Giáo dân tham dự thánh lễ trự tuyến. Ảnh: CTV |
Việt Nam đang đối mặt với lần bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 được xác định là khó khăn, diễn biến theo chiều hướng phức tạp và thách thức hơn với việc lần đầu ghi nhận biến thể có tốc độ lây nhiễm mạnh nhất thế giới. Kể từ ngày 27/4 đến chiều 12/5, cả nước đã có tới 581 ca lây nhiễm trong cộng đồng và xảy ra cùng lúc tại nhiều địa phương, tỉnh thành. Trước những diễn biến khó lường của đại dịch, nhiều giáo phận đã thông báo về việc bà con giáo dân có thể tham dự thánh lễ theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đối với hình thức trực tiếp đến nhà thờ dự thánh lễ, số lượng người tham gia cũng được giới hạn và mọi người đều được yêu cầu chấp hành các biện pháp phòng dịch. Bạn Trương Thị Quyên (giáo xứ Xuân Hòa - giáo phận Bắc Ninh) chia sẻ: “Trước tình hình dịch bệnh, nhìn chung giáo dân đều ý thức phòng tránh cho mình và cho người khác. Mọi người đến nhà thờ đều ý thức ăn mặc gọn gàng, kín đáo, đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào nhà thờ. Vào nhà thờ không nói chuyện riêng và ngồi 2 người một ghế, cách nhau khoảng 2m theo quy định chung. Những vị hữu trách tại nhà thờ đã chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, và nhắc nhở mọi người giãn cách đủ 2m”.
Còn với hình thức tham dự thánh lễ trực tuyến, bà con giáo dân có thể tham dự tại các địa chỉ website chính thức tùy theo từng giáo phận. Cô Bùi Thị Thu Hà (giáo xứ Hà Đông,Tổng giáo phận Hà Nội) cho biết: “Bình thường cô hay đi lễ vào lúc 19h các ngày trong tuần. Tuy nhiên thời gian này do dịch bệnh nguy hiểm và cũng nhận được thông báo từ Tòa Tổng giáo phận Hà Nội nên cô và gia đình đã tham dự lễ thánh trực tuyến tại nhà. Đây cũng được coi như là tham dự lễ chính, không có gì thay đổi so với việc trực tiếp ra nhà thờ”.
Chúng ta đều biết rằng nhà thờ là nơi có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi một tín hữu, là nơi hành lễ, cầu nguyện và là nơi cử hành các nghi thức phụng vụ Chúa. Tuy rằng vì một số lý do khách quan mà bà con giáo dân không thể đến nhà thờ để tham dự thánh lễ như bình thường nhưng với lòng tin nơi Chúa, sự cậy trông Người sẽ dẫn dắt, soi đường dẫn lối và giúp ta ngăn chặn, dập tắt đại dịch thì dù có ở nơi đâu cũng đều không thay đổi. “Tham dự thánh lễ trực tuyến thì cũng không có điểm gì khác bởi đức tin của mọi người. Còn đối với cô Vũ Thị Lê thì để chuẩn bị cho buổi lễ thì trang phục phải gọn gàng, chỉn chu, ngồi ở một nơi yên tĩnh và không dùng điện thoại hay làm việc riêng. Cô Vũ Thị Lê, một giáo dân tại giáo xứ Hà Đông - Tổng giáo phận Hà Nội nói thêm.
Nhiều hoạt động, sự kiện tại nhà thờ ở các địa phương do ảnh hưởng của đại dịch nên đã phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ. Ví dụ như Đại hội Giới trẻ, Bổn mạng giáo xứ,…hay các lớp giáo lý cho thiếu nhi, giáo lý hôn nhân. Đặc biệt, tháng 5 này là tháng Hoa, tháng dành riêng kính Đức Mẹ, tôn vinh Mẹ Chúa Trời và thông thường sẽ có lễ dâng hoa kính Đức Mẹ trước giờ bắt đầu thánh lễ. Thế nhưng năm nay cũng đã phải hủy bỏ các buổi dâng hoa như vậy, tránh trường hợp tập trung đông người và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, với tấm lòng bác ái yêu thương, dù là trước hay sau khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh thì các hoạt động thiện nguyện do các hội nhóm tổ chức luôn được duy trì nhằm tạo sự gắn kết và tinh thần sẻ chia cùng những hoàn cảnh còn khó khăn, bà con giáo dân nơi vùng sâu vùng xa. Có thể kể đến như vào Mùa Chay năm nay, Caritas Hà Nội đã cùng với quý sơ, quý ân nhân và các hội viên Caritas giáo xứ Hà Đông đến thăm và tặng quà cho bà con dân tộc H’Mông tại giáo hạt Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Hay mới đây vào đầu tháng 5, khi thôn 5 Đồng Yên, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam phải thực hiện cách ly xã hội, Caritas Hà Nội cũng đã trích quỹ để mua gạo và các nhu yếu phẩm trao gửi với hy vọng động viên, khích lệ bà con nơi đây trong việc phòng tránh để vượt qua đại dịch.
Chúng ta quyết tâm chiến thắng đại địch mà nền tảng chính là sự đoàn kết, ý thức chấp hành pháp luật của tất cả mọi người, nhằm hạn chế đến mức tối đa sự lây lan của dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo an toàn.