muốn cho mọi người đi đến chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3-9). Thiên Chúa thật giàu tình thương và chậm giận, Ngài sẵn sàng chờ đợi ngay cả những tâm hồn chai lì trong tội không còn tính nhạy bén về phạm tội. Một tâm hồn nguội lạnh đến bao nhiêu đi nữa thì Thiên Chúa vẫn kiên trì chờ đợi vì Ngài luôn thành tín và yêu thương. Thiên Chúa tin rằng sẽ có một ngày tâm hồn con người mất cảm giác với tội sẽ cảm động trước tình thương và lòng kiên nhẫn của Chúa. Thiên Chúa ban cho con người thêm thời gian để có cơ hội hâm nóng lại tâm hồn nguội lạnh, ban cho con người thêm nhiều cơ hội khác để đơm bông kết trái (Lc 13, 6-8). Thiên Chúa không chỉ chờ đợi con người từng giờ từng ngày mà Ngài còn chờ đợi thêm hàng tháng hàng năm, chỉ vì Ngài muốn con người sớm sám hối để được hưởng ơn cứu độ.
Vì đâu mà Thiên Chúa lại tìm mọi cách cứu cho bằng được con người? Vì tình yêu mà Ngài không thể không cứu con người. Ngài đã dùng đủ mọi cách để có thể giúp con người sám hối quay đầu về bờ. Cách hữu hiệu nhất mà trong Tin Mừng đề cập đó là: “Ông Gioan Tẩy giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kiêu gọi người ta chịu phép Rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội (Mc 1, 4). Ông Gioan Tẩy giả là người được Thiên Chúa sai đến để nói lời kêu gọi sám hối của Thiên Chúa cho hết mọi thành phần trong dân, dù đó là người tội lỗi hay người tự cho mình là công chính, là kẻ giàu hay người nghèo khổ… Đồng thời, ông tha thiết kiêu gọi dân chúng chịu phép Rửa tại sông Giođan để được lãnh nhận ơn tái sinh. Ông Gioan Tẩy giả xuất hiện trong lúc dân chúng đang sống xa rời Thiên Chúa. Ông đã dùng chính cuộc sống và việc làm của mình để kêu gọi dân chúng sám hối. “Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông” (Mc 1, 5a). Giờ đây, tấm lòng chai cứng của dân thành Giêrusalem và Giuđê đã chịu thu phục bởi lời rao giảng sám hối của ông Gioan Tẩy giả. Dân chúng tuôn đến đông nghịt và xin được chịu phép Rửa: “Họ thú tội và ông làm phép Rửa cho họ tại sông Giođan” (Mc 1, 5b).
Thái độ và hành động kéo đến của đám đông xin được rửa tội chứng tỏ họ đã tin và sám hối. Điều đó cho thấy, họ còn biết lắng nghe, con tim họ còn rung đập trước lời kêu gọi không ngừng của Thiên Chúa qua ông Gioan Tẩy giả. Một tâm hồn còn rung cảm là một tâm hồn còn biết sám hối để đón nhận ơn cứu độ và ngược lại, một tâm hồn bị mất cảm giác nhạy bén với tội thì dễ dàng khước từ ơn cứu độ của Thiên Chúa đã hứa ban. Thiên Chúa không muốn cho ai phải mất ơn cứu độ. Chính vì thế, Thiên Chúa vẫn một lòng chờ đợi và tha thiết kêu gọi đoàn con cái sửa sang lại tâm hồn mình.
Thái độ sống
Ngày nay, kinh tế càng phát triển và cuộc sống con người ngày càng thực dụng thì đời sống tâm linh của chúng ta cũng bị chịu ảnh hưởng và xuống dốc. Đức Giêsu Kitô đã nói trong Tin Mừng: “Anh em sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Làm sao để chúng ta sống được như lời Đức Giêsu nói? Chúng ta thực sự không thuộc về thế gian khi chúng ta có thái độ sống luôn kết hiệp gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô như Ngài đã kết hợp với Chúa Cha. Còn một khi chúng ta không tha thiết gắn bó với Đức Giêsu Kitô như cành nho gắn liền với cây nho thì đời sống của chúng ta chắc chắn sẽ đi theo thế gian. Đi theo hay thuộc về thế gian chỉ làm cho chúng ta có cảm giác vui sướng hạnh phúc tạm thời mà thôi nhưng đổi lại chúng ta sẽ mất hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.
Thái độ sống của chúng ta quyết định chúng ta đi theo Chúa hoặc là từ bỏ Chúa. Thiên Chúa luôn mong muốn chúng ta sống ngưỡng vọng về Nước Trời. Để được như vậy, chúng ta khắc ghi lời của thánh Phêrô nói với chúng ta: “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an (2Pr 3, 14)
 
Tu sĩ Phêrô Bùi Công Minh
Thông tin khác:
Tỉnh thức để gặp gỡ Chúa (27/11/2014)
Cảm nghĩ sau khi đọc bài "Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ" (19/11/2014)
Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn (05/11/2014)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo (28/08/2014)
Chúa lên trời nghĩa là gì, người đi đâu? (27/05/2014)
Mừng vui và tiến bước (27/05/2014)
Đường về Nhà Cha (14/05/2014)
Đức Ki tô- viên đá sống động của Thiên Chúa (14/05/2014)
Mục tử tốt lành (06/05/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log