Công đồng Vatican II hiển nhiên là một biến cố lớn mang tính quyết định trong lịch sử Giáo hội Công giáo hiện đại. Chính theo lệnh của Công đồng mà kho tàng Lời Chúa được mở rộng cho mọi tín hữu. Vào chính thời gian diễn ra Công đồng, và trong những năm kế tiếp, một số anh chị em linh mục và tu sĩ Việt Nam theo học ở châu Âu, rồi trở về nước mang hoài bão góp phần làm cho hoa quả của Công đồng đem lại lợi ích thiêng liêng cho đời sống Kitô hữu. Từ nay người tín hữu được cử hành phụng vụ bằng tiếng mẹ đẻ. Đầu thập niên 70, ngay lúc vừa có ấn bản Pháp ngữ của cuốn Các giờ kinh Phụng vụ, nghĩa là hơn 1 năm trước khi có ấn bản chính thức bằng La ngữ, thì trong bầu khí phấn khởi hậu Công đồng, nhiều người đã nôn nao muốn có bản dịch bằng tiếng Việt...” Những dòng trên đây mở đầu cho bài viết của linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ngày 23/12/2011 trong kỷ yếu nhân 40 năm Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ ra đời. Năm nay, 1/11/2021 kỷ niệm 50 năm thành lập (1971-2021) Nhóm tiếp tục thực hiện cuốn Kỷ yếu “Mừng sinh nhật thứ 50, Nhóm ra cuốn Kỷ yếu năm hiện diện để những ai không có hay không còn cuốn kỷ yếu năm hiện diện vẫn có đấy đủ thông tin về cuộc hành trình 50 năm của Nhóm”.
Hân hạnh được đọc cuốn kỷ yếu 50 năm hiện diện do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành. Xin giới thiệu với bạn đọc tóm tắt lịch sử hình thành và quá trình hoạt động 50 năm qua của Nhóm.
Theo linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, dòng Phanxicô, người đầu tiên có ý định qui tụ một số các linh mục thành lập nhóm thì mùa hè năm 1971, cha gặp cha Đỗ Xuân Quế chủ bút báo Nhà Chúa. Cha Quế cho biết một số anh em linh mục trẻ có ý định dịch ra tiếng Việt cuốn Các giờ kinh Phụng vụ. Đó là các linh mục Hoài Đức, Trần Ngọc Quỳnh, Xuân Ly Băng, Nguyễn Văn Hòa (sau là Giám mục giáo phận Nha Trang), tất nhiên là có linh mục Đỗ Xuân Quế. Sau đó cha Quế đi Pháp tu nghiệp. Dịp lễ Các thánh 1/11/1971 anh chị em họp nhau tại Đan viện Biển Đức lần đầu tiên gồm quý cha: Trần Phúc Nhân, Xuân Ly Băng, Thiện Cẩm, Nguyễn Hồng Giáo, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Ngọc Tỉnh và chị Lê Thị Hiên. Buổi họp nguyên một ngày hôm đó được coi như ngày thành lập Nhóm. Các năm sau đó có thêm các linh mục Trần Ngọc Thao, Hoàng Kim. Nhóm được Đức cha Jacq đặc trách các dòng tu của Hội đồng Giám mục Việt Nam ủng hộ. Nhóm cũng được các vị trong Hiệp hội các Bề trên Thượng cấp dòng nam như các cha Bửu Dưỡng, Nguyễn Huy Lịch, Bạch Văn Lộc, các chị nữ tu Biển Đức (Thủ Đức), các tu viện Phanxicô Thủ Đức, Nha Trang, Đan viện Châu Sơn-Đơn Dương, Tập viện dòng Tên ở Thủ Đức, Tu viện Mai Khôi đón tiếp và ủng hộ. Nhớ lại những năm đầu thập niên 70 từ năm 1972 đến năm 1974, Nhóm dịch xong cuốn Các giờ kinh Phụng vụ, phần thường niên, gồm cả 4 tuần. Cha Pascal viết: “Các dòng nườm nượp cho xe tới tu viện Phanxicô Đa Kao chở sách, còn tôi thì cứ mấy bữa lại đi ngân hàng gửi tiền. Vào giai đoạn này, Nhóm đã được nhiều người biết đến. Cuốn sách in ra được sử dụng trong nhiều năm, có những nơi dùng mãi tới năm 1990-1991, nghĩa là cho đến khi có sách mới”.
Mừng sinh nhật thứ 40 (1971 - 2011) của nhóm phiên dịch các giờ kinh Phụng vụ. Ảnh: Mai Khôi |
Thật vậy, “Các giờ kinh Phụng vụ” là cuốn sách ra đời đầu tiên của Nhóm, và chính tên của cuốn sách cũng đồng thời là tên chính thức của Nhóm từ năm 1971 đến nay, cho dù đã có vị đề nghị Nhóm nên lấy tên khác. Cuốn sách đầu tiên này được in trở lại năm 1990, chỉ nguyên cuốn thường niên cho đến năm 1995 đã lên đến 100.000 bản. Tháng 7/2012 ra mắt trọn bộ 4 quyển, được phổ biến rộng rãi từ hơn một thập niên nay được đón nhận với nhiều thiện cảm, có thể nói đây là một thành công.
Cuốn sách thứ hai cũng được đông đảo giáo dân đón nhận và ủng hộ là cuốn Tân Ước được in dưới dạng Roneo với 2000 bản ra đời năm 1985. Ngày 13/8/1994 tại Tòa Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh ra mắt cuốn Tân Ước bản in chính thức. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã đến “chia vui với mọi người nhà nhất là tỏ bày lòng ưu ái với anh em”. Cha Trần Ngọc Thao, Trưởng Nhóm ngỏ lời chào mừng và tri ân các vị khách. Buổi ra mắt này còn có sự hiện diện của đông đảo quan khách mà tiêu biểu là Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Alberto Ablondi, Chủ tịch Hiệp hội Thánh Kinh Công giáo, Đức ông Tốt, Đức ông Minh, cha Cao Đình Trị-Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, cha Mai Văn Hùng đại diện anh em Mai Khôi, cha Trần Đức Hải, Giám tỉnh dòng Phanxicô. Linh mục Hồ Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Công giáo, với tư cách đại diện Tòa Tổng Giám mục người đứng đơn xin phép xuất bản còn ưu ái cho mượn kho để chứa sách, lo tổ chức về phần lễ tân và hậu cần cho buổi lễ. Nhờ sự trợ giúp của Liên hiệp Thánh Kinh Hội mà từ năm 1994 đến 1996 đã có 50.000 cuốn Tân Ước có chú thích và 350.000 cuốn không có chú thích được phổ biến trên toàn cõi Việt Nam. Riêng năm 1997, đáp lời yêu cầu của Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội, Liên hiệp Thánh Kinh Hội đã cho ấn hành 100.000 bản Tân Ước của Nhóm với giá đặc biệt cho các giáo phận miền Bắc, nơi đa số giáo dân còn nghèo. Nhóm cũng đề ra chỉ tiêu từ nay đến cuối thế kỷ, làm sao trung bình mỗi gia đình Kitô hữu Việt Nam có được một cuốn Tân Ước. Sách Tân Ước loại bỏ túi (sách nhỏ) và loại chữ lớn cộng lại đã vượt con số 2.700.000 bản.
Ngoài hai cuốn Best seller nói trên, trong vòng hơn 30 năm qua, Nhóm đã cho ra đời 25 đầu sách trong đó phải kể đến những cuốn rất công phu, “Nặng ký” như: Kinh Thánh trọn bộ với dẫn nhập và chú thích đơn giản (1998), Các bài đọc trong thánh lễ (2000-2009), Lời Chúa cho mọi người: Tân Ước (2005), Lời Chúa cho mọi người: Kinh Thánh trọn bộ (2006). Đặc biệt Nhóm còn cho ra đời bộ Lời Chúa cho người khiếm thị gồm: Bốn sách Tin Mừng, sách Công vụ Tông đồ, Các Thánh Vịnh, Lời Chúa trong thánh lễ. Theo thống kê, cộng chung các sách Kinh Thánh đã vượt con số 3000.000 bản. Nhóm cũng phổ biến sách đọc trên mạng vào năm 2016 với Website: ktcgkpv.org. Năm 2021 này đã thực hiện Kinh Thánh thu âm hợp tác với tổ chức Faith Comes By Hearing (FCBH), dự định sẽ ra mắt vào năm 2022.
Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Trưởng nhóm nay đã bước vào tuổi 85 tâm tình:
“Ôn lại cuộc hành trình 50 năm, bản thân tôi cũng như các anh chị em tôi trong Nhóm Phiên dịch các giờ kinh Phụng vụ muốn làm lại kinh nghiệm của Dân Chúa ngày xưa khi vào Đất Hứa là nhìn lại, ôn lại, hồi tưởng lại để khám phá và cảm nghiệm ân huệ của Thiên Chúa... Tôi xác tín mạnh mẽ rằng Thiên Chúa quan phòng đã soi sáng, hướng dẫn, chở che bao bọc chúng tôi trong suốt cuộc hành trình 50 năm. Và giờ đây, khi ôn lại chặng đường dài nhiều khó khăn nhưng đầy bất ngờ và cũng đầy thú vị, mỗi người trong anh chị em chúng tôi chỉ có thể nói như tác giả Thánh Vịnh ngày xưa:
Xin cầu chúc cha Trưởng nhóm và các thành viên (hiện nay gồm 15 linh mục, tu sĩ, giáo dân) và những người cộng tác, luôn “Chan chứa niềm vui” khi chọn con đường đã, đang và sẽ đi cho đến khi mỗi gia đình Kitô hữu Việt Nam có một cuốn Tân Ước như ước vọng.