Tin tức - Hoạt động

Cách mạng tháng Tám với người Công giáo Việt Nam

Cập nhật lúc 08:59 20/08/2015
Theo hồi ký của linh mục Lorensô Phạm Hân Quynh (Hải Phòng), ngay sau khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945 thành công ở Hà Nội, ngày 22-8 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà thờ Lớn Hà Nội
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội đại biểu những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hòa bình, tháng 3/1955 (Ảnh TL)
Theo hồi ký của linh mục Lorensô Phạm Hân Quynh (Hải Phòng), ngay sau khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945 thành công ở Hà Nội, ngày 22-8 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà thờ Lớn Hà Nội, thấy các linh mục, chủng sinh đang chuẩn bị cờ, hoa trang trí nhà thờ, Người hỏi: các thày chuẩn bị mừng sự kiện gì đó? Linh mục Quynh lúc đó là chủng sinh mau mắn đáp: Thưa Ngài, chúng tôi đang chuẩn bị mừng lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam vào ngày 2-9 sắp tới. Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ một lúc rồi nói: Tôi sẽ làm cho ngày đó thêm ý nghĩa nữa. Có lẽ, ý tưởng đó đã đưa đến Người chọn ngày 2-9 là ngày Tuyên bố độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày đó thật ý nghĩa mà chính các Giám mục Việt Nam trong thư gửi Đức Piô XII và Tòa thánh đề nghị ủng hộ nền độc lập của Việt Nam đã khen ngợi:
   “Nhân dân Việt Nam yêu quý của chúng con muốn nhờ trung gian 4 vị Giá mục của họ, dâng lên Đức Thánh Cha lòng tôn kính sâu xa và xin Đức Thánh Cha ban phúc lành, tỏ lòng rộng lượng và cầu nguyện cho nền độc lập mà nhân dân chúng con mới giành được và quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá. Chính phủ chúng con đã ra một nghị quyết tốt đẹp và nhân ái chọn ngày Quốc khánh cho cả nước trùng với lễ kính các vị tử đạo Việt Nam mà Tòa thánh mới cho phép mừng vào ngày chủ nhật đầu tháng 9. Toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo, mừng lễ này với một tinh thần yêu nước chân thành và nồng nhiệt chưa từng có, với những cuộc biểu tình to lớn và náo nức, tỏ ra cho thấy toàn dân quyết tâm bảo vệ chính quyền của mình, dẫu có phải đổ máu”.
   Lá thư này cùng với lá thư gửi Kitô hữu trên toàn thế giới có chữ ký của cả 4 Giám mục người Việt lúc đó đã thể hiện lòng yêu nước của người Công giáo Việt Nam với cách mạng tháng Tám và độc lập của nước Việt Nam mới.
   Trong cuốn hồi ký “Những câu chuyện về một thời” phổ biến năm 2007 của Đức Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng cũng có ghi lại trong tập 2, tr.118:
   “Lễ các Thánh tử đạo và mừng độc lập được cử hành hết sức trọng thể ở Nhà thờ lớn Hà Nội. Có mặt ông Võ Nguyên Giáp, được coi như người nhất nhì lúc ấy sau ông Hồ Chí Minh cũng đến dự với tư cách người đại diện chính quyền lúc đó và trên gian cung thánh nhà thờ như các quan toàn quyền người Pháp khi trước và ông còn tỏ thái độ, cử chỉ như một tín hữu như một tín hữu sùng đạo là khác. Và sau đó lễ còn được tổ chức ở nhiều nơi để mừng độc lập, đặ biệt là ngay giữa chợ Ước Lễ, thuộc khu vực cha Hồng, chính xứ Kẻ Trừ, do cha Bằng ở họ Bến Cát, họ trực thuộc xứ Cửa Bắc về tổ chức”.
   Trước cách mạng tháng Tám, nhiều người Công giáo đã tham gia các tổ chức yêu nước như Duy Tân, Việt Nam quang phục hội hay những nhóm nghĩa quân khởi nghĩa đánh Pháp và không ít người đã bị kết án tử hình, bị bắt đưa đày Côn Đảo như các linh mục Nguyễn Thần Đồng, Đậu Quang Lĩnh và có người đã chết ở nhà tù này như linh mục Nguyễn Văn Tường (1852-1917) của giáo phận Vinh. Trước đây thánh nhạc từ ca từ đến giai điệu đều là ở nước ngoài đưa vào thì trước ngày cách mạng tháng 8-1945, vào tháng 7-1945, những nhạc sĩ Công giáo như Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên, Tâm Bảo… đã họp nhau tại phố Phủ Doãn (Hà Nội) để lập ra một nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh với chủ trương: “Về nội dung: Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc, về nghệ thuật: lấy dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh”. Đây thật là cuộc cách mạng về thánh nhạc Công giáo vì đã thực sự gắn bó với văn hóa và dân tộc Việt Nam.
Ngay trong ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, người Công giáo đã bằng nhiều cách để biểu thị lòng yêu nước. Mặc dù bị Bề trên là các giáo sĩ người nước ngoài cấm đoán, nhưng 200 chủng sinh trường Xuân Bích vẫn tập hợp để biểu tình ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh mà về sau một số đã bị đuổi học như linh mục Đỗ Tông, Thiếu tướng Trần Tử Bình…Thiết kế lễ đài là họa sĩ người Công giáo Lê Văn Đệ và chỉ huy đoàn quân nhạc cử bài “Tiến quân ca” hôm đó cũng là nhạc sĩ Công giáo Điinh Ngọc Liên. Nhiều Tòa Giám mục như Hà Nội, Thái Bình tu sĩ, linh mục đã tập trung hô to các khẩu hiệu: “Các giáo sĩ nước ngoài hãy về nước, giáo hội Việt Nam để cho người Việt Nam”. Ngay lập tức những nơi này phải thay vị Tổng đại diện là lih mục người Việt.
   Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời bị các thế lực giặc trong thù ngoài vây phá. Người Công giáo cả nước đã thể hiện quyết tâm đứng lên bảo vệ Chính phủ Hồ Chí Minh. Đồng  bào Công giáo vùng Vinh- HàTĩnh- Quảng Bình gồm cả Giám mục, linh mục, giáo dân đã gửi thư lên Hồ Chủ tịch và Người gửi thư cảm ơn:
   “Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn bức thư các vị đã gửi cho chúng tôi. Trong thư viết: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại”
   Câu nói nhiệt thành đó tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính của tín đồ của Đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”(1).
   Đồng bào Công giáo Nam Bộ dù chưa một ngày được hưởng niềm vui của người dân độc lập nhưng cũng thấu hiểu nỗi nhục mất nước nên quyết tâm tham gia Mặt trân Quốc gia, ủng hộ Chính phủ đánh Pháp. Tuyên bố của những người Công giáo kháng chiến Nam Bộ nêu rõ:
Xét rằng, người Pháp xâm chiếm đất nước Việt Nam chúng ta và áp bức nhân dân Việt Nam trong 80 năm. Xét rằng, người Pháp thờ Chúa mà không sống yêu thương và công bằng như Chúa dạy mà tham lam đến độ không ngần ngại đàn áp nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải đem cả con tim và trí tuệ bảo vệ sự sống còn của dân tộc chúng ta…
Vì tất cả những lẽ trên, chúng tôi người Công giáo Việt Nam quyết định son sắt gia nhập Mặt trận quốc gia thống nhất” (2).
Thanh niên Công giáo ở Hà Nội cũng họp nhau cùng thông qua bức thư gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng quyết tâm son sắt:
Chúng tôi đại biểu cho toàn thể đoàn thanh niên Công giáo khắp giáo phận Hà Nội họp Đại hội thường niên tại Hà Nội trân trọng gửi lời chào kính Hồ Chí Minh và Chính phủ dân chủ cộng hòa. Chúng tôi xin tận tâm trung thành với Chính phủ và để ủng hộ Chính phủ theo tinh thần Công giáo, xứng đáng là công dân mới” (3).
Ngày 5-1-1946, 21 linh mục đang học tập và sinh sống tại Paris trong đó có linh mục Phậm Hân Quynh (sau này là Đức Ông, Tổng đại diện giáo phận Hải Phòng) đã ký tên vào một bức thư ủng hộ nền độc lập của việt Nam và đề nghị các Giám mục Việt Nam phải “tích cực ủng hộ nền độc lập hợp hiến của dân tộc, phù hợp với ý Chúa và lòng dân”. Về sau nhiều linh mục này bị trục xuất về nước.
Trong Chính phủ Hồ Chí Minh có nhiều gương mặt Công giáo tiêu biểu như bác sĩ Vũ Đình Tụng- Bộ trưởng Y tế, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà- Bộ trưởng Kinh tế, nhân sĩ Ngô Tử Hạ- Bộ trưởng Cựu chiến binh. Hai Giám mục Lê Hữu Từ và Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn Chính phủ và linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa I. Xem ra tinh thần yêu nước thấm đẫm nơi các Giám mục người Việt. Ngày 28-10-1945, trong lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ của giáo phận Phát Diệm mà Hồ Chủ tịch gửi phái đoàn cao cấp gồm các ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và cựu hoàng Bảo Đại về chúc mừng. Giám mục Bùi Chu Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn đã chia sẻ:
Cho tới nay, nước Việt Nam đã có 4 người được phong Giám mục. Điều lý thú là mỗi người đều mang họ một anh hùng dân tộc. Đức cha Nguyễn Bá Tòng mang họ vị anh hùng Nguyễn Huệ. Kế đến là Đức cha Ngô Đình Thục mang họ Ngô Quyền. Hôm nay Giám mục Lê Hữu Từ mang họ Lê Lợi. Còn tôi đây mang họ…Chủ tịch Hồ Chí Minh” (4).
Trong “Tuần lễ vàng”, người Công giáo ở khắp mọi nơi đã rộng tay ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Bà Nam Phương hoàng hậu- vợ vua Bảo Đại cũng là người Công giáo khi ra tham gia mít tinh với trang phục chỉnh tề và đeo rất nhiều vàng trên tay, trên tai, trên cổ đã lần lượt tháo tất cả đồ trang sức trên người ra ủng hộ. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn cũng có lời phát biểu cảm động:
Tôi xin có mấy nhời thay mặt hàng giáo sĩ cảm ơn Ủy ban đã có lòng mời chúng tôi đến dự Tuần lễ vàng này. Thật như bài diễn văn chúng tôi ai nấy vừa nghe. Ai là người có vàng lúc này không nên ẩn giấu, phải đưa ra để cùng nhau đắp nền độc lập Tổ quốc…Phàn tôi khi thụ phong Giám mục, có một đấng biếu tôi Thánh giá và dây đeo thực bằng vàng. Nhưng tôi nghĩ, trên có giời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này, tôi cũng vui lòng chia của quý này làm hai. Thánh giá tôi giữ lại để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi xin dùng để phụng sự quốc gia” (5).
Tinh thần yêu nước của người Công giáo như những viên than hồng âm ỷ cháy, nay cách mạng tháng Tám về đã thổi bùng lên thành biển lửa, làm thay đổi diện mạo của Giáo hội. Hầu hết người công giáo đã đứng về phía Cách mạng. Giám mục Cassaigne thốt lên ngạc nhiên: “Họ đã cải biến người An Nam của chúng ta đi mất rồi”. Còn nhà báo Pháp Jean R. Clemnetin thì nhận xét:
Điều làm cho các giáo sĩ ngạc nhiên và lo lắng chính là sự mất lòng tin nếu như không muốn nói là sự căm thù của nhân dân Việt Nam với Pháp mà các giáo sĩ đều cảm thấy. Tiếp đó, điều làm cho hàng giáo phẩm xao xuyến hơn cả là đám con chiên Việt Nam, đứng đầu là các linh mục, tu sĩ đã chuyển hướng theo cách mạng”(6).
Chú thích:
Ảnh: Hồ Chủ tịch với các đại biểu dự Đại hội những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, tháng 3-1955.
1,4,5- Huy Thông (tuyển chọn): Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Nxb CTQG 2004, tr4; tr.297; tr.295
2,6- Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012, tr.188; tr.198.
3- Theo Báo Cứu quốc ngày 14,15 tháng 1-1946.
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Giáo phận Hưng Hóa và công cuộc loan báo Tin Mừng (19/08/2015)
Biểu dương gương “Người tốt - việc tốt”trong đồng bào Công giáo Thủ đô (19/08/2015)
Giáo phận Vinh mừng kỷ niệm 170 năm thành lập (18/08/2015)
Mặt trận luôn lắng nghe các tôn giáo (17/08/2015)
Bình Dương tổ chức hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo (17/08/2015)
Bảo Lộc (Lâm Đồng): Biểu dương người tốt, việc tốt, trong đồng bào Công giáo (14/08/2015)
Phục vụ là con đường mãi mãi (13/08/2015)
Hội nghị biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Hà Nam (27/07/2015)
Đồng bào Công giáo luôn gắn bó đồng hành cùng với dân tộc (27/07/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log