Suy niệm
Tiền bạc và vấn đề công bằng xã hội luôn được con người quan tâm. Sống trong xã hội, theo những cơ chế nhất định, con người phải tuân theo các luật lệ khác nhau, trong đó việc nộp sưu nộp thuế thì thời nào cũng có. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy các người biệt phái và nhóm Hêrôđê đã dùng việc nộp thuế để hầu bắt bẻ Chúa Giêsu.
Các biệt phái và những người đứng đầu dân Do Thái liên kết với nhau, để đến chất vấn và tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu và lời giảng dạy của Người trong vấn đề tôn giáo, nhất là về quan điểm của Người. Họ thất bại nhiều lần rồi, nay họ định lập mưu để đưa Người vào tội chính trị khi phỏng vấn Chúa Giêsu về quan điểm của Người trong việc nộp thuế cho hoàng đế Lamã.
Một số người thuộc nhóm biệt phái và Pharisêu liên kết với nhóm Hêrôđê để tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu, hầu có thể tìm ra bằng cớ tố cáo chống lại Người. Nhưng Người không mắc bẫy của họ, mà còn giúp họ ý thức bổn phận sống tốt đạo, đẹp đời, vừa tôn trọng thế quyền lại vừa tôn trọng thần quyền.
“Vậy xin thầy cho biết ý kiến : có được phép nộp thuế cho Xêda hay không ?”: Họ xin Đức Giêsu cho ý kiến để giải quyết một vấn đề phức tạp mà nhóm Pharisêu và Hêrôđê bất đồng ý kiến với nhau. “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không ?”câu này có nghĩa là người Do-thái theo lương tâm có được nộp thuế cho hoàng đế Xêda vừa là dân ngoại, vừa là vua của đế quốc đang thống trị dân Do-thái hay không ?
Như vậy vấn đề nộp thuế được đặt trên bình diện chính trị. Đây chính là cái bẫy mà theo thâm ý của họ thì Đức Giêsu trả lời đằng nào cũng không ổn : Nếu bảo phải nộp thuế, thì sẽ tố cáo Người là kẻ phản quốc và chắc chắn không phải là Đấng Thiên Sai mà dân Do-thái đang mong đợi, để giải phóng dân khỏi ách thống trị của dân ngoại. Ngược lại, nếu bảo không nộp thuế, thì phái Hêrôđê dựa vào đó để tố cáo với tổng trấn Rôma rằng Đức Giêsu là kẻ phản động, đang âm mưu chống lại chính quyền Rôma, xúi dục dân không nộp thuế, để tổng trấn ra lệnh bắt Người.
Câu trả lời của Chúa Giêsu làm cho những người đến chất vấn Người phải kinh ngạc và khâm phục.
Trước hết Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của họ khi nói “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình !”. Sau đó, Người đòi họ đưa ra đồng tiền nộp thuế. Đồng tiền này bằng bạc, trên có khắc hình và tên hiệu của Xêda là Hoàng đế Roma. Khi được hỏi hình và tên hiệu là của ai, họ thưa : “Của Xêda” dĩ nhiên Chúa Giêsu đã biết rõ hình đó là của ai, nhưng Người muốn chính miệng họ nói ra điều đó, để cho họ thấy : một khi họ chấp nhận sử dụng đồng tiền của Roma, tức là họ mặc nhiên công nhận sự cai trị của Xêda và coi ông là Hoàng đế của mình.
Khi suy niệm về bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ đến câu chuyện suy tư này: Khi đến viện bảo tàng Manchester bên nước Anh, và đi thăm khu vực trưng bày các loại đồng tiền cổ từ thời đế quốc Rôma, bạn có thể tìm thấy loại đồng tiền Denarius bằng bạc, trên đó có đúc niên biểu và hình của hoàng đế Rôma. Quan tiền này được lưu hành trong nước Do-thái vào thời Đức Giêsu. Trong lúc cầm quan tiền trên tay và lật qua lật lại, bạn có thể liên tưởng đến dụ ngôn người Samari ngoại đạo, đã đưa cho chủ quán hai quan tiền như thế, để nhờ chăm sóc một người Do-thái bị bọn cướp trấn lột và đánh trọng thương. Bạn cũng có thể liên tưởng đến dụ ngôn các thợ làm vườn nho trong Tin Mừng Matthêu. Ông chủ đã trả lương cho mỗi người thợ làm vườn một quan tiền như đồng bạc đó. Nhất là bạn có thể liên tưởng đến quan tiền mà Đức Giêsu đã dùng để trả lời cho hai nhóm Pharisêu và Hêrôđê liên minh với nhau gài bẫy Người. Trên quan tiền này, bạn chăm chú nhìn vào khuôn mặt của vị Xêda là Tiberiut đang cai trị đế quốc Rôma vào thời Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng. Một sau của đồng bạc là hình bà Livia, mẹ của vua Tiberiut. Bà đang ngồi, cầm một cành cây ôliva trên tay, tượng trưng cho hoà bình.
Bài học áp dụng
Hãy luôn nhớ sự công bằng và ngay chính: “Của Xêda, trả về Xêda ; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”. Hãy luôn ý thức rằng: Tôi phải chu toàn bổn phận mến Chúa yêu người như gương Thầy Giêsu.