Hồi còn đi học, tôi tình cờ được đọc báo Chính Nghĩa (tiến thân của báo Người Công giáo Việt Nam) từ tay cha tôi. Sau này, tôi trở thành cộng tác viên, phóng viên báo Người Công giáo Việt Nam và một số tờ báo khác cũng trong sự tình cờ qua những bài thơ, bút ký, phóng sự gửi tới Tòa soạn. Sau mỗi bài báo, tôi nhần về những niềm vui, những lời khen, góp ý của bạn bè, đồng nghiệp, những cái bắt tay chúc mừng “Nhà báo”, cùng với sự gửi gắm của cộng đồng giáo dân sau mỗi lần viết về họ.
Nhìn lại, đã hơn 30 năm được mang danh “Nhà báo” không thẻ, càng viết, càng đọc, càng mê sau mỗi thời kỳ đổi mới của báo Người Công giáo Việt Nam. Từ những trang tin của quý vị giáo dân chứa đựng nhiều thông tin phong phú, nêu gương người tốt, việc tốt trong các giáo xứ, giáo họ cho đến những bài viết sâu sắc đầy tính chân thiện mỹ, những tâm tình, chia sẻ lời Chúa, những thông tin về giáo hội hoàn vũ của quý tu sỹ, linh mục, Giám mục, các nhà văn, nhà thơ, học giả, đến những bài phản ánh, bình luận theo dòng thời sự của đất nước và Giáo hội, làm cho Báo ngày càng có sức hấp dẫn từ cảm quan đến thu nhận. Tôi vui mừng cảm nhận rằng, Tòa soạn cũng đã tập hợp được nhiều cộng tác viên tâm huyết, có năng lực, trình độ hiểu biết sâu rộng về đạo và đời.
Trong điều kiện thông tin bùng nổ, đa dạng, đa chiều, đa phương tiện, tuần báo có tính đặc thù như Người Công giáo Việt Nam, trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, không dễ để tìm cách đổi mới so với nhiều cơ quan báo chí khác có những lợi thế riêng. Nhiều tờ báo đã và đang tìm được chỗ đứng tin cậy trong lòng bạn đọc, trong khi một số ít tờ báo khác dùng các phương pháp câu khách thiếu tính bền vững. Đặc biệt, trong số bạn đọc vẫn có những người nhận thức chưa đầy đủ, vội vàng đưa ra những thông tin chủ quan, một số khác chưa hiểu hoặc cố tình tạo ra sự nghi ngờ đối với vai trò, chức năng của tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, từ đó có những suy diễn lệch lạc về báo Người Công giáo Việt Nam nhằm thay đổi nhận thức, niềm tin trong cộng đồng giáo dân để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng báo Người Công giáo Việt Nam luôn thực hiện theo phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tính chân thực, sự giản dị, dễ hiểu, phổ thông. Người chỉ rõ “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ”, trước khi cầm bút, Người luôn đặt câu hỏi”Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong suốt chiều dài lịch sử, báo Người Công giáo Việt Nam luôn có đội ngũ vững vàng, sáng tạo, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được các tôn chỉ, mục đích, và hấp dẫn độc giả bằng những nội dung thời sự, vấn đề- sự kiện thời sự và những sinh động thực tiễn tại các giáo xứ, giáo họ. Bên cạnh đó là những bài viết về kinh tế, xã hội, thông tin hướng dẫn pháp luật thiết thực. Vì người giáo dân cũng như lương dân đều có cuộc sống gắn với đời sống xã hội. Do đó, thông tin về các lĩnh vực xã hội đã được Báo kịp thời chọn lọc, giúp đồng bào Công giáo hội nhập tốt hơn.
Báo Người Công giáo Việt Nam trong suốt tiến trình hợp tác, đồng hành, chia sẻ, đổi mới, hội nhập và phát triển, luôn trung thành với hướng đi đúng đắn, mang tính đặc thù của một tờ báo đạo. Nhờ vậy, những năm qua tờ báo đã góp phần to lớn trong việc triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật, các cuộc vận động do Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khởi xướng, cũng như đường hướng mục vụ của Giáo hội. Bên cạnh đó Báo chuyển tải được nhiều nội dung bổ ích, cập nhật nhiều thông tin nghiên cứu, tra cứu, cẩm nang, trao đổi, đối thoại.
Báo cũng đã góp phần nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến xuất sắc, gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng giáo dân. Báo thực sự là cầu nối giữa đạo với đời, thông qua đó để Nhà nước nắm bắt tâm tư nguyện vọng và nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào Công giáo. Với những người không theo tôn giáo, hoặc theo các tôn giáo khác, qua báo Người Công giáo Việt Nam cũng có thêm hiểu biết, ứng xử phù hợp trên tinh thần đoàn kết, tôn trọng nhau. Với những người Công giáo, báo đã góp phần lan tỏa tinh thần “Yêu thương và phục vụ”, “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, qua đó cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp, bác ái và hiệp thông.
Để tờ báo Người Công giáo Việt Nam có những bước phát triển mới, đáp ứng nhu cầu thông tin trong bối cảnh xã hội hóa thông tin đang diễn ra từng giờ từng phút, Tòa soạn cần có chiến lược dài hạn, kế hoạch cụ thể trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp trong từng giai đoạn. Đồng thời có những phương pháp mới để tập hợp, quan tâm, động viên đội ngũ cộng tác viên để có những bài viết sâu sắc cả đạo và đời, đặc biệt là những bài viết chứa đựng nhiều thông tin thực tế tại cơ sở.
Lúc sinh thời, trong một bức thư gửi trí thức Nam bộ, trong đó có các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Trên cơ sở tư tưởng của Người, khi cần thiết, Tòa soạn có thể đưa ra những bài viết thấu tình, đạt lý, đủ sức thuyết phục để trao đổi, định hướng, nâng cao nhận thức, hoặc phản bác lại những luận điệu sai trái, thể hiện tính công tâm và lập trường của Báo đối với những vấn đề nóng, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.
Tòa soạn cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá, tiếp cận bạn đọc, phương pháp phát hành, thu hút được các Ban Đoàn kết Công giáo, các địa bàn có đông giáo dân. Đồng thới có kế hoạch phối hợp, hợp tác cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong phát hành báo, để thêm phần lan tỏa tiếng nói của Báo tới bạn đọc.
THANH NGỌC