Các tác giả Kinh Thánh cho ta thấy, sự kiện Đức Giêsu thăng thiên (lên trời) đánh dấu việc Người trở về “nơi” mà Người hiện hữu trước khi nhập thể “không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” (Ga 3,13). Lễ này nói lên việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,18; hay Ga 17,5). Nó đánh dấu sự kết thúc sứ mạng hữu hình của Đức Giêsu ở trần gian và khởi đầu sứ mạng của Hội Thánh.
Lễ Thăng Thiên là thánh lễ kính nhớ việc Đức Giêsu “lên trời”, được cử hành vào ngày thứ bốn mươi sau lễ Phục sinh, các bài đọc Lời Chúa trong ngày hôm nay sẽ nói lên điều này, đặc biệt bài đọc 1 và bài Tin Mừng (Mc 16,15-20; Cv 1,1-11)
Vào chính ngày Phục sinh, Đức Giêsu đã được tôn vinh, được siêu thăng, được nâng lên và ngự bên hữu Chúa Cha trong thân xác vinh quang của Người. Tuy nhiên, sau khi phục sinh, Đức Giêsu còn hiện ra với các môn đệ, trong khoảng thời gian bốn mươi ngày. Đây là thời gian Đức Giêsu dùng để khẳng định sự Phục sinh của Ngài, củng cố niềm tin của các môn đệ, hoàn tất việc giảng dạy và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng.
Với biến cố thăng thiên này, Chúa không còn hiện diện cách hữu hình trong thân xác hữu hình như trước kia nữa, nhưng Người vẫn hiện diện với Hội Thánh cho đến tận thế “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20) theo phương thế mới - theo quyền năng của Chúa Thánh Thần, với tư cách là Chúa của vũ trụ (Pl 2,10-11)
Vào bài đọc 1, sách Công vụ quảng diễn cho ta thấy được, các Tông đồ luôn khẳng định họ là những người làm chứng Đức Giêsu sống lại và đã lên trời “Người được cất lên ngay trước mắt các ông... và các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,9-11). Lời chứng này không dựa trên những tình cảm bâng quơ, nhưng dựa trên những “bằng chứng” mà Đức Giêsu đã kể lại cho các Tông đồ sau khi Người sống lại, và các sách Tin Mừng kể lại.
Việc ghi nhận con số bốn mươi ngày là quan trọng. Bốn mươi ngày ở trong hoang địa, Đức Giêsu dọn mình chuẩn bị sứ mạng cứu thế của người. Trong bốn mươi ngày, các Tông đồ dọn mình sẵn sàng lãnh nhận Thần Khí và sứ mạng làm chứng của các ngài.
Chính tại Giêrusalem mà các Tông đồ sẽ nhận được phép Rửa trong Thần Khí, Đấng sẽ làm cho các ông trở thành những thụ tạo mới. Các ngài là trụ cột của Hội Thánh, nhưng Hội Thánh trước tiên và ưu tiên là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Chính trong Thần Khí mà các Tông đồ tìm được sức mạnh để làm chứng cho Đấng Phục sinh ở giữa trần gian.
Cảnh tượng “Người được cất lên ngay trước mắt các ông” (Cv 1,9). Chính Đức Giêsu đã kể lại nhiều “bằng chứng” Người đã sống lại cho những người sẽ được gọi làm chứng cho sự kiện ấy, nhưng giờ đây Người phải cho các môn đệ biết mục đích cuối cùng của sự Phục sinh. Qua cảnh tượng được cất lên trời trong lần hiện ra cuối cùng này, Chúa mạc khải cho họ thấy ý nghĩa của chính cuộc đời Người: vốn từ Chúa Cha mà đến, Người lại trở về với Chúa Cha, Người đi dọn chỗ chúng ta, để Người ở đâu chúng ta cũng ở đó (Ga 14,2-3).
Mỗi Kitô hữu cũng đặt trên nền tảng mà các Tông đồ đã trao lại cho hậu thế. Những lời chứng này được thiết lập trên tình yêu, sự hiệp nhất trong đức tin... là mỗi khi chúng ta để cho Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đời mình.
Tin Mừng là hạt giống được gieo vào thế giới và đến thời đến buổi sẽ nảy mầm trong lĩnh vực hoạt động của con người. Tin Mừng phải được loan báo cho toàn thể thụ tạo (x. Mc 16,15) qua mọi hoạt động của những người được đổi mới nhờ phép Thánh Tẩy. Họ là nắm men sẽ làm thay đổi lịch sử loài người.
Vào ngày sống lại, bản tính nhân lại của Đức Giêsu đã bắt đầu tham dự trọn vẹn vào vinh quang Thiên Chúa. Người kêu gọi chúng ta tin vào Danh Người, nghĩa là tin vào quyền năng thần linh Người vừa nhận được. Danh xưng, đối với người Do Thái, chỉ sự hiện diện sống động của Thiên Chúa. Vì thế, họ có thể nói lên sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa trong thế giới mà không quên lãng sự cao cả của Người.
Đức Giêsu là Chúa và bắt đầu điều khiển lịch sử loài người cũng như hành trình của mỗi người chúng ta đến với Người. Các Tông đồ được sai đi khắp thế gian để chữa lành và để thánh hóa thế gian. Mục đích của việc loan báo Tin Mừng là qui tụ muôn loài thụ tạo chung quanh Con Thiên Chúa xuống thế làm người, nhờ tác động của Thần Khí.
Những ai không tin, tự mỗi người sẽ phải trả lẽ về các hành vi tốt xấu của mình. Còn ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ, nghĩa là được hưởng các ân huệ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ con của Người là Đức Giêsu. Họ sẽ được tham dự vào sứ mạng của dân Thiên Chúa trong lịch sử, một công trình cứu độ vừa mầu nhiệm vừa vĩ đại. Và thánh Gioan đã nói: “Người tin thì thắng thế gian” (1Ga 5,4), nghĩa là người ấy vượt lên những sai lầm trong cuộc sống,thắng nỗi sợ hãi và gạt qua một bên các lí luận của mình để phó thác mình trong tay Thiên Chúa.
Đức Giêsu lên trời. Các môn đệ ra đi rao giảng khắp nơi, các ngài ra đi mà không được trang bị bằng kiến thức và khả năng hùng biện. Nhưng các ngài có Đức Giêsu ở cùng, nâng đỡ, xác nhận bằng các dấu lạ. Mỗi ngày sống của ta phải ý thức là luôn có Chúa hiện diện, có Chúa cùng đồng hành, có Chúa cùng rảo bước bên cạnh.