Cuộc sống chúng ta hôm nay, khi một xã hội phát triển, đời sống con người đi lên, thì có rất nhiều cám dỗ làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa, không muốn tìm kiếm Ngài, chỉ muốn sống làm sao cho thật sung túc, kiếm sao cho nhiều tiền để hưởng thụ. Nhiều khi chúng ta ngần ngại phải tới nhà thờ, gặp gỡ, nói chuyện với Chúa, cảm ơn Chúa vì mọi ơn Người đã ban cho ta bằng của ăn quý giá đó là Mình và Máu Thánh Ngài; thay vào đó chúng ta ở nhà xem phim, nói chuyện điện thoại, lướt web...
Bí tích Thánh Thể chính Đức Chúa Giêsu đã thiết lập để tiếp tục lễ hy sinh của Ngài trên Thập giá, và để ban Mình Máu Chúa hiện diện trong hình bánh rượu, làm của ăn, của uống nuôi sống linh hồn chúng ta mỗi ngày. Đây là quà tặng mà con người lãnh nhận nơi Thiên Chúa, chính vì tình yêu của Ngài khiến cho thực phẩm bình thường trở nên có giá trị vĩnh cửu mà mỗi người đang đón nhận ngày hôm nay. Sự dâng hiến đó chính là đỉnh điểm cao trọng nhất của Kitô giáo và là điểm chính yếu của công trình cứu rỗi nơi Người. Chính nơi đây, Thiên Chúa được dâng hiến trên Thánh giá và trong phép Thánh Thể. Vậy, tại sao trong cuộc sống chúng ta thờ ơ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể? Tại sao chúng ta lại xem Ngài như một người xa lạ, muốn thì đến không thì thôi?
Để hiểu được tình yêu Thiên Chúa, diễn tiến bài đọc thứ nhất trong sách Xuất hành cho chúng ta thấy được Thiên Chúa hứa sẽ che chở cho dân; ngược lại dân hứa sẽ trung thành với Thiên Chúa, họ nói: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” ( Xh 24,3). Để giao ước có giá trị, ông Môsê đã giết bò, rảy máu trên bàn thờ, tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, lấy máu rảy trên dân ông nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24,8). Bí tích Mình Máu Thánh Chúa để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta mỗi ngày. Khi chúng ta đến với bí tích Thánh Thể, hãy kiên nhẫn và dâng hiến cuộc đời cho Chúa, bởi qua bí tích Thánh Thể dạy ta sự khiêm tốn, biết từ bỏ những đam mê hạ giới, biết hy sinh thân mình cho anh chị em và cho tha nhân.
Với bài Tin Mừng hôm nay, trước ngày chịu khổ nạn, Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt qua của người Dothái, trước khi Ngài hiến mình chịu chết để lập nên giao ước mới giao hòa với Thiên Chúa Cha và cứu chuộc muôn dân. Tuần lễ không men để người Dothái kỷ niệm lại cuộc giải phóng, và biến cố Xuất hành vượt qua cảnh lưu đày ở Aicập. Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy đây là mình Thầy” … cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho mọi người, nói lên sự liên kết gia đình huynh đệ, Chúa Giêsu đã ý thức về giá trị lễ hy sinh Thánh giá của mình, cái chết của Ngài sẽ đem lại ơn tha tội cho thế nhân “Người cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: Đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Máu lập giao ước trong cựu ước, máu này được dùng để chỉ về giao ước, cụ thể là nơi Môsê (x. Xh 24,3-8) và nay Máu Chúa Giêsu đổ ra để lập nên một giao ước mới, thiết lập một dân mới là Giáo hội.
Qua đó, với ý nghĩa của ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa cho chúng ta có những suy nghĩ rằng: Chúa lập bí tích Thánh Thể để cho mọi người, qua mọi thời được giao hòa với Thiên Chúa, được có của lễ dâng lên trời cao, có lương thực nuôi tâm hồn trên hành trình trần gian và có nhiều mẫu gương sống vì mọi người và sống cho mọi người. Giáo hội trải qua nhiều thế kỷ đã rất trân trọng món quà ý nghĩa này, hơn thế nữa Chúa còn mời gọi mỗi người chúng ta là trở nên hiến lễ để dâng cho mọi người, có như vậy chúng ta mới xứng đáng là “Con Thiên Chúa” (Mt 5,9).
Chúa Giêsu là tấm bánh được bẻ ra cho muôn người, nhờ đó chúng ta được tha tội và được kết hợp mật thiết với Người. “Cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14,25) rượu mới là rượu của tình yêu, giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau, muôn đời tươi trẻ là được trở nên hạnh phúc, rượu của niềm vui mà Thiên Chúa ban, một niềm vui mà mắt chưa từng thấy, tai chưa hề nghe, trái tim chư hề thưởng thức. Nói khác đi, Chúa dùng hình ảnh bữa rượu mới để nói về thế giới toàn phúc, nơi đợi chờ các môn đệ của Ngài và đây cũng là ý nghĩa của ngày cuối cùng mà tất cả mọi người phải ra trình diện trước mặt Thiên Chúa, và nước Thiên Chúa ở đây trong bữa tiệc Cánh Chung (Is 25,6; Lc 13,28). Trong đó, những người được tuyển chọn sẽ quây quần bên các Tổ Phụ, Tiên Tri, ngược lại những kẻ chối từ Chúa thì sẽ không bao giờ được dự bữa tiệc này.
Ước gì, qua bài Tin Mừng hôm nay, lời Chúa thúc đẩy chúng ta luôn ý thức được mỗi khi đón rước Mình và Máu Thánh Chúa là chúng ta được đón nhận trọn vẹn Ngôi Hai ngự trong thân xác mình, nhằm giúp thanh tẩy những gì là hèn yếu, nhơ nhớp. Từ đó, mỗi người biết từ bỏ những ý riêng, siêng năng tới nhà thờ, xưng tội để lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa mỗi ngày, để chúng ta biết sống xác tín hơn vào con đường mình đã chọn. Hơn nữa, chúng ta luôn sống để trở nên tấm bánh tình yêu bẻ ra và trao ban cho muôn người, nhờ đó chúng ta sống xứng đáng để phụng thờ Thiên Chúa và biết yêu thương, phục vụ anh chị em đồng loại qua lời mời gọi của bài đọc thứ hai trích sách Hípri: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Hr 9,14).
Tu sĩ Gioan Baotixita Maria Lê Văn Dũng