Tin tức - Hoạt động

Khánh nhật truyền giáo

Cập nhật lúc 16:28 07/10/2019
Chúa nhật thứ ba tháng 10 hằng năm, Giáo hội mừng lễ Khánh nhật Truyền giáo. Năm nay, tháng đặc biệt về truyền giáo với chủ đề được chính Đức Thánh Cha Phanxicô chọn, đó là: “Chịu phép Rửa và được sai đi: Giáo hội của Chúa Kitô trong sứ mạng Truyền giáo”.
“Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15). Ảnh: TL
“Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15). Ảnh: TL

Trong tâm tình hiệp thông cùng với Cộng đoàn dân Chúa khắp nơi hân hoan chào đón những ngày hồng ân này, để làm sáng danh Thiên Chúa và đem Tin Mừng đến cho muôn dân. Đây cũng là dịp chúng ta nhìn lại quãng đường đã qua, rút ra ưu khuyết điểm hầu phát động một giai đoạn mới trong việc truyền giáo trên quê hương Việt Nam, theo lệnh truyền của Chúa Kitô trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ.” (Mc 16: 15-16).

Đôi nét về truyền giáo tại Việt Nam thời gian qua

Bộ Giáo luật 1983 nơi điều 211 quy định: “Tất cả các tín hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng được loan truyền tới hết mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi.”. Tuy nhiên, một số nơi ở Việt Nam hiện nay, theo lời Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng (LBTM) thuộc HĐGMVN tại Đại hội Ủy ban Giáo dân toàn quốc tháng 7/2019, thì người Công giáo từ bao năm chưa được tham gia cách đầy đủ và thuận lợi các hoạt động xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện... nên dù muốn thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng trong lĩnh vực trần thế cũng khó, rồi đi đến chỗ lơ là nguội lạnh. Muốn thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng trong lĩnh vực tôn giáo cũng không phải dễ, bởi nhiều cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, giáo điểm, ở vùng hẻo lánh xa xôi, còn gặp nhiều trắc trở.

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn khi còn làm Thư ký HĐGMVN đã viết bài “Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50 năm qua” trong đó, ngài cho rằng hiệu quả truyền giáo tại Việt Nam chưa cao. “Nếu căn cứ vào thống kê của HĐGMVN tỷ lệ tín hữu Công giáo tại Việt Nam không gia tăng mà có chiều hướng thụt lùi. Năm 1960 số tín hữu Việt Nam  là 2.000.000 / 30.000.000 người, tỷ lệ 6,93 %. Năm 2014 số tín hữu là 6.606.495 / 95.247.775 người, tỷ lệ 6.93%. Vậy là sau hàng chục năm, tỷ lệ dân số Công giáo bằng nhau 6,93% và số tín hữu gia nhập đạo thường do hai cách: hoặc sinh ra từ gia đình Công giáo hay do kết hôn với người có đạo (chiếm 80-90% trong số người lớn theo đạo). Như thế có thể nói rằng việc LBTM tại Việt Nam sau 50 năm không được kết quả là bao”.

Thực tình mà nói, con số người Công giáo tiếp tục dẫm chân tại chỗ. Hoạt động truyền giáo bị nhiều mặt hạn chế nên dân số Công giáo gia tăng chậm đó là điều đương nhiên. Chẳng hạn trên địa bàn cả nước, trước đây hai giáo phận Hưng Hóa và Lạng Sơn-Cao Bằng gặp nhiều trắc trở, tưởng chừng như bị xóa sổ, nhưng nhờ ơn Chúa nay đã hồi phục từng bước đi lên. Phải chăng vì những cơ sở vật chất làm từ thiện, bác ái không còn hoạt động, khiến việc LBTM bị hạn chế.

Mặc dù vậy, nhưng nhiều giáo sĩ ngoại quốc đến Việt Nam, lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến lòng đạo đức của người tín hữu tham dự thánh lễ vẫn đông đảo, những cơ sở thánh đường, tu viện xây dựng khang trang, hàng ngũ linh mục, tu sĩ gia tăng, vì ơn Thiên triệu vẫn còn dồi dào, trong khi ở nhiều quốc gia khác, chủng viện phải đóng cửa, vì không còn người dâng mình cho Chúa nữa. Đây là điểm son của Giáo hội Việt Nam, dường như đang nắm vai trò then chốt trong việc tái Phúc âm hóa ở nhiều nơi.

Thực trạng truyền giáo ngày nay đi về đâu?

Người Công giáo Việt Nam dù trong hoàn cảnh thuận tiện hay khó khăn, nhưng đi đâu cũng đem đạo theo đấy. Ngày nay nhìn lại hầu hết 200.000 người Công giáo Thái Lan đều là gốc Việt, còn ở Camphuchia có 350.000 giáo dân trong đó có đến 30.000 là Việt Nam, giáo dân Lào đa số cũng là gốc Việt. Vì đã đến thời điểm toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam phải ý thức rằng trước đây Giáo hội Việt Nam được các giáo sĩ Tây phương thuộc các hội Dòng Đaminh, Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Hội Thừa sai Paris đến rao giảng Tin Mừng cho, bởi vậy hiện nay HĐGMVN đã thành lập Hội Thừa sai và các nhà dòng cũng cho nhiều linh mục, tu sĩ nhận bài sai sang truyền giáo tại các quốc gia: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông… thậm chí cả bên châu Phi xa xôi. 

Khi Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm Chủ tịch HĐGMVN, ngài đã trả lời một phóng viên nước ngoài: “Hiện nay chúng tôi vẫn có mấy chục nhà truyền giáo đang làm việc trên nhiều quốc gia trên thế giới, như vậy Giáo hội Việt Nam lúc này đã góp phần tuy chưa nhiều, nhưng đã đồng hành với Giáo hội hoàn vũ trong công cuộc mở rộng nước Chúa”.

Về số tân linh mục, qua nghiên cứu mới đây của Trung tâm Hoạt động Tông đồ CARA thuộc Đại học Georgetown cho hay: Miến Điện là guốc gia có  tỷ lệ tân linh mục so với tỷ lệ dân số Công giáo cao nhất thế giới, nước đứng thứ hai là Thái Lan (một quốc gia đa số là Phật giáo) tiếp đến là Tôgô, Việt Nam và Bangladesh xếp hàng thứ tư, Hoa Kỳ ở vị trí 50, Philippines 95, Pháp 99 và nước xếp cuối bảng 108 là Bỉ.

Trong danh sách các tổ chức tôn giáo được nhà nước Việt Nam công nhận tính đến 01/11/2018 tại Việt Nam, hiện có 42 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được cấp giấy phép hoạt động. Riêng Giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp tục dẫm chân tại chỗ chiếm khoảng 7% dân số cả nước, với 27 giáo phận.

Dù hoàn cảnh năng lực truyền giáo còn bị hạn chế vì nhiều lý do, nhưng đáp lại lời kêu gọi của Giáo hội, nên  mọi thành phần dân Chúa không quên lãng bổn phận: “Anh em hãy đi tim môn đệ, tín hữu ở khắp mọi dân nước, hãy làm phép Rửa cho họ... Phần Thầy, Thầy sẽ ở cùng Anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Matt 28: 19-20).

Hân hoan đưa Tin Mừng đến muôn dân

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi còn sống cho hay, hầu hết các Đức cha bên Hoa Kỳ khi gặp ngài, đều hết lời ca tụng cộng đoàn Giáo hữu Việt Nam sinh hoạt rất hăng say trong các giáo phận ở Mỹ, thật là đáng khen ngợi. Riêng nhiều vị chức sắc ngoại quốc quan tâm đến tôn giáo, khi tới Việt Nam đều nhận xét rằng Giáo hội tại đây, là một Giáo hội trẻ trung và năng động, qua những nét đẹp biểu hiện đức tin người Việt Nam đi đến đâu cũng tụ họp lại, ưu tiên đóng góp xây dựng nhà thờ, để có nơi đọc kinh xem lễ, cho dù cuộc sống còn khó nghèo, vất vả nhưng vẫn hy sinh lo phần linh hồn trước.

Cùng với hơn 4.000.000 người Việt hiện nay sống rải rác trên 100 quốc gia khắp thế giới. người Công giáo đã hòa nhập vào nếp sống đạo của địa phương, đóng góp tích cực về nhân, vật lực trên mọi lĩnh vực, chứng tỏ lòng kính Chúa, mộ đạo nơi giáo hữu Việt Nam không thua kém sắc dân nào, có khi còn vượt trội hơn, biểu hiện qua công tác tham gia điều hành mục vụ giáo xứ, tổ chức kinh lễ, rước kiệu, hội thảo thật long trọng.  

Trong giáo xứ, các hội đoàn Công giáo Tiến hành ngày nay đều có “Nghi thức Sai đi” vào dịp tuyên thệ, khấn hứa hay bế mạc khóa học, khơi dậy cho đoàn viên, tinh thần ra đi nối tiếp công việc truyền giáo, theo Công đồng Vatican II qua hai sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân) và Apostolicam Actuositatem (Tông đồ giáo dân) đề cập đến sứ vụ LBTM của mọi thành phần Kitô hữu, nhất là vai trò của giáo dân đứng hàng đầu.

Nhân ngày Khánh nhật Truyền giáo, cộng đoàn Công giáo Việt Nam hãy cùng nhau cầu nguyện, học hỏi giáo lý của Hội Thánh và tìm mọi phương cách thực hành, vượt qua mọi khó khăn, đem Tin Mừng đến bà con lương dân được nhận biết Chúa là Cha chung của mọi người, vì đây là bổn phận và trách nhiệm của mỗi tín hữu, hãy quyết tâm dấn thân nhờ vào “Tình yêu mến Chúa Kitô thôi thúc chúng ta.” (2Cor 5:14) đồng thời cậy trông nơi “Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, là Đấng đem người ta vào Đạo Thánh Chúa” soi sáng và hướng dẫn, công việc rao giảng Tin Mừng, mở mang nước Chúa.

VINSƠN VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

 
Thông tin khác:
Thư mục vụ về sứ mạng loan báo Tin Mừng (04/10/2019)
Giám đốc Vatican News: Chúng tôi chờ những chứng tá từ Việt Nam (03/10/2019)
Đức Thánh Cha tặng 200 ngàn Euro cho Haiti để tái thiết chủng viện và trường học (01/10/2019)
ĐTC Phanxicô: Kitô hữu không thể vô cảm trước khốn khổ của tha nhân (30/09/2019)
ĐHY Turkson: ĐHY Nguyễn Văn Thuận - Người gợi hứng cho các tù nhân sống tốt hơn (30/09/2019)
Giáo xứ Nghi Sơn (27/09/2019)
Người Việt Tân Đảo và Tân thế giới (27/09/2019)
Tổng hợp chuyến tông du ba nước của ĐTC Phanxicô (27/09/2019)
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, một phật tử có nhiều công trình cho Công giáo (27/09/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log