Theo nghệ nhân Trường Xuân, người đã đeo đẳng cả cuộc đời mình với nghiệp làm trà để lưu giữ và truyền lại trà đạo Việt: “Cuộc đời vốn nhiều dâu bể, cái chính là tâm phải bình an. Thưởng trà là một cách để tĩnh tâm, để thiền. Đạo của trà Việt nằm ở cái tâm, cái thế của người pha cũng như người thưởng thức.”
Đạo trà Việt truyền thống không mang vẻ cầu kì như trà đạo của Nhật Bản hay sự phức tạp như nghệ thuật trà kinh của Trung Quốc, và cũng không thực dụng như trà phương Tây. Nó giản dị, đơn sơ mà vô cùng thanh tịnh. Thưởng trà ngày xuân để giao hòa với trời đất, gần gũi hơn với thiên nhiên và để tìm lại con người thật của chính mình.
“Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm” đã trở thành câu nói quen thuộc để nói về những nhân tố làm nên một ấm trà ngon đích thực. Vào ngày Tết, các nghệ nhân, những bậc cao niên đất Hà Thành vẫn dày công ướp, thưởng trà theo cách truyền thống và có một sự ưu tiên đặc biệt đối với trà ướp hoa sen.
Theo nghệ nhân Trường Xuân, dòng trà ướp hoa sen Hồ Tây vẫn được ví như “báu vật” của người Hà Nội bởi sự cầu kì trong các công đoạn. Trà để ướp hoa sen phải là loại trà Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 800-1300m quanh năm sương mù.
Các nghệ nhân chọn lựa những búp trà non, những lá trà bánh tẻ, rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3-4 năm cho trà phong hóa bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ được nguyên vẹn.
Ướp và sấy trà là cả một quy trình nghệ thuật. Để ướp một cân trà cần dùng từ 1000-1200 bông sen. Khi ướp, các nghệ nhân thường trải đan xen một lớp trà rồi đến một lớp gạo sen mỏng, sau cùng phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tùy thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, trung bình kéo dài từ 18-24 giờ. Sau đó, người ta đem sàng để loại bỏ hết gạo sen. Nhưng để có sản phẩm chè hảo hạng, người nghệ nhân phải tiếp tục ướp thêm lần thứ hai, thứ ba, thứ tư và thậm chí là thứ năm.
Với người Việt, uống trà quả là một thú chơi thanh đạm, đặc biệt là trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Pha một ấm trà, người pha trà dồn vào đó biết bao công phu. Chúng tích tụ lại và dần trở thành những lễ nghi tao nhã.
Giảng giải với người thưởng trà, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, cho hay: “Các chân trà nhân từ xưa đã rất chú tâm đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ (dụng cụ uống trà) cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư.” Mỗi bước nhỏ trong việc thưởng trà đều được định danh bằng những tên gọi riêng: “ngọc diệp hồi cung” (thao tác dùng thìa gỗ múc trà vào ấm,) “cao sơn trường thủy” (tráng trà), “hạ sơn nhập thủy” (lần đổ nước thứ hai vào trà,) “tam long giá ngọc” (dâng trà,) và “du sơn lâm thủy” (ngửi hương và uống trà).
Mỗi bước đều đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển; tiêu biểu như nghi thức rót trà và dâng trà. Rót trà cũng là một cả một nghệ thuật. Khi rót phải chuyên đều các chén, đảm bảo sao cho nồng độ trà như nhau bằng cách kê khít miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng. Điều này tưởng chừng như khá đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Tất cả đều phải trải qua quá trình rèn luyện công phu