Mỗi Mùa Vọng đến, nguồn sáng của Chúa lại được thắp lên trong tâm hồn chúng ta, niềm hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa. Bởi vì, có Chúa là có niềm vui, có Chúa là có tất cả. Bởi thế, con người luôn luôn ước mong “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63, 19b) hay “mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người” (1Cr 1, 7). Những sự mong chờ đó đều diễn tả niềm thao thức của con người muốn gặp Chúa. Chúa của tha thứ và Chúa của tình yêu thương. Nhưng vấn đề làm sao gặp được Chúa trong cõi lòng của mình? Bởi vì không ai biết ngày giờ Chúa đến. Thế nên, để khơi dậy niềm trung thành và lòng kiên vững của các môn đệ ngày xưa cũng như của chúng ta hôm nay, Đức Giêsu đã dạy và Giáo hội đã mượn lại lời dạy đó mà bảo rằng: phải tỉnh thức. Đó là điểm hội tụ để chúng ta suy nghĩ và bước vào Mùa Vọng năm nay với tâm tình hy vọng và tin yêu!
Nếu phải canh chừng, phải tỉnh thức thì đó là nhật lệnh. Đức Giêsu thường sử dụng từ này trong văn cảnh một cuộc chiến đấu. Chúng ta sẽ không thể thực hiện được một cuộc tỉnh thức mà không có đấu tranh. Canh chừng, tỉnh thức là tập trung cao độ đến một hoàn cảnh nghiêm trọng nếu không muốn nói là nguy ngập. Chúng ta phải canh chừng mới có thể nghe được Lời Chúa. Bởi nếu không, ta có thể lệch sang một bên. Phải canh chừng để khỏi phải tin nhầm người, bởi vì có rất nhiều tiên tri giả, nói vanh vách về tương lai để đe doạ chúng ta vì chính Đức Giêsu đã nói: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính Ta đây!’” (Mc 13, 5-6).
Thánh Phaolô cũng sử dụng ngôn ngữ bi đát đó để nói về tỉnh thức “Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo”(Rm 13, 11). Như thế, chúng ta đã bị đóng lại như khi đã dùng thuốc ngủ quá liều lượng. Mà quả thực như vậy, chúng ta luôn bị uể oải rình rập: phản xạ tự vệ không còn bén nhạy… giống như bác tài xế quá chén, đâm đầu vào chướng ngại vật. Thánh Phaolô cũng không ngần ngại khi dùng đến một điển ngữ hiếu chiến bởi vì ngài đã khuyên rằng: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13, 12).
Nghĩa là cuộc đời người Kitô hữu nó bao hàm ở bên trong một cuộc chiến đấu chống lại các quyền lực mạnh hơn ta. Cho nên, canh chừng là quy luật tất yếu. Phải canh chừng, bởi không biết khi nào giờ ấy đến. Câu nói đó cho thấy rằng không phải giờ kết thúc là điều ta phải chờ mong. Nhưng là một sự quan tâm cao độ mà chính các giai đoạn thực hiện mục tiêu mới là quan trọng. Trong mọi thời, mọi nơi, có nhiều thứ sấm ngôn đủ loại được đưa ra để hù doạ ta về ngày tận thế. Nhưng, một lần dứt khoát. Đức Giêsu đã trả lời cho các môn đệ rõ ràng là ngày giờ ấy, nào ai biết được, kể cả con người. Ấy là vì Người không muốn ta mơ mộng, hoặc để hoài nhớ quá khứ, hoặc để phóng vào tương lai. Điều người muốn là ta tập trung sức chủ động vào cái hiện tại, cái hôm nay của Nước Chúa và luôn luôn dâng lời cảm vì ân huệ của Người. Như tâm tình của thánh Phaolô đã nói “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu” (1Cr 1, 4).
Không biết khi nào giờ ấy đến, giống như người kia trẩy đi xa để nhà lại… và ra lệnh cho người giữ cửa phải tỉnh thức coi chừng… chứ không nói rõ sẽ về lúc nào: chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Nghĩa là sẽ về bất thình lình trong đêm tối.
Đêm làm cho vai trò người giữ cửa có được một tầm quan trọng đặc biệt. Bởi anh ta phải tỉnh thức để coi nhà, chẳng những để tránh mọi bất trắc có thể do kẻ trộm, người mù gây nên và để không mở cửa lầm cho bất cứ ai. Nhất là cho mình là người thứ nhất mở cửa khi ông chủ trở về.
Kể ra cũng hơi lạ là Đức Giêsu chỉ cho thấy có thể ông sẽ trở về lúc ban đêm mà thôi. Ta biết rằng, ở bên phương Đông, thời bấy giờ người ta không đi đường vào thời điểm ban đêm vì phương tiện giao thông chậm chạp, đường sá lại vắng vẻ, lắm nguy cơ, nhiều hiểm nghèo. Nhưng chi tiết có phần không như thật đó, lại mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, có mặt khắp mọi nơi trong Kinh Thánh. Đêm tối là thời gian của cám dỗ, của thử thách. Trong Cựu Ước, thời gian chờ Đấng Thiên sai đến được coi như là thời điểm chấm dứt bóng tối, nhường chỗ cho ánh sáng. Để kích thích niềm hy vọng, thánh Phaolô bảo: “Đêm sắp tàn, ngày sắp đến” (Rm 13, 12). Để loan báo Noen, trong lễ đêm Giáo hội dạy ta hát bài ca kỳ diệu của Isaia 9, 1: đoàn dân đang lần bước giữa đêm tối, đã trông thấy ánh sáng huy hoàng.
Canh thức ban đêm, canh thức giữa những nỗi khó khăn, nguy hiểm, giữ vững niềm hy vọng ngay cả khi ta sống trong bóng đêm. Đứng vững trong khi mọi thứ đã sụp đổ đó là thài độ ta phải có hay đang vươn tới trong Mùa Vọng. Chính trong đêm tối là lúc, có lẽ, ta dễ tin hơn vào ánh sáng.
Hẳn nhiên, và đây là suy nghĩ cuối cùng, khi phân biệt người giữ cửa với các đầy tớ khác, Đức Giêsu gợi ý rằng các chủ chăn của Giáo hội được đặc biệt mời gọi sống tỉnh thức. Phêrô, Giáo hoàng, linh mục, là những người thứ nhất phải canh thức trên dân Chúa. Trên đàn chiên của mình, như người giữ của canh cửa nhà chủ. Canh giữ không phải để coi chừng các bất trắc mà thôi mà nhất là để nhận ra các dấu chỉ, đọc ra các ý nghĩa của thời điểm báo tin chủ trở về và Chúa đến… nhiều khi trong một đêm tối mênh mông… không canh thức thụ động mà phải chủ động canh giữ. Không phải tỉnh thức để nghe mọi thứ tiếng chó sủa mà tỉnh thức để bén nhạy nhận ra đâu là tiếng chân của chủ để tránh cho cả nhà khỏi bị báo động, để báo tin cho cả nhà Tin Mừng đích thực chính là Chúa. Điều Thầy dặn các con bây giờ là hãy tỉnh thức.
Tu sĩ Phêrô Đậu Văn Hương