Suy tư - Chia sẻ

Tự do trong thần khí

Cập nhật lúc 10:06 27/06/2016
Tự do là một đặc tính mà con người ngày nay đang quan tâm. Họ đề cao tự do, đặc biệt là tự do cá nhân, như một quyền lợi bất khả xâm phạm; và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
Không phải đến ngày nay tự do mới được ban cho con người; ngay từ đầu, khi mới tạo dựng con người Thiên Chúa đã ban cho con người quyền tự do và luôn tôn trọng tự do của con người. Con người có thể sử dụng tự do đó để có thể chống lại Thiên Chúa (và thực tế đã xảy ra như vậy), trái lại con người có thể dùng tự do đó để đạt được nguồn hạnh phúc mà Thiên Chúa đã hứa ban.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nhấn mạnh đến tự do. Tự do không theo nghĩa là làm theo sở thích nhưng để đạt được hạnh phúc, vì vậy cần biết sử dụng đúng tự do mà Thiên Chúa ban cho. Tự do đó phải được đặt trong mối liên hệ với Thần Khí; chỉ khi tự do trong Thần Khí ta mới lắng nghe tiếng Chúa nói, và chỉ tự do trong Thần Khí ta mới đạt được hạnh phúc đích thực.
I. TỰ DO ĐỂ NHẬN RA TIẾNG CHÚA
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đặt để trong mỗi người khả năng lắng nghe tiếng của Ngài mà ta thường gọi là lương tâm. Lương tâm là ân huệ Thiên Chúa ban cho mỗi người để nhận biết tiếng Chúa mách bảo. Nhưng làm cách nào để lương tâm nhận ra tiếng Chúa? Bởi vì không ít trường hợp đã làm điều sai, dù lương tâm đã lên tiếng. Thiết nghĩ để lắng nghe và làm theo tiếng nói lương tâm phải được thực hiện trong tự do theo Thần Khí. Một khi quyết định sự việc trong tự do theo Thần Khí, chúng ta dễ dàng nhận biết tiếng Chúa.
Bài đọc I cho ta một kinh nghiệm đó. Việc lựa chọn ngôn sứ kế cận không được diễn ra cách “hoành tráng” nhưng lại xảy đến với một hành động nhẹ nhàng, thậm chí trông có vẻ khác lạ. Ngôn sứ Êlia sau khi phụng lệnh Đức Chúa đã đến tấn phong cho Êlisa để ông trở nên ngôn sứ. Nhưng cách “tấn phong” của Êlia đối với Êlisa rất lạ lùng. Việc chọn Êlisa làm ngôn sứ bằng cách ném chiếc áo lên người ông. Và sau khi nhận được áo choàng từ Êlia, Êlisa đã hiểu được mình đã được chọn làm ngôn sứ.
Làm thế nào mà Êlisa có thể nhận ra mình được chọn qua hành động có vẻ rất tầm thường như thế? Tất cả hệ tại nơi việc ông có đời sống gắn bó với Chúa. Người sống trong mối tương quan với Thiên Chúa, thì dù là một cử chỉ nhỏ cũng nhận ra điều Chúa muốn nói. Một hành động tưởng chừng chẳng có gì nhưng lại là một dấu chỉ cho thấy Êlisa được mời gọi. Việc tấn phong cho Êlisa được đặt trong khung cảnh tự do, nghĩa là hành động ném áo của Êlia là lời mời gọi ông đáp lại việc Thiên Chúa chọn ông. Hành động từ bỏ của Êlisa chứng tỏ ông hoàn toàn tự do quyết định. Chỉ khi nào sống trong mối tương quan với Thiên Chúa ta mới dễ dàng nhận ra tiếng Chúa và mau mắn đáp lại trong tự do.
Bài Tin Mừng của Luca hôm nay cũng nói lên chiều kích tự do theo Thần Khí của Đức Giêsu. Tin Mừng viết: “Người nhất quyết đi lên Giêrusalem”. Việc Đức Giêsu xuống thế làm người là để cứu độ con người. Lên Giêrusalem là để thực hiện kế hoạch cứu độ. Thế nhưng, Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của Đức Giêsu. Ngài có thể sử dụng tự do của mình để không lên Giêrusalem, nói đúng hơn là sử dụng tự do để không hoàn thành chương trình Thiên Chúa đã đặt ra. Nhưng Đức Giêsu lại cương quyết lên Giêrusalem, nơi mà Ngài sẽ phải chịu cực hình và bị giết chết. Biết trước cái chết bi thảm nhưng Ngài vẫn quyết định đi Giêrusalem. Chính mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa đã đưa Ngài tới việc chọn lựa lên Giêrusalem. Ngài là Thiên Chúa và là con người nhưng Ngài ý thức sự nặng nề của thân phận cát bụi nên Ngài luôn kết hợp với Thiên Chúa trong cầu nguyện hầu nhận ra tiếng Chúa Cha.
Mỗi người tín hữu đều được Thiên Chúa mời gọi cách này hay cách khác theo bậc sống của mỗi người, điều quan trọng là mối dây liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa như thế nào! Nếu chúng ta liên kết mật thiết với Thiên Chúa, luôn ở lại trong ân sủng của Ngài, chúng ta dễ dàng nhận ra tiếng Chúa và đưa ra những quyết định hợp với thánh ý Ngài. Nhưng nếu chúng ta sống theo bản năng, theo sở thích chúng ta dễ đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ lầm đường lạc lối như hai người con ông Dêbêđê (Tin Mừng). Vì thế, đời sống kết hợp với Thiên Chúa chính là con đường dẫn ta tới tự do đích thực, tự do trong Thần Khí.
II. TỰ DO TRONG THẦN KHÍ
Tự do đã được ban cho con người khi mới tạo thiên lập địa, cũng chính sử dụng tự do cách sai trái mà con người đã đánh mất tự do trong thời gian dài, phải sống nô lệ cho các đam mê. Thiên Chúa không muốn con người bị đày đọa nên đã xuống thế để giải thoát con người khỏi gông cùm tội lỗi. Một trong những ân ban của Thiên Chúa là đem lại tự do nguyên thủy cho con người, để nhờ tự do đó mà con người hướng về Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 đã nhấn mạnh điều đó: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”.
Tự do mà Đức Kitô đem lại không như tự do mà con người ngày nay hiểu. Họ cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm, miễn là theo sở thích của mình. Tự do mà Đức Kitô mang lại chính là tự do mà Thiên Chúa đã tặng ban từ lúc nguyên thủy; nghĩa là tự do trong tương quan với Thiên Chúa. Một khi đặt để tự do của mình trong tương quan với Thiên Chúa là lúc chúng ta sử dụng hiệu quả ân ban Thiên Chúa tặng ban. Cũng vì sống trong tương quan với Thiên Chúa mà mỗi người dễ dàng sống theo Thần Khí để dẫn chúng ta tới bến bờ hạnh phúc. Thánh Phaolô nhấn mạnh “chúng ta được mời gọi là để hưởng tự do”(bài đọc 2).
Chúng ta được mời gọi ngang qua Bí tích Thánh tẩy. Khi lãnh nhận phép Thánh tẩy là lúc Thiên Chúa mời gọi mỗi người đến để thụ hưởng tự do mà chính Đức Kitô đã mang lại. Thánh Phaolô đã khuyến cáo là hãy dùng tự do đó để phụng thờ Thiên Chúa chứ không làm theo tính xác thịt. Với bản tính yếu đuối của con người, chúng ta rất dễ dùng tự do để làm theo bản tính tự nhiên của mình, và như thế là ta sẽ sống tự do theo tính xác thịt; mà sống theo xác thịt dẫn ta xa lìa đường lối Thiên Chúa. Vì thế, thánh nhân mời gọi hãy sống theo Thần Khí. Sống theo Thần Khí là biết lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa ngang qua Lời Chúa, qua các bí tích… Sống theo Thần Khí, giúp chúng ta bước đi theo Chúa với tâm hồn thanh thản dù phải đối diện với những thử thách, thiếu thốn.
Ba hình ảnh trong Tin Mừng thuật lại cho ta thấy những điều kiện cần đáp ứng cho việc đi theo Chúa của con người hôm nay. Đi theo Chúa phải bảo đảm những nhu cầu thiết yếu, nơi ăn chốn ở; hay đi theo Chúa mà lòng còn bịn rịn với gia đình hay quá khứ. Sống theo Thần Khí là bước đi trên con đường của Chúa mời gọi với tâm hồn tín thác, không đặt nặng nhu cầu vật chất, sẵn sàng lên đường để hướng về tương lai.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết sử dụng tự do mà Thiên Chúa ban cách đúng đắn, đừng sử dụng tự do để thỏa mãn tính xác thịt, đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa. Nhưng hãy biết dùng tự do như bước đệm tiến về quê hương đích thực. Để sử dụng tự do theo ý muốn Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cần biết lắng nghe Thần Khí Chúa, chính Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta làm thế nào để đi trong đường lối của Thiên Chúa; và chính Thần Khí sẽ giúp ta biết nhận ra đâu là tự do với những dấu chỉ mà Thiên Chúa mời gọi.
 
J.B. Nguyễn Cường
Thông tin khác:
Trao tác vụ yêu thương (23/06/2016)
Thầy là ai? (19/06/2016)
Một Chúa ba ngôi (21/05/2016)
Hãy nhận lấy Thánh Thần (14/05/2016)
Trước làn sóng khủng bố (04/12/2015)
Đi tới mục vụ của tình thương (30/11/2015)
Vị vua đã cúi xuống phục vụ nhân loại (25/11/2015)
Năm lòng Chúa thương xót và sứ điệp về thời gian (23/11/2015)
Lời Ngài còn mãi (19/11/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log