1. Càng già yếu, tôi càng nhớ về quá khứ. Quá khứ mà tôi nhớ nhiều nhất là những con người đã đào tạo tôi. Những con người đã đào tạo tôi là một số đông không kể xiết. Hầu hết thuộc số đông đó đã chết rồi. Nhưng tất cả đều vẫn sống trong tôi.
2. Ở đây, tôi chỉ xin nhắc tới một người, người đó đã đào tạo tôi, để 44 năm đời Giám mục của tôi, tới giờ này, vẫn là một hành trình tạ ơn và tín thác, trở về với Chúa. Người đó là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài là người cha yêu dấu của tôi. Xin được nói rất vắn gọn về ngài.
3. Ngài đào tạo tôi bằng cách nêu gương sáng qua mọi tiếp xúc của ngài đối với tôi. Các gương đó đều rất sáng ở sự nhạy bén.
Tôi học được ở những nhạy bén của ngài vẻ đẹp dẫn tới Chúa Giêsu. Chỉ xin nói về ba vẻ đẹp.
4. Vẻ đẹp thứ nhất là tâm tình cảm ơn.
Lần nào gặp ngài, tôi cũng đều được nghe ngài nói lời cảm ơn tôi. Ngài cảm ơn tôi, vì đã tới thăm ngài, đã nâng đỡ ngài. Lời cảm ơn của ngài toát ra một tình thương đầy khiêm nhường và tha thiết của người cha đợi chờ. Rất tư riêng. Rất hồn nhiên. Không chút nào vướng vào hình thức, mà chỉ là sự thực yêu thương.
5. Vẻ đẹp thứ hai là tâm tình xin lỗi.
Rất nhiều lần, tôi phải ngồi chờ ở phòng đợi. Tôi không chút ngạc nhiên, vì biết ngài quá bận. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là sau đó, chính ngài đi tới phòng đợi, và khi tôi chưa kịp nói gì, thì ngài đã nói trước. Lời đó là lời ngài xin lỗi tôi.
Sự khiêm tốn đầy yêu thương của ngài làm tôi xúc động. Tôi nhớ tới Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường.
6. Tiện đây cũng xin nói ngay là ngài không hề bao giờ đã có lời nào khiển trách tôi, hay là khuyên dạy tôi phải làm thế này thế nọ. Trái lại chính ngài lại lên tiếng xin lỗi tôi, đang khi thực sự đâu ngài có lỗi gì với tôi. Chính vì sự khiêm tốn đó của ngài đã đào tạo tôi một cách lạ lùng. Sự khiêm tốn đó, dù được thực hiện nhiều lần, thì lần nào cũng có một vẻ đẹp mới, chứ không hề là một hình thức xã giao. Ngài thích lắng nghe hơn là nói.
7. Vẻ đẹp thứ ba là tâm tình cảm thương.
Mỗi lần gặp Đức Gioan Phaolô II, tôi cảm thấy như ngài đã rất quen biết tôi từ lâu. Sự bén nhạy của ngài thật tuyệt vời khôn tả. Vừa nhìn thấy tôi, cho dù tôi đứng giữa đám đông, ngài vẫn như đọc được nơi tôi nỗi đau khổ riêng tư của tôi.
8. Có lần, sau khi đã từ biệt tôi, nhưng đi được một quãng xa, ngài lại quay nhìn lại tôi, và có lần ngài đi trở lại gặp tôi. Chỉ để cho tôi hiểu là ngài cảm thương tôi. Tôi nhận ra điều này: Ngài đau cái đau của tôi một cách mạnh mẽ, như một người cha, người mẹ.
Cảm thương của ngài là một bài học đã đào tạo tôi, để bất cứ trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn gần gũi được những người Chúa trao phó cho tôi.
9. Ngay chính trong thời gian già yếu này, tôi như mất hầu hết khả năng phục vụ, nhưng theo gương Đức Gioan Phaolô II, tâm tình cảm thương vẫn mở ra cho tôi những lối tìm được niềm vui chia sẻ. Biết đau cái đau của người khác, đó là một ơn đặc biệt Chúa ban cho những kẻ Chúa thương yêu đặc biệt.
10. Với những gì tôi vừa chia sẻ, tôi đang coi đó là một hành trình đi về với Chúa.
11. Thực ra, tôi đang trên đường trở về với Chúa. Vừa đi vừa tạ ơn và tín thác. Tôi coi mỗi ngày của tôi là một khúc tình ca, vừa nghẹn ngào, vừa hy vọng, vừa khát vọng, vừa tin tưởng, vừa yêu mến thiết tha. Thiết tưởng đó cũng là một cách sám hối.
12. Cách riêng, tôi tạ ơn Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã đào tạo tôi qua gương sáng đầy nhạy bén của ngài.
Ngài hay nhắc tôi về Đức Mẹ.
Ngài cho tôi Thánh giá của ngài, tràng hạt mân côi của ngài, chiếc đồng hồ đeo tay của ngài. Nhất là ngài cho tôi gương sáng của ngài.
13. Nhớ về quá khứ, tôi đang thu gọn lại hành trang cuộc đời. Chỉ mang những gì là cần thiết nhất.
14. Chính lúc này, tôi đang thấy: Tâm tình cảm tạ, tâm tình xin lỗi, tâm tình cảm thương đang là những bông hoa thiêng liêng hé nở trong nhiều tâm hồn tại Việt Nam hôm nay. Những bông hoa thiêng liêng đó mang sứ điệp của lòng thương xót Chúa. Ai có những bông hoa đó trong lòng mình sẽ được Thiên Chúa xót thương cứu độ.