Suy niệm Lời Chúa
Trong khi giảng về thời cánh chung (Mt 24, 1 – 25, 46 ) Đức Giêsu đã nhắc nhở người ta phải tỉnh thức trước “ngày giờ không biết”.
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại lời cảnh báo “hãy tỉnh thức” và “hãy chuẩn bị sẵn sàng” của Đức Giêsu đối với dân chúng. Đồng thời Người cũng trưng ra cho họ thấy hai mẫu đầy tớ, một trung tín và một bất trung đối với chủ mình.
“Anh em phải canh thức ... nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã thức ...” Ngày giờ Chúa đến với mỗi người, cụ thể là đến lần cuối cùng trong giờ chết, mang tính bất ngờ như kẻ trộm đêm khuya. Bởi vậy, Đức Giêsu nhắc nhở người ta phải luôn tỉnh thức trước biến cố ấy. tỉnh thức để khi sự việc thình lình xảy ra, ta đã đang trong tình trạng sẵn sàng vì đã tỉnh thức chuẩn bị sự chu đáo.
“Chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến” Thiên Chúa không hề có ý chơi khăm chúng ta để chỉ nhăm nhe lúc ta chẳng ngờ mà đến. Nhưng trong ý định quan phòng tình thương của Người, Người xếp đặt ngày giờ viếng thăm không ngờ không ngoài mục đích để ta khỏi chểnh mảng, lơ là vào giờ mình được viếng thăm và được giải thoát. Một khi tỉnh thức trông chờ ngày giờ của Chúa, ta sẽ tự mình thấy được giá trị cao quí của giờ Thiên Chúa đến cứu độ ta.
“Phúc cho đầy tớ nào nếu chủ về mà thấy đang làm như vậy” Đây là mẫu đầy tớ trung tín thứ nhất được chủ khen. Anh ta đang trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng với những công việc bổn phận khi chủ trở về. Vẫn tín trung trong từng việc mà chủ giao phó : coi sóc gia nhân, cấp phát lương thực đúng giờ.
“Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng : còn lâu chủ mới về, thế rồi hắn ...” Đây là mẫu đầy tớ bất trung thứ hai gây phật ý chủ. Anh ta tỉnh thức theo kiểu tính toán cơ hội, lựa lúc lựa thời. Anh ta không đặt mình trong tình trạng luôn trung tín, sẵn sàng. Bởi thế anh ta đã không sẵn sàng và tỉnh thức để có thể chuẩn bị cho kịp truớc biến cố chủ về bất ngờ. Sự bất ngờ đã vạch trần lối sống tính toan khôn ranh của anh. Anh phải tự gánh lấy hậu quả nặng nề.
Lời tự nhủ “chủ ta còn lâu mới về” đã ru ngủ cùng làm bao người lầm lạc, để rồi sau cùng trở tay chẳng kịp. Phần tôi, tôi luôn luôn cảnh giác hay cứ yên lòng yên trí với lời ấy ?
Trước mặt Chúa, giờ này, tôi đang trong tình trạng của người đầy tớ tín trung hay tên đầy tớ thất tín ?
Tôi đã, đang, và sẽ quyết tâm làm gì để thoát khỏi những cơn mê đời hầu tỉnh thức và sẵn sàng cho giờ của Chúa ?
Một câu chuyện minh hoạ : Có ba con quỉ học việc đến trần gian tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỉ về những kế hoạch cám dỗ loài người. Con quỉ thứ nhất nói : tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa, chẳng có Thiên đàng. Con quỉ thứ hai nói : tôi sẽ bảo với họ rằng không có hoả ngục. Satan trả lời : mi sẽ không lừa dối ai được bằng cách đó vì cho đến bây giờ người ta vẫn còn tin những sự ấy. Con quỉ thứ ba nói : tôi sẽ bảo với loài người rằng: có Thiên đàng, có hoả ngục, nhưng đừng vội vã mà làm gì vì mình còn nhiều thời gian. Satan đáp lại : quả là hay ! đi đi, mày sẽ làm hại khối người bằng cách đó.
Cuộc viếng thăm sau cùng của Chúa và ngày giờ không biết của Người sẽ mang lại hai kết quả hoàn toàn trái ngược nhau, tuỳ thuộc vào chúng ta. Nếu người đến khi ta đang tỉnh thức : thật phúc ! Trái lại, nếu Người thăm khi ta chưa kịp chuẩn bị : đại hoạ ! bởi đó, ta tính sao đây ?
“Xin dạy chúng con biết tính sổ ngày đời chúng con,
(TV 89, 12)