Tin tức - Hoạt động

Lễ vật dâng cúng tổ tiên của người Việt xưa

Cập nhật lúc 14:24 05/02/2020


Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một phong tục truyền thống của người dân các dân tộc Việt Nam ta. Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa vào nguồn tư liệu khảo cổ học, dân tộc học và văn hóa dân gian để xác định tục thờ cúng tổ tiên đã xuất hiện ở nước ta từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Trải qua lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, tục thờ cúng tổ tiên đến nay đã trở thành một tín ngưỡng bản địa thờ nhân thần (còn gọi là tín ngưỡng tổ tiên). Tín ngưỡng này đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam ta có mộ tổ, có ngày giỗ Tổ - một hiện tượng rất hiếm có ở các quốc gia trên thế giới. Thờ cúng vua Tổ là một đặc điểm, một truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam đã và đang được gìn giữ, phát huy, bởi có nhiều dân tộc trên thế giới đã không còn hoặc không có được mỹ tục này. Lễ vật dâng cúng tổ tiên của người Việt xưa đều rất tinh khiết, thanh tao, đẹp, ngon, tươi và sạch. Còn người dâng lễ phải thật thành tâm, tình cảm trong sáng để tương xứng với bản thân lễ vật. Có như vậy, hành động nghi lễ mới đạt hiệu quả mong muốn như quan điểm truyền thống của cộng đồng. Giá trị hiện thực của vật dâng cúng chính là: Nhân dân ta muốn giới thiệu thành quả tốt đẹp trong lao động sản xuất và chăn nuôi, cũng như tài năng chế biến sản phẩm của mình. Đó cũng chính là ước mơ thường xuyên muốn cải tạo và nâng cao đời sống của người lao động cho đến hôm nay. Người ta không những cần no đủ, mà phải vươn tới ăn uống ngon lành và sạch, đẹp. Những gì là hủ tục trong các tục hèm thường bị mai một dần. Hình thức bảo lưu khá bền vững và những thông báo để nhận ra tiến trình sống của người Việt xưa ở vùng đất Tổ Hùng Vương, một phần là ở những lễ vật dâng cúng thần linh, trời đất là những nghi thức tiến hành trong lễ tiết, hội hè và các tập tục của làng. Ở làng Mè thị xã Phú Thọ, trong lễ cầu đêm mồng 7 tháng Giêng, người ta dùng quả cỏ như cỏ bất, cỏ dầy bằng gạo rang. Con người dần dần biết trồng lúa, nên có gạo nếp, gạo tẻ. Người ta biết nhồi gạo nếp vào ống nứa, nướng qua lửa hay vùi than thành cơm lam. Khi chưa tìm ra kim loại làm nồi, chảo, chưa biết nung đất thành gốm để có bát đĩa và các đồ đựng khác, người ta bày thức ăn trên lá và dùng tay bốc thức ăn rất ngon lành. Việc nướng gạo trong ống và ăn cơm lam đối với đồng bào dân tộc Mường là bình thường, nhưng với người Việt ở vùng đất Tổ thì món lương ăn này chỉ còn được dùng trong tiệc cầu xuân của một số làng xã như: Vụ Quang ở huyện Phong Châu vào ngày mồng 6 tháng Giêng Âm lịch. Ở làng xã Vực Trường thuộc huyện Tam Nông, vào đêm mồng 7 rạng ngày mồng 8 tháng Giêng có mở tiệc cầu xuân, mổ trâu lột da làm nồi nấu thịt để cúng tế, song dân làng dự tiệc cũng ăn mừng xuân. Theo cuốn “Truyền thuyết Hùng Vuơng” xuất bản lần thứ hai vào năm 1974 còn chép: Thời vua Hùng, các tướng Ánh Ná, Đô Hộ, Xích Tràng và hai tướng nữ là Át Sinh và Tam Năng đi đánh giặc. Trận ấy phải lui quân tới bên bờ một con sông, chưa sang sông được trong khi giặc vẫn đang đuổi đằng sau. Các tướng liền khấn thần sông, khấn xong, có một cây gỗ  nổi dạt vào. Thế là các tướng được thoát nạn, bèn làm lễ tạ thần sông, lấy trâu để làm thịt, lột da căng trên bốn cọc, xẻo thịt vứt vào đó, đốt lửa ở dưới mà nấu (bến sông và nơi mổ trâu nay thuộc thôn Lang Hồ, xã Hợp Hải thuộc huyện Phong Châu). Còn ở hai làng Mạo Phổ thuộc xã Lương Lỗ và làng Hạ Mạo thuộc xã Thanh Minh, lại có tục nấu thịt lợn bằng nồi da lợn vào các ngày mồng 2, mồng 3 và ngày mồng 4 tháng Giêng hằng năm theo Âm lịch. Ở đây có hèm tục là: cần 4 con lợn, 4 chân trắng, đầu có khoáy đốm trắng. Làng phải cử 20 chàng trai chưa vợ, chia làm bốn tốp thi nhau mổ lợn với quy cách phóng tiết (chọc tiết) lợn, xong thì đem thui, rồi lột da làm nồi nấu thịt. Trong lúc ấy, dân làng tìm ống nứa, cưa gần mắt ống, đũa vót bằng nứa. Đĩa đựng làm bằng phên nứa đan lót lá, bày thịt lên. Mâm là một phên nứa lớn hơn. Cúng lễ xong, mọi người cùng ăn một lúc như nhau ngay tại sân đình như lính xưa hưởng lệ khao quân … Lại nói lúc làm thịt lợn, nếu tốp nào mổ lợn luộc thịt chín trước thì được bày lên thượng ban, làng thưởng cho một nhao (cổ lợn). Hạt thóc được đưa vào nồi, chảo bằng gốm hay bằng đồng, rang lên, lửa nóng thóc đã biến thành bỏng, một thứ lương ăn mới, lạ miệng. Những hạt bỏng rời đã quý, nhưng khi được trộn với mật, người ta đã có bánh bỏng (còn gọi là bánh quả na) và sau đó chế biến thêm thứ bánh mới gọi là chè lam. Thời gian qua đi, những phẩm vật đó vẫn được lưu lại như kỷ niệm của sự sáng tạo trong lễ cúng tạ thần linh, đã đem tới cho con người của ngon vật lạ. Về mặt hiện thực, đó chính là tài năng của con người. Đồng thời với rang thóc thành bỏng như đã kể ở trên, người ở làng Mè xưa ở Phú Thọ lại rang quả cỏ làm lễ vật cúng. Có lẽ đó là dấu vết của thời hái lượm nghèo khổ, đồng thời ghi nhận một bước tiến bộ về chế biến sản phẩm tự nhiên. Người ta biết còn đem lúa nếp non còn xanh hạt, đồ lên, rồi sàng sảy bỏ vỏ để tạo ra món ăn quý gọi là cốm, ngọt ngậy và thơm, thể hiện khả năng sáng tạo của con người bộc lộ ngày một hoàn hảo hơn. Khi có nồi chảo và người ta biết sử dụng nồi chảo, thì hạt gạo đun trong nước đã thành cơm nếp, cơm tẻ. Rồi xới đem đóng khuôn lại thành xôi nén hoặc oản. Có khi xôi còn được nhuộm màu trông càng đẹp mắt. Vẫn đà tiến triển ấy, người ta phát hiện được sự lên men của thực vật: Gạo thành rượu mộng (rượu nếp cái không qua lửa) ; gạo thành rượu cất (thứ nước uống tinh khiết, tuyệt vời, còn được gọi là cao gạo, qua lửa, nước, dễ bốc hơi), làm ngon và trang trọng thêm bữa cơm, tiệc cúng. Người Việt cổ trên đất Tổ Hùng Vương còn biết trồng rau, rau rừng thành rau nhà. Rau cũng được con người chế biến: Ngoài luộc, nấu canh, sào mỡ … người ta ăn uống tự nhiên hoặc để lên men qua muối  rau thành dưa chua, một món ăn rất quen thuộc lại rất hài hòa cân đối với thịt mỡ về mặt thưởng thức, dinh dưỡng và tiêu hóa. Dưa cũng thành lễ vật. Trên mâm cúng của xã Tử Đà thuộc đất cổ Phong Châu, cứ vào ngày mồng 3 tháng Giêng và 30 tháng 10 Âm lịch, bên cạnh mâm cỗ có oản, mật sống và thế nào cũng có món ăn dưa cải cả cây. Từng bước phát triển cụ thể ấy được mọi người ghi nhớ, nên những sản vật của cuộc sống bình thường hàng ngày được coi là lễ vật thiêng liêng phải có trong các ngày lễ hội. Cỗ cúng Thánh Gióng ở hội làng Phù Đổng, Sóc Sơn, Hà Nội cho tới nay vẫn phải có phẩm vật quen thuộc là bát cơm, đĩa cà vốn là bữa ăn thông tục của cư dân làm ruộng buổi đầu thời dựng nước và giữ nước. Ở nhiều làng xã khác thuộc vùng đất Tổ Hùng Vương, còn có nhiều thứ bánh chế biến từ gạo như: Bánh chưng, bánh dày, bánh ót, bánh uôi, bánh uất, bánh nẳng, bánh bỏng, bánh trôi nước và bún là những vật phẩm mới rất dễ ăn … Điều đáng lưu ý là nhiều thứ bánh có kèm theo truyền thuyết sáng tạo, người sáng tạo thuộc những thế hệ gốc Tổ thuộc phạm trù văn hóa thời Hùng Vương. Bánh uôi là do bà Âu Cơ sau khi chia tay với chồng, đã ngược dòng sông Hồng tới vùng Hiền Lương (Hạ Hòa cũ) thì nghỉ chân, dạy dân dệt vải, ép mật và bày cho dân giã gạo nếp thành bột, nhão lẫn nước mía, bỏ vào chõ, sôi lên thành bánh. Bánh ót không nhân cũng là loại bánh làm từ bột gạo, bột gạo được gắn với truyền thuyết được kể lại rằng:  Nhân dịp năm mới đến, các con vua Hùng tìm thứ quí dâng Vua Cha. Nàng Út chưa biết làm gì thì được thần mách bảo cho cách lấy gạo nếp gói vào lá chít thành hình chóp rồi luộc lên. Bánh do Nàng Út làm nên gọi chệch ra là ót. Cũng gọi là bánh ít, vẫn là do cách nói thông thường “út, ít”, “Gạo tẻ là mẹ ruột”, do quan niệm ấy mà cơm thường xuyên có mặt trên bàn thờ dưới dạng cơm đơm đầy bát, hoặc cơm nắm bày với trứng luộc. Sau cơm tẻ, bánh dày là lễ vật phổ biến nhât. Bánh dày được coi là sản phẩm quí về nhiều mặt. Màu đẹp giản dị, nhất là cái bền vững của phẩm vật. Người ta có thể giữ bánh dày một vài ba tháng mà không hỏng, nên bánh dày từng được dùng làm lương khô cho quân đội ta thời trước. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở nước ta đã khẳng định: Trong nghi lễ, nhiều tục hèm có giá trị thẩm mỹ, với nội dung ca ngợi tiên tổ hay các anh hùng dân tộc, anh hùng lịch sử hay văn hóa, đồng thời cũng biểu lộ được ý thức xây đắp, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp tục giữ gìn và phát huy nền truyền thống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nước Việt Nam ta hôm nay.
 
Nguyễn Duy Cách
Thông tin khác:
Chuyện trồng đào ở Vân Đồn (05/02/2020)
Giới trẻ với tôn giáo và tính hiện đại (05/02/2020)
Đức Thánh Cha cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến (04/02/2020)
Thiêng liêng thời khắc giao thừa (03/02/2020)
Người Công giáo và những tập tục ngày Tết (03/02/2020)
Ngày xuân nói chuyện thưởng trà của người Việt (03/02/2020)
Xuân Tây Nguyên (03/02/2020)
Nhớ những Tết xưa (03/02/2020)
Tiếng chuông thánh đường trong nếp sống xóm đạo ngày xưa (03/02/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log