Tin tức - Hoạt động

Nhớ những Tết xưa

Cập nhật lúc 14:38 03/02/2020
Tết xưa ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Ảnh: CTV
Tết xưa ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Ảnh: CTV

Tết của những năm 50, 60 của thế kỷ trước nay đã có thể coi là Tết xưa. Hồi ấy tôi trên dưới 10 tuổi. Buổi sáng ngày 23 tháng Chạp hàng năm ông tôi trồng cây nêu trước sân nhà. Cây nêu làm bằng một cây tre bánh tẻ chỉ róc cành, để nguyên ngọn, cao khoảng bẩy tám mét. Trên ngọn cây nêu buộc khánh xà cừ làm bằng vỏ con trai sông cùng lá sớ tự tay ông tôi viết bằng chữ nho. Tôi không biết cây nêu để làm gì nhưng ông tôi trồng trông có vẻ nghiêm trang lắm nên tôi cũng thấy kính sợ. Bà và mẹ tôi thì bận bịu với bếp núc để làm mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo lên trời. Ông tôi bảo hàng năm vào ngày này ông Táo lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về các công việc của gia đình đã làm trong năm, hết Tết ông Táo mới quay về bếp nhà mình, nên thời gian này không có ai canh gác sợ ma quỷ vào nhà nên phải trồng cây nêu để đuổi ma quỷ đi. Nghe vậy tôi cũng thấy yên tâm. Đến trưa ông mặc áo the, khăn xếp, đi guốc mộc tự tay sắp mâm cơm cúng do bà tôi đã nấu sẵn các món. Ông bảo công việc liên quan đến thờ cúng trong nhà chỉ có đàn ông trụ cột gia đình mới được làm. Sắp mâm xong ông tôi trịnh trọng thắp hương rồi đứng trước bàn thờ lầm râm khấn vải, tôi nghe không rõ, vả nếu có rõ cũng không hiểu. Sự trịnh trọng của ông khác hẳn mọi ngày. Đúng là tế thần như thần tại. Đó là ấn tượng của tôi về ngày khởi đầu cho một cái Tết.

Sau ngày ông Công ông Táo bà tôi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, những thứ cũ nát không dùng thì đem đốt đi hoặc ném góc vườn. Ông thì cạo đầu trọc cho anh em chúng tôi để ăn Tết. Tôi sợ nhất là cạo đầu trọc, vì vừa rát, vừa đau lại trông không có vẻ người lớn như các chú của tôi. Không lần cạo đầu nào mà tôi không gào khóc ầm ĩ. Mẹ tôi đến bác thợ may trong làng xem quần áo ăn Tết của anh em tôi đã may xong chưa. Trước ngày 28 Tết là mọi việc chuẩn bị phải hoàn tất để mẹ còn đi chợ Tết, đây là phiên chính chợ Tết ở quê tôi. Chợ gần thì nhỏ, hàng hóa không nhiều, muốn mua cho đủ thứ phải đi chợ Nội Doi hoặc chợ Phủ bên Bắc Ninh, cả hai chợ đều xa khoảng năm sáu cây số. Trẻ con như chúng tôi mà được đi chợ Tết thì thích lắm, được xem mọi thứ lạ mắt và được ăn quà. Tôi thì chưa bao giờ được đi vì chợ xa, nên chỉ ở nhà mong mẹ về chợ. Đến quá trưa thì mẹ tôi về, trên vai quang gánh lỉnh kỉnh nhiều thứ. Nhưng tôi chẳng quan tâm, chỉ chăm chăm xem mẹ mua gì cho tôi. Mẹ tôi bỏ các thứ trong quang gánh ra, nào là bắp cải, su hào, măng miến... toàn thứ để chuẩn bị cho cỗ Tết. Năm nào mẹ tôi cũng mua tranh Đông Hồ để dán lên tường, năm thì mua tranh con lợn, năm thi mua tranh con gà, vv, tranh năm mới sẽ thế chỗ cho tranh năm cũ. Mẹ tôi cũng không quên mua hoa giấy, loại hoa thờ tôi chẳng thấy giống hoa gì, nhưng năm nào mẹ cũng mua để cắm lên bàn thờ. Cuối cùng mẹ đưa quà cho tôi, lúc tôi còn bé thì mẹ mua tò he, tôi rất thích nhưng mắt trước mắt sau là đã bỏ vào mồm vì chúng làm bằng bột nếp, ăn được. Lớn lên một chút thì mẹ mua cho bánh pháo, trẻ con đứa nào cũng thích pháo.

Thường là 28 hoặc 29 Tết (trước mồng 1 Tết một hai ngày) cả làng vang tiếng lợn kêu eng éc, không khí thật rộn rã. Một nhà ít khi ăn Tết cả con lợn to mà hai, ba nhà, có khi bốn nhà chung nhau thịt một con lợn, gọi là ăn đụng. Tùy theo số nhân khẩu và lợn to hay nhỏ để các gia định thỏa thuận ăn đụng từ trước Tết hàng tháng trời. Thịt lợn chia xong là tiếng chày giã giò thình thịch vang lên. Người giã giò phải là lực điền khỏe mạnh, giã liên tục hai tay hai chày, giã khi thịt nạc còn nóng thì giò mới ngon. Khi luộc giò cũng phải có nghệ thuật, nếu không giò chín quá sẽ bã, hoặc không đủ lửa sẽ sống. Mẹ tôi có kinh nghiệm là với khẩu giò vừa phải, tức là khoanh giò cắt ra bày vừa gọn lòng chiếc đĩa con, thì luộc trong thời gian “ba vổ hương” tính từ lúc nước sôi là giò vừa chín tới. Ba vổ hương là đem một cây hương đo ba chiều ngang lòng bàn tay, tức ngắn hơn cây hương nguyên vẹn một chút, nếu giò lớn hơn thì đốt cả cây hương. Trong ngày thịt lợn bọn trẻ con chúng tôi sung sướng nhất khi được chia nhau cái đuôi lợn luộc, ngon vô cùng. Chúng tôi còn lấy bong bóng lợn thổi thành quả bóng để chơi với nhau. 

Thịt lợn xong có thịt để làm nhân gói bánh chưng. Xung quanh giếng làng mọi người rửa lá dong, đãi đậu xanh, vo gạo nếp, chuyện trò rôm rả, không khí thật vui. Quê tôi không có tục gói bánh vuông mà gói bánh thân tròn gọi là bánh tầy, đầu bánh không bằng như đầu giò mà vát hai đầu. Nhà nào gói ít cũng mươi mười hai cái, nhà gói nhiều có khi tới hai mươi cái. Bọn trẻ con chúng tôi nhất định bắt mẹ phải gói một hai chiếc bánh con cho mình. Thường đun nồi bánh chưng từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau thì vớt. Tuy ngồi canh nồi bánh chưng rất vui nhưng chúng tôi buồn ngủ không đợi được đến sáng hôm sau. Khi nồi bánh sôi được vài tiếng là đã đòi bố mẹ lấy bánh con ra cho chúng tôi ăn, hương vị của bánh lúc đó mới ngon làm sao, đến bây giờ nghĩ lại vẫn thèm. Có nhà luộc bánh chưng cả đêm trừ tịch, đến rạng sáng mồng một Tết vớt bánh ra là vừa bữa cỗ cúng đầu năm.

Đêm giao thừa chúng tôi thức khuya hơn mọi ngày, nhưng bao giờ cũng ngủ sớm hơn người lớn. Mọi người thường ngủ trước giao thừa, riêng các cụ ít ngủ hay thức khuya thì đợi giao thừa lắng tai nghe xem con gì khai thanh đầu năm để đoán sang năm làm ăn thế nào. Hồi bé tôi không hiểu khai thanh là gì, sau này mới biết đó là con gì kêu đầu tiên sau giao thừa. Các cụ bảo lợn khai thanh thì lợi cho nuôi lợn, hay ăn chóng lớn, trâu bò khai thanh cũng vậy, cứ thế mà suy, còn nếu chuột, quạ, khai thanh thì xấu. Xấu nhất là con cú khai thanh không chừng có đại họa, chẳng biết có đúng hay không nhưng ai cũng sợ. Tuy nhiên cái sự khai thanh này cũng võ đoán, vì cụ thì nghe thấy con này, cụ kia ở xa thì lại nghe thấy con kia khai thanh, cứ thế câu chuyện luận khai thanh ngày Tết không có hồi kết. Gần sáng thì mọi nhà đốt pháo. Khi nghe thấy tiếng pháo nhà ai đó là cả làng thức dậy đốt pháo theo, tiếng pháo rộn rã nghe vui tai, mùi khói pháo thơm thơm chứ không khét như thuốc súng. Bọn trẻ con chúng tôi buồn ngủ đến mấy cũng vùng thức dậy để ra sân nhặt pháo xịt. Người ta không chỉ đốt pháo sau giao thừa mà những ngày tiếp theo vẫn có người đốt để giữ không khí Tết.

Sáng sớm mồng một Tết, làng tôi có tục lệ sêu đình, tức là mang lễ ra đình làng để cúng đầu năm cầu Thành hoàng ban cho một năm làm ăn phát đạt, con người khỏe mạnh vv. Lễ sêu đình là một con gà trống choai chưa đạp mái, gà luộc có hình dáng càng đẹp càng tốt đặt trên mâm đồng thì lại càng trịnh trọng. Ai đi sêu cũng đều ăn mặc tử tế, các cụ thì áo the khăn xếp, không khí trang nghiêm và thành kính. Các gia đình mang mâm lễ ra đặt lên ban thờ trong hậu cung, sau khi khấn vái xong nhà nào nhà nấy mang mâm lễ về. Việc sêu đình thường kết thúc trước lúc rạng đông.

Bọn trẻ con được cha mẹ dặn là sáng sớm mồng một Tết không được khóc nhè, quấy phá, không được nói tục chửi bậy, nếu không sẽ dông cả năm. Chúng tôi không biết dông là gì, nghĩ chắc là xấu lắm nên đứa nào cũng sợ, không dám nói tục chửi bậy, nhưng sang mồng hai thì lại đâu đóng đấy. Người lớn đem những đồng xu mừng tuổi trẻ con, chúng tôi thích lắm nhưng không bao giờ để ý đến giá trị của chúng mà chỉ thích vì có xu để đánh đáo. Sáng mồng một Tết chúng tôi không được tự ý vào nhà ai nếu như nhà đó chưa có người xông đất, tức là chưa có người đầu tiên bước vào đất nhà mình. Tục xông đất ở quê tôi cũng nhiêu khê lắm, thường họ dặn đứa con trai nào ngoan ngoãn, khỏe mạnh, lanh lợi đến để xông đất mong được may mắn quanh năm, mà phải con trai nhà khác mới thiêng. Đứa trẻ xông đất nhất định sẽ được mừng tuổi. Con gái tuyệt đối không được đi xông đất, kể cả những đứa con trai bướng bỉnh, nghịch ngợm cũng thế. Vì chuyện kiêng xông đất mà khoảng chín mười giờ trở ra hàng xóm láng giếng mới đến nhà nhau chúc tụng ngày Tết. Các con ra ở riêng phải về chúc Tết bố mẹ, ông bà. Con cháu được phép về nhà chúc tụng bố mẹ bất kể giờ nào, không cần kiêng cữ, thường là càng sớm bố mẹ ông bà càng mừng. Sau những thủ tục chúc Tết cần thiết bọn trẻ con chúng tôi thì chỉ tìm đến chỗ đốt pháo đứng xem và để nhặt pháo xịt sau đó quấn lại đốt cho nổ, chán thì rủ nhau đi chơi các trò của mình.

Trong ba ngày Tết bữa nào cũng phải có mâm cỗ cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết. Tục lệ quê tôi là đến chúc Tết nhà ai cũng phải ngồi vào mâm, bất kể có đúng bữa hay không, vì thế chỉ nên ăn uống qua loa kẻo vào nhiều nhà thì không tránh khỏi say túy lúy, nếu chúc Tết mà không ngồi vào mâm coi như không tôn trọng chủ nhà. Ba ngày Tết cứ thế trôi đi trong tiệc tùng lu bù. Hết ba ngày thì hóa vàng, thường là vào mồng năm, làm mâm cỗ cúng và đốt các loại vàng mã coi như báo cáo tổ tiên là Tết đã hết mời tổ tiên trở lại cõi âm. Đến mồng bẩy Tết thì hạ cây nêu, cũng phải có một mâm cỗ cúng.

Đó là chuyện ăn, còn chuyện chơi thì trước Tết người ta chuẩn bị sân chơi cho cả làng, có cây đu, sau này có cả sân đá bóng, sân khấu biểu diễn văn nghệ. Ban ngày thanh niên nam nữ đánh đu, người xem đứng chật xung quanh. Các cô gái kể cả các chàng trai mới lớn còn e thẹn nên thường đánh đu một mình, nếu có đánh đôi thì cũng đánh với người cùng giới. Các chị các anh lớn tuổi hơn, dạn dĩ hơn thì rủ nhau đánh đôi. Khi có đôi nam nữ nào nhún đu đẹp, bốc lên cao, áo quần bay phấp phới thì người xem cổ vũ, reo hò ầm ầm, không khí quanh cây đu vui vẻ suốt ngày. 

Tối có biểu diễn văn nghệ, làng tôi thường mời đội văn nghệ bên Nội Doi, một làng quan họ gốc ở Quế Võ, Bắc Ninh sang diễn chèo hoặc tuồng cổ. Đội văn nghệ Nội Doi có một anh tên là Thỏ, bị mù nhưng là tay ghi ta Ha oai điêu luyện và hát cải lương Bắc mùi mẫn nên các nàng thôn nữ rất thích, có anh Thỏ sang diễn thì họ không thể bỏ qua mà không đến thưởng thức. Hồi đó chưa có điện, nhà nào sang thì đốt đèn phẫn là loại đèn cổ, to, rất sáng nhưng vẫn kém đèn măng xông. Biểu diễn văn nghệ phải có đèn măng xông, vì thế khi đêm xuống ánh đèn sáng xanh hắt lên trời, sáng cả những ngọn tre là đã thấy không khí vui vẻ, rạo rực rồi, mọi người đều tranh thủ đến sớm để có chỗ tốt. Có cả những người các làng lân cận đến xem, vui như hội. Mỗi tối văn nghệ như vậy vất vả nhất là bác trưởng ban tổ chức. Bác phải khản cả cổ để giữ gìn trật tự. Hồi đó chưa có loa phóng thanh nên bác phải dùng loa bằng sắt tây, luôn mồm gào thét nam đứng một bên, nữ đứng một bên, vì nếu để họ đứng lẫn lộn thì ồn ào vô cùng. Nam nữ giạt sang hai bên được một lúc lại tự động hòa vào nhau, cái trò trai gái thì khó mà rạch ròi cho được, biết thế nên bác trưởng ban cũng chỉ thét lác lấy lệ, người ta bảo hồi còn trẻ bác ấy cũng thế. 

Đội văn nghệ diễn các tích chèo cổ, tuồng cổ hay cải lương ai cũng đã thuộc lầu nội dung, nhưng người xem luôn luôn chật bãi. Họ đi xem không những để thưởng thức nội dung vở diễn họ đã thuộc lòng mà là để đánh giá xem kép năm nay có hay hơn kép năm ngoái không. Mỗi khi có cảnh diễn hay thì các cụ bà, cụ ông hô “Thướng!” nghĩa là có món tiền thưởng cho kép đó. Bọn trẻ con chúng tôi được ngồi giữa sân, ngay trước sân khấu, nhưng ít khi chúng tôi xem hết buổi mà không lăn ra ngủ, mặc cho trời khá rét, đến khi tan buổi diễn cha mẹ phải đến tìm con mình bế về.Những cuộc vui cứ thế kéo dài có khi tới rằm tháng Giêng. Bọn trẻ con chúng tôi thì ngẩn ngơ tiếc nuối sao ngày Tết qua nhanh vậy, đành đợi đến sang năm để lại được đốt pháo, lại nhận mừng tuổi, lại quây quần bên nồi bánh chưng, được mặc quần áo mới.

Thường dịp Tết cũng là dịp cấy vụ chiêm nên tuy chơi Tết nhưng các gia đình vẫn tranh thủ cày cấy cho kịp thời vụ. Những vui vẻ ngày xuân dần dần nguội đi thay vào đó là những ngày lao động vất vả nặng nhọc. Đến ngày rằm tháng Giêng nhiều nhà cố níu giữ không khí Tết bằng những ngày ăn Tết lại, gói thêm bánh chưng, thịt gà hay cá để đổi món, cứ như vậy nhịp sống quê tôi trong những ngày Tết xưa luôn nhộn nhịp và ấm cúng. Không khí Tết ấy không chỉ vui vẻ mà còn rất thiêng liêng trong lòng mọi người. Dù ai đi làm ăn xa trong Nam ngoài Bắc thì ngày Tết đều về với cha mẹ, tổ tiên, với quê hương. Nếu ai không về được thì trong lòng luôn áy náy mãi. Những cái Tết thiêng liêng ấy dù đã qua rất, rất lâu rồi nhưng nay vẫn còn đọng trong tâm trí chúng tôi như nó vừa ở đây hôm qua vậy.
NGUYỄN VĂN TRUNG
Thông tin khác:
Tiếng chuông thánh đường trong nếp sống xóm đạo ngày xưa (03/02/2020)
Sứ vụ mục tử đáng nhớ của Giáo hội Công giáo Việt Nam (30/01/2020)
Khai mạc năm thánh mừng kỷ niệm 170 năm thành lập (1850-2020) tôn vinh Mẹ Lavang là bổn mạng của giáo phận (30/01/2020)
Nhớ Tết quê nhà (30/01/2020)
Ngày lễ Minh Niên mừng tuổi Chúa (30/01/2020)
Tổng quan về quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và các quốc gia (30/01/2020)
Hướng tới việc cử hành lần đầu tiên Chúa nhật Lời Chúa: Kinh thánh là cuộc sống (20/01/2020)
Đức Thánh Cha khuyến khích các ngư dân giáo phận Benedetto di Trento gìn giữ các giá trị quý giá trong đời sống (20/01/2020)
Đức Thánh Cha tiếp Học viện Giáo hoàng Etiopia nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập (15/01/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log