Tin tức - Hoạt động

Giáo hội Thái Lan có tân Tổng Giám mục

Cập nhật lúc 15:29 25/05/2020
Ngày 13.5.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn của Đức Tổng Giám mục Louis Chamniern Santisuknriran, 78 tuổi, từ nhiệm sứ vụ tại Tổng Giáo phận Tharé và Nonseng, và bổ nhiệm linh mục Anthony Weradet Chaiseri, Tổng Đại diện giáo phận làm Tổng Giám mục kế nhiệm.

Đức nguyên Tổng Giám mục Louis Chamniern Santisuknriran sinh ngày 30.10.1942; thụ phong linh mục ngày 17.5.1970; được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Nakhon Sawan ngày 5.11.1998. Sau hơn 6 năm là Giám mục Nakhon Sawan, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Tharé và Nonseng ngày 1.7.2005.

Đức tân Tổng Giám mục Anthony Weradet Chaiseri sinh ngày 26.6.1963 tại Tharé, thuộc Tổng Giáo phận Tharé và Nonseng; thụ phong linh mục ngày 21.3.1992, thuộc linh mục đoàn của Tharé và Nonseng. Trong thời gian 1997 - 1998, ngài là giáo sư Tiểu Chủng viện Fatima ở Tharé và một năm sau đó đảm nhận vai trò Giám đốc Tiểu chủng viện này. Từ năm 1998 đến 2008, ngài làm Giám đốc Đại Chủng viện thánh Gioan Maria Vianney ở Thakaek, Lào, đồng thời cũng là giáo sư Kinh Thánh. Từ năm 2008 đến 2020, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Tharé và Nonseng. Song song vai trò Tổng Đại diện, ngài là linh mục chánh xứ của giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu; giáo xứ Chánh tòa Tổng lãnh Thiên thần Micae; và giáo xứ Mẹ các vị Tử đạo.

 

Lễ nhớ thánh Faustina Kowalska vào ngày 5.10 hằng năm

Ngày 18.5.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sắc lệnh, quyết định đưa lễ nhớ thánh nữ Faustina Kowalska vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội và lễ nhớ không buộc này được cử hành vào ngày 5 tháng 10 hằng năm. Bộ Phụng tự cũng xác định: “Lễ nhớ sẽ được đưa vào tất cả các lịch và sách phụng vụ để cử hành thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ; các bản văn phụng vụ kèm theo sắc lệnh này phải được dịch và chấp thuận, và sau khi Bộ Phụng tự phê chuẩn, sẽ được các Hội đồng Giám mục xuất bản”. Thánh Faustina sinh năm 1905 tại làng Głogowiec, Ba Lan, và qua đời năm 1938, tại Krakow. Được Đức Gioan Phaolô II tuyên thánh vào năm 2000, tên của thánh Faustina nhanh chóng được biết đến trên khắp thế giới, và qua đó cổ võ việc cầu khẩn Lòng Chúa Thương Xót trong mọi thành phần Dân Chúa. Đây chính là lý do Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định đưa lễ kính nhớ thánh Faustina Kowalska vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội.

 

Tuần lễ Laudato Si

Tuần lễ Laudato Si với chủ đề “Tất cả được kết nối” diễn ra từ 16 đến 24.5.2020 để kỷ niệm 5 năm ngày Đức Phanxicô ban hành thông điệp Laudato Si về việc bảo vệ Ngôi nhà chung. Trong tuần lễ này, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu ở khắp nơi suy tư và thực hiện một cam kết chung nhằm giúp xây dựng và củng cố những thái độ hướng tới việc chăm sóc công trình Sáng tạo. Bộ Phục vụ và Phát triển Con người toàn diện nhấn mạnh rằng, “các giáo huấn của Laudato Si có liên quan đặc biệt trong bối cảnh hiện tại của đại dịch Covid-19, đã khiến nhiều nơi trên thế giới phải ngừng hoạt động. Thông điệp đưa ra tầm nhìn để xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn”. Nhân tuần lễ Laudato Si, tu sĩ dòng Tên và tổ chức Bác ái phát triển ở Anh (CAFOD) đã có một sáng kiến gọi là Eco-Catholic. Đây là trang mạng (eco-catholic.com) giúp các tín hữu tìm hiểu các giáo huấn về sinh thái, những gợi ý cách sống cộng tác trong việc bảo vệ môi trường... Ở Ấn Độ, các tu sĩ dòng Tên cũng khuyến khích học sinh tham gia phong trào “Tarumitra” động viên con người trở thành bạn của cây, thúc đẩy một môi trường lành mạnh trên Trái đất.

 

Pakistan cầu nguyện liên tôn trong thời dịch Covid-19

Ủy ban Đối thoại liên tôn và Đại kết của Pakistan đã tổ chức buổi cầu nguyện vào ngày 14.5.2020, xin Chúa giải thoát mọi người khỏi đại dịch. Các nhà lãnh đạo các tôn giáo ở Pakistan đã cùng cầu nguyện tại nhà thờ Chánh tòa Thánh Tâm ở Lahore. Đức Tổng Giám mục Sebastian Shaw, chủ trì buổi cầu nguyện, đã chia sẻ là đại dịch ảnh hưởng tới toàn thể cộng đồng. Vì thế, mọi người được mời gọi gạt bỏ những khác biệt, phân biệt đối xử, để cùng đoàn kết trong sự hòa hợp xã hội, tôn giáo. Tín hữu các tôn giáo được mời gọi ăn chay, cầu nguyện, làm việc lành, cầu xin Chúa giúp đỡ nhân loại vượt qua đại dịch Covid-19. Đại diện các cộng đồng Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, đạo Sikh đã đánh giá cao buổi cầu nguyện chung và tái khẳng định sự hiệp nhất tâm linh này.

 

Ngày Thế giới người Di dân và tị nạn lần thứ 106

Ngày này được Giáo hội tổ chức vào 27.9.2020. Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp vào ngày 13.5 mang tựa đề: “Như Chúa Giêsu, họ bị buộc phải chạy trốn. Tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân nội địa”. Đức Phanxicô đã dành sứ điệp này “nói về thảm kịch của những người di dân nội địa, một thảm kịch thường không được nhận thấy và cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19 làm cho nó trở nên trầm trọng hơn” và sứ điệp “cũng mở rộng đến tất cả những người đang gặp phải tình cảnh bấp bênh, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề và bị từ chối do hậu quả của Covid-19”. Đức Phanxicô ngoài việc nhắc đến 4 điều căn bản của sứ điệp năm 2018 mà mỗi Kitô hữu phải thực hiện với anh chị em di dân là đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập, đã nhấn mạnh thêm sáu cặp động từ “cần biết để hiểu”; “cần gần gũi để phục vụ”; “để hòa giải cần lắng nghe”; “để tăng trưởng cần chia sẻ”; “cần tham dự để thăng tiến”. Những cặp động từ này đều gợi lên mối quan hệ hỗ tương trong việc tiếp đón và thăng tiến người di dân.

 

Không đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch

Ngày 16.5.2020, 42 tổ chức tôn giáo từ 14 quốc gia đã tuyên bố thoái vốn khỏi các công ty nhiên liệu hóa thạch, hoặc tránh các khoản đầu tư như vậy trong tương lai. Đây là thông báo chung lớn nhất từ trước đến nay về việc thoái vốn đầu tư khỏi nhiên liệu hóa thạch. Các tổ chức tôn giáo này thuộc Anh giáo, phong trào Giám lý (Methodist), Phật giáo, Công giáo; trong số đó có 21 tổ chức ở Anh, số còn lại thuộc các quốc gia Argentina, Bangladesh, Brazil, Colombia, Ecuador, Indonesia, Ireland, Kenya, Myanmar, Mỹ, Tây Ban Nha, Úc, Ý. Việc không đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nhằm góp phần hạn chế biến đổi khí hậu. Ông Tomás Insua, Giám đốc điều hành Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu, cho biết: “Mỗi đôla đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch là một lá phiếu ủng hộ sự đau khổ. Các tổ chức tôn giáo đang thực hiện hành động tiên tri để thắp sáng con đường hướng tới một tương lai công bằng và bền vững hơn, bởi vì giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần bảo vệ cộng đồng và cùng nhau xây dựng một sự phục hồi công bằng”.

Nguồn:http://www.cgvdt.vn/cong-giao-the-gioi/giao-hoi-thai-lan-co-tan-tong-giam-muc_a11080

Thông tin khác:
"Chuỗi Mân Côi hy vọng" cầu nguyện cho các bệnh nhân Covid-19 (25/05/2020)
“Năm Kỷ niệm đặc biệt Laudato Sì” - ngày 24/05 cầu nguyện cho trái đất và nhân loại (25/05/2020)
Lộng lẫy nhà thờ Cù Lao Giêng (22/05/2020)
Giáo xứ Phong Ý (22/05/2020)
Quận Đống Đa chung tay phòng, chống dịch Covid - 19 (22/05/2020)
Chợ gạo Tiền Giang: Sinh động mô hình bảo vệ môi trường (21/05/2020)
Nhà thờ Mộ Thánh - Vùng đất thiêng (21/05/2020)
Tinh hoa tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác tôn giáo ở Việt Nam (21/05/2020)
Hội đồng Giám mục Việt Nam thư gửi cộng đồng Dân Chúa (20/05/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log