Tin tức - Hoạt động

Xuân Tây Nguyên

Cập nhật lúc 14:42 03/02/2020
Tây Nguyên đang bước vào mùa khô. Từng đám bụi đỏ uốn xoay tít, bầu trời trong xanh đến tận cùng, sương sớm lãng đãng, lơ lửng dưới những thung lũng như bức tranh tàu, những rừng cỏ mỹ ngả mầu vàng úa, được tô điểm từng cụm cúc rừng (dã quỳ) vàng ngọt. Màu xanh của rừng là cao su bạt ngàn, màu trắng của hoa cà phê thơm ngát.

Tây Nguyên đang bước vào mùa khô. Từng đám bụi đỏ uốn xoay tít, bầu trời trong xanh đến tận cùng, sương sớm lãng đãng, lơ lửng dưới những thung lũng như bức tranh tàu, những rừng cỏ mỹ ngả mầu vàng úa, được tô điểm từng cụm cúc rừng (dã quỳ) vàng ngọt. Màu xanh của rừng là cao su bạt ngàn, màu trắng của hoa cà phê thơm ngát.

Tây Nguyên hôm nay đã bước qua cái thời “chặt - đốt - chọt - trỉa” những thao tác lạc hậu, nghèo nàn kéo theo cái đói ám ảnh từng ngày cái thuở khi thu hoạch lúa rẫy xong là bắt đầu lo miếng ăn ngày mai, thay đổi từng ngày, từng giờ, đàng hoàng hơn, lịch sự hơn, văn minh hơn. Mảnh đất “hoàng triều cương thổ” đã hấp dẫn người dân từ đồng bằng kéo lên lập nghiệp, xây làng lập phố, người nước ngoài đâu chỉ đến đây để du lịch, họ còn tìm cơ hội đầu tư, ở đâu có đất là ở đó có mầu xanh của cà phê, cao su, hồ tiêu… Nhớ lại thuở nào cho đất, không khéo người nhận còn mắng người cho. Còn bây giờ, giá đất tăng vùn vụt khác gì giá đất thành phố, nhộn nhịp, rạo rực lòng người, tình đời ở vùng đất lắm dốc, nhiều đèo, chập chờn, bồng bềnh mỗi sớm mai thức dậy. Tây Nguyên vươn vai, trở mình thức dậy từ khi có “công trình dòng điện 500kv” xuất hiện, được nối tiếp từ Đắk Glei oai hùng chống Mỹ năm xưa, ghé ngang biển hồ Pleiku nước trong văn vắt, Chưsê bạt ngàn cao su hối hả về hướng Ban Mê Thuột trập trùng hoa trắng cà phê, tiếp mãi xuôi về Nam.

Ai đã một lần đến với Tây Nguyên, chắc khó quên cái lạnh đậm đà như ở Sapa, của vùng đất Đà Lạt thơ mộng, quyến rũ say đắm lòng người bằng cảm giác chơi vơi như tin vào không gian trên đỉnh Langbian; cái rét ngọt ngào mỗi khi chiều về, phải choàng thêm chiếc áo lạnh mới dám rong phố xứ Pleiku; chút se se làn da của khí hậu phảng phất miền Trung của thung lũng Kontum cát trắng. Bấy nhiêu đã đủ để nhớ suốt đời. Xa Tây Nguyên không thể quên được hương vị thơm ngát hoa lài, hoa sói của trà B’Lao, vị đắng ngát môi đầu lưỡi, sau đó thoảng chút cà phê Ban Mê trong quán cà phê vườn, ngẫm nghĩ chuyện đời chuyện người mới cảm nhận hết cái thú vụ mà không dễ nơi nào có được như ở chốn này.

Người dân Tây Nguyên hôm nay chẳng còn chút thời gian nào rảnh rỗi để mà chuyện phiếm, thu hoạch mùa vụ xong là lại lao vào đắp bồn ủ ấm cho cà phê, dọn cỏ chu vườn cao su, chuẩn bị mùa thu hoạch mủ. Công việc thì nhiều nhưng chẳng nhọc chút nào, chẳng còn cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bây giờ, thấy người nông dân Tây Nguyên sướng thật, cứ như phong cách của những chàng làm biếng ngày xưa. Những hộ có vườn cao su thì thức dậy từ 6 giờ để đổ mủ vào thùng, độ 8 giờ có thể ung dung nghỉ ngơi rong chơi đâu đó, ngày mai lặp lại công việc quen thuộc. Tây Nguyên hôm nay không thiếu gạo, cái điều mà trước đây ám ảnh nặng nề người dân ở đây, cánh đồng An Phú (Pleiku); Đoàn Kết (Kon Tum) ngút ngàn thẳng cánh cò bay khác gì ruộng lúa miền Tây Nam Bộ! xen lẫn là những cánh đồng bậc thang ven theo những sườn đồi “ăn nước” từ những con kênh thủy lợi, Năng suất đâu có thua gì ruộng đồng bằng. Thường là 7-8 tạ/ sào, có nơi đạt đến 10-12 tạ/sào. Khó mà cảm nhận được công sức con người đã bỏ ra để khiến những cánh đồng cỏ mùa mưa thì xanh mướt, mùa khô thì vàng úa xác xơ, chỉ cần một tàn thuốc lá là đủ bão lửa nổi lên, thiêu đốt hàng vạn héc ta thành những nông trường, vườn tiểu điền cà phê, cao su, hồ tiêu giàu có như hôm nay, nghĩ cũng lạ cho sức lực dẻo dai, kiên trì của con người xứ này!

Đến với Tây Nguyên vào những ngày cuối năm, trong khi đón chờ không khí Tết của những người Kinh, Barnar, Jarai, Êđê… âm vang, xoáy tròn qua từng đỉnh núi, lan tỏa vào đất trời mời gọi Yàng (trời) về trần thế dự lễ mừng lúa mới – Tết của các dân toọc bản đại Tây Nguyên. Người Êđê gọi Tết Hủa arei mrấc (mâm cơm mới), người K’ho gọi là Lirboong… Tết của các dân tộc Tây Nguyên không được ấn định như ngày Tết của người Kinh, khi thu hoạch lúa rẫy truyền thống xong, chờ hoa Pơ lang (cây gòn rừng) lốm đốm nở, cái lạnh kéo về là lúc người dân tộc Tây Nguyên chuẩn bị đón Tết, nhà rông của làng được tu sửa đẹp đẽ, trang trí cây nêu. Bộ chiêng (chinh) được phơi nắng, thử tiếng, công việc đồng áng được gác lại. Tất cả mọi người đều ở nhà, cùng nhau chuẩn bị cho mùa Tết của làng. Nếu người kinh quan niệm “vô tửu bất thành lễ” thì người dân Tây Nguyên cũng vậy, đó là rượu cần, cái không thể thiếu được trong đời sống của người dân Tây Nguyên. Với Tết, càng không thể thiếu vắng bóng rượu cần được. Để có một ghè rượu ngon, họ phải làm trước đó từ 4-6 tháng với nguyên liệu chủ yếu là mì (sắn) hoặc cào (giống hạt cao lương) ủ men, chứa trong những chiếc vò mà người Tây Nguyên gọi là chè hoặc ghè, làm sao giọt rượu càng sánh như mật càng ngon, người Kinh có bánh tét (miền Nam), bánh chưng (miền Bắc) để cúng ông bà trong 3 ngày Tết, thì dân tộc Tây Nguyên có nếp nương, nếp vo sạch cho vào ống lồ ô (một loại nứa mỏng) đốt chín, khi ăn chỉ cần tách vỏ, một lõi trắng hiện ra, bẻ từng khúc ăn với muối ớt kẹp thịt nướng, cạn một hơi rượu cần… tuyệt vời đến vô ngần. Tết ở đây kéo dài từ 1 đến 2 tháng, hết làng này đến làng khác, người làng này đến làng kia cứ tự nhiên như chính làng mình, cứ việc uống rượu cần, ăn uống và nhảy múa thoải mái… Với người Kinh, người dân tộc Tây Nguyên càng có thái độ trân trọng đặc biệt. Nếu có đến trúng vào mùa lễ hội, nhất là Tết, thì hãy cùng vui với họ, đừng ngại. Dân tộc Tây Nguyên rất thật “cái bụng” nghĩ sao họ nói vậy, đâu biết mào lòng như người miền xuôi, trước cái Tết, các dân tộc Tây Nguyên tổ chức lễ bỏ nhà mã, lễ cúng Yàng tạ ơn một năm bình yên đối với dân làng, cho một cuộc sống ấm no, nhiều lúa gạo, trâu bò. Là một thành viên của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, định cư chủ yếu ở Gia Lai và Kon Tum, với kinh tế chủ yếu là lúa và chăn nuôi, người Barnar thường tổ chức lễ hội đâm trâu trong dịp Tết, như là dâng phần thưởng vô giá cho đất trời. Trâu được chọn phải là trâu trắng (giá trị gấp đôi trâu thường). Sau lời tế của già làng, nhóm thanh niên mạnh nhất làng phóng những mũi lao vào con trâu, được buộc tại cọc nêu chính của nhà rông, trong tiếng hú của người, nhạc đệm của cồng chiêng… Đó là chuyện xưa, còn hôm nay, trong những kỳ lễ hội mang tính chất quốc gia mới thấy hiện hiện lễ đâm trâu, như để nhớ lại một nét văn hóa truyền thống thuở đầu tiên con người dừng chân trên mảnh đất này.

Tây Nguyên xưa được chia thành những tiểu khu riêng biệt, mỗi tiểu khu là địa bàn định cư của từng dân tộc. Bắc Kontum là nơi sinh sống của người Jẻ, Xêđăng, nam Kon Tum là của người Barnar, tây Kon Tum, từ Sa Thầy qua Chưpả, ChưPrông, Chưsê xuôi về Agunpa – Krông Pa của đất Gia Lai là địa bàn của người Jarai. Bắc Ban Mê là mảnh đất đầu tiên của người Êđê, nam Ban Mê là của người Mrông. Dân tộc K’ho, Cill, lạch sống từ ngàn năm nay ở xứ Đà Lạt thơ mộng, nam Đà Lạt là cội nguồn của người Ch’ru, X’triêng, đến khi người Kinh xuất hiện đầu tiên lập làng Trung Lương (Kon Tum) vào năm 1885, trồng cây cà phê đầu tiên ở đây do các cố Tây đem sang, đã bắt đầu những đợt di cư sau này: đợt 1885, đợt 1958 và 1975. Từ một vùng đất chỉ có hai nền văn hóa: Môn Khơ me và Malayo Polinesien, bắt đầu nhập một giá trị văn hóa mới – giá trị văn hóa người Kinh đồng bằng. Hôm nay, ngoài những giá trị văn hóa bản địa, Tây Nguyên còn đan xen văn hóa lúa nước ngọt ngào chất quan họ đồng bằng Bắc Bộ, điệu ví dặm xứ Nghệ trữ tình, hò mái nhì xứ Huế man mác, xen lẫn điệu hò xứ Quảng dễ thương, giọng bài chòi lơi lả xứ dừa Bình Định và có cả tính cách phóng khoáng của điệu lý miền Nam sông nước. Tất cả quyện vào chất bi hùng núi rừng Tây Nguyên, qua những trường ca Đam San, Xinh Nhã “Đất lành chim đậu”, Tây Nguyên đã trở thành nơi hội tụ người dân tứ xứ về đây xây dựng mảnh đất Tây Nguyên ngày mai phồn thịnh hơn.

Về với Tây Nguyên, trong chuyến hành trình gian khổ, nhưng hết sức thú vị, sẽ đem đến cho bạn nhiều địa danh hấp dẫn khách du lịch: ngục Kon Tum, phố cổ Kon Tum, dòng Darpă, đèo Sao Mai, hồ T’rưng - Ialy, đỉnh Hàm Rồng, dòng sông Agun hiền hòa với huyền thoại tình yêu đèo Tuna; Bản Đôn - hồ Lắk, tháp Yang Prông nhạt nhòa trong chiều tím Ban Mê; hồ Than Thở - thác Prenn – thung lũng tình yêu lãng đãng sương chiều Đà Lạt… Còn nhiều lắm, làm sao kể hết. Tiếc thay, đến nay Tây Nguyên chưa khai thác tối đa món quà quý mà thiên nhiên ưu đãi cho ngành du lịch.

Những cánh hoa Pơlang đỏ thắm đất trời Tây Nguyên báo hiệu một mùa xuân mới bắt đầu. Tây Nguyên, vùng đất trù phú của những huyền thoại…

Mùa xuân đến rất gần, tin tưởng ngày mai, sức trỗi dậy của mảnh đất hùng thiêng này, những tín hiệu xanh đang lấp lánh phía trước. Hãy đi, đến mảnh đất này một lần để rồi nhớ mãi.
 
PHẠM NGỌC TRƯỜNG
Thông tin khác:
Nhớ những Tết xưa (03/02/2020)
Tiếng chuông thánh đường trong nếp sống xóm đạo ngày xưa (03/02/2020)
Sứ vụ mục tử đáng nhớ của Giáo hội Công giáo Việt Nam (30/01/2020)
Khai mạc năm thánh mừng kỷ niệm 170 năm thành lập (1850-2020) tôn vinh Mẹ Lavang là bổn mạng của giáo phận (30/01/2020)
Nhớ Tết quê nhà (30/01/2020)
Ngày lễ Minh Niên mừng tuổi Chúa (30/01/2020)
Tổng quan về quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và các quốc gia (30/01/2020)
Hướng tới việc cử hành lần đầu tiên Chúa nhật Lời Chúa: Kinh thánh là cuộc sống (20/01/2020)
Đức Thánh Cha khuyến khích các ngư dân giáo phận Benedetto di Trento gìn giữ các giá trị quý giá trong đời sống (20/01/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log