Tin tức - Hoạt động

400 năm chữ quốc ngữ

Cập nhật lúc 16:05 07/11/2019
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Bạch Yến
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Bạch Yến

Cùng hiện diện trong buổi hội thảo có Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Giám mục Giuse Đặng Đức Ngân, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa; các Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Đaminh Nguyễn Văn Mạnh. Ngoài ra còn có linh mục Thư ký Ủy ban Văn hóa Giuse Trịnh Tín Ý, các linh mục, tu sĩ nam nữ, những đại diện nhóm liên tôn (Cao Đài), ông Đặng Ngọc Lệ - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học,…

Trong diễn từ khai mạc, Đức Giám mục Giuse, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa đã chia sẻ gợi mở để giới thiệu với các hội thảo viên nhìn lại quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, trong lịch sử loan báo Tin Mừng. Với chiều dài xuyên suốt 400 năm, từ khi người Việt còn phải dùng chữ viết hoàn toàn vay mượn, hoặc được cải tiến với các tên gọi: chữ Hán Việt, chữ Nôm. Chính trong bối cảnh này văn học dân gian truyền khẩu trở nên khả dụng, nhưng cũng gây ra tình trạng tam sao thất bổn. May mắn trong giai đoạn lịch sử này, vào thế kỷ XV xuất hiện các giáo sĩ từ phương Tây đến Việt Nam giảng đạo, phổ biến giáo lý Công giáo. Các vị thừa sai cùng với các thầy giảng Việt Nam lúc đó đã nỗ lực nghiên cứu khai sáng chữ Quốc ngữ, dựa trên các mẫu tự và văn phạm của ngôn ngữ Latinh. Cũng từ đó công cuộc truyền giáo bằng tiếng Việt của các thừa sai mỗi ngày một thêm tiến triển.

Chương trình thuyết trình tại hội thảo gồm những chủ đề: “Ảnh hưởng của văn chương Công giáo trên việc truyền bá đức tin ở Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII”; “Nhà biên soạn thực sự của Mannuductio Ad Linguam Tunkinensem (Văn phạm Việt ngữ thế kỷ XVII đến XVIII)”; “Văn học Tôn giáo từ năm 1620 đến nay” và “Văn học chữ Quốc ngữ thế kỷ XIX - Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815 – 1853), cánh én báo mùa Xuân”. Với các thuyết trình được nhiều người biết đến như: PGS.TS linh mục Antôn Trần Quốc Anh; TS. Phạm Thị Kiều Ly, ngành Khoa học Ngôn ngữ tại Đại học Sorbonne Nouvelle; linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông - Tiến sĩ Giáo dục Tôn giáo, dòng Chúa Cứu Thế; linh mục Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, OP... 

Những trao đổi, những câu hỏi đáp được đưa ra sau phần thuyết trình làm cho buổi hội thảo thêm sôi nổi, sinh động.

Diễn từ đúc kết của Đức Giám mục Giuse, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa gửi tới các hội thảo viên, các thuyết trình viên, tham dự viên, cảm nhận, bàn thảo và cùng suy tư trong hai ngày vừa qua, về dòng chảy của chữ Quốc ngữ trong 400 năm. Ngài cảm ơn bốn thuyết trình viên với sự hiểu biết chuyên sâu, đã giúp cho mọi người hiểu biết chữ Quốc ngữ từ thời phôi thai, thời kỳ phát triển, hoàn thiện lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, đến khi phổ biến vào năm 1865 cho đến ngày nay. Tin Mừng đưa vào văn học chảy dài suốt dòng lịch sử Giáo hội, góp phần vào công cuộc truyền giáo. Văn học là nguồn sống đức tin, có khả năng chuyển tải tới tâm hồn con người, để có thể dẫn tới niềm tin Kitô giáo.

Trước khi kết thúc chương trình, Đức Giám mục Giuse - Chủ tịch công bố “Văn kiện hướng dẫn việc kính nhớ tổ tiên” của Ủy ban Văn hóa được Hội đồng Giám mục Việt Nam trong kỳ họp XIV vừa qua 0/2019) chấp thuận áp dụng thử nghiệm trong 3 năm, bắt đầu từ ngày 04/10/2019.
 
TH
Thông tin khác:
Đồng bào Công giáo thủ đô thi đua yêu nước, xây dựng “xứ, họ đạo tiên tiến” (07/11/2019)
Những nụ cười hạnh phúc của khu xóm nghèo (07/11/2019)
Giáo xứ Thượng Chiểu (07/11/2019)
ĐTC Phanxicô cử hành thánh lễ tại hầm mộ Priscilla (05/11/2019)
Chính quyền Sri Lanka công nhận một nhà thờ Công giáo là “nơi thánh" (05/11/2019)
Hướng tới kỷ niệm 50 năm linh mục của ĐTC Phanxicô. (05/11/2019)
Đức Thánh Cha tiếp Liên hiệp quốc tế các Đại học Công giáo (05/11/2019)
Trừng trị kẻ tham nhũng, hối lộ (01/11/2019)
Bảo vệ sự đa dạng sinh vật (01/11/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log