Có nhiều huyền nhiệm mà tư duy con người khó hiểu, Bí tích Thánh thể là một siêu huyền nhiệm nên nhiều người khó tin. Có một câu chuyện được ghi trên giấy da cổ kể chuyện một linh mục tên là Linh thuộc dòng Bassilio di cư ở Trung Đông sang, ở làng Lanciano, Italia khi đọc lời Truyền phép trong thánh lễ nghi ngờ rằng, không biết bánh có phải thịt Chúa và rượu có phải máu Chúa không? Sau nhiều lần cầu nguyện, xin Chúa làm dấu lạ để xóa ngờ vực. Một lần, sau khi đọc lời Truyền phép, đột nhiên, khi nhìn vào chén rượu ngài thấy màu đỏ như máu và chiếc bánh trở nên như miếng thịt sống. Ngài vội kêu lên: “Hỡi những giáo dân có mặt ở đây, các người thật có phúc.Vì hôm nay, các người sẽ chứng kiến sự lạ là rượu, bánh hóa máu thịt của Chúa thật. Mọi người lên mà xem”. Giáo dân xúm lên xem và tất cả đều quỳ xuống để tôn vinh Thánh thể. Người ta vội mang chén rượu và bánh đi trình Giám mục bản quyền. Các Giám mục đã xem xét nhiều lần và cho rằng, đó chính là thịt, máu người. Tấm giấy da cổ bị thất lạc, nay chỉ còn ghi chép bằng tiếng Hy Lạp và Latinh cũng trên giấy da ghi lại câu chuyện này năm 1631. Thánh tích được bảo quản ở nhà thờ thánh Legonzio- tên người lính đã đâm cạnh sườn Chúa trên Thập giá.
Suốt 5 thế kỷ, thánh tích này được giao cho các linh mục dòng Bassillio coi giữ rất cẩn thận. Năm 1176, Đức Giáo hoàng Alexandre giao thánh tích cho dòng Bênêdictô bảo quản. Năm 1252, Đức Giáo hoàng lại trao thánh tích cho dòng Phanxicô. Dưới thời quân Thổ xâm chiếm thế kỷ XVI nhất là thời Naponeon, nhà vua truy lùng tìm thánh tích để đưa về Pháp nên Giáo hội càng cất giấu kỹ hơn. Mãi đến năm 1953, bầu không khí sinh hoạt tôn giáo mới trở lại bình thường. Người ta cho rượu “rượu- máu” vào một chén thánh thủy tinh bằng phalê trong suốt, có bọc ngà voi xung quanh rất đẹp (ảnh trên). Vẫn nhìn thấy màu đỏ hồng của máu. Còn phần bánh “bánh - thịt” thì đựng trong mặt nhật bằng bạc. Tất cả được đặt trong một tủ kính để giáo dân đến kính viếng (ảnh dưới). Năm 1258, người ta cũng xây một nhà thờ to hơn bao trùm nhà thờ thánh Legonzano có chứa thánh tích để có thể chứa được nhiều người đến cầu nguyện với Thánh Thể.
Sau Công đồng Trente (1545-1563), Giáo hội đã 5 lần tổ chức khảo sát thánh tích và xác nhận đó là chất hữu cơ, là máu, thịt thật. Năm 1971, Giáo hội chính thức nhờ các nhà khoa học vào cuộc xét nghiệm thánh tích trên. Dẫn đầu là Giáo sư Odoado Lioni, chuyên gia về tế bào sinh học cùng các nhà khoa học của Đại học Siena. Sau ba tháng cẩn thận phân tích, xét nghiệm, các nhà khoa học cho biết: Phần máu thuộc nhóm máu AB. Trong máu có đủ các yếu tố khoáng như clo, phốt pho, magie, canxi… Trọng lượng là 16, 505 gram. Còn phần bánh- thịt là thịt sống cùng với nhóm máu. Điều lạ kỳ, là qua 12 thế kỷ, thánh tích không hề có chất bảo quản, lại giữ trong môi trường bình thường mà không bị hư hại, phá hủy. Giáo sư Odoado Liodo đã tuyên bố trong cuộc họp báo rằng: “Tôi đã ngạc nhiên khi phân tích một chất hữu cơ có cách đây 12 thế kỷ. Chúng tôi khẳng định đây là chất hữu cơ thật. Khoa học phải đầu hàng trong sự kiện này và không thể giải thích hiện tượng kỳ lạ này”.
Bây giờ, du khách có thể chiêm ngưỡng thánh tích này ở đền thánh Legonzino. Nhìn vào phần thịt trong mặt nhật, thịt có màu hồng nếu có ánh sáng trong suốt. Diện tích phần thịt như hình chiếc bánh các linh mục vẫn dâng lễ ngày nay. Còn máu trong chén thánh bằng phale trong ở dưới thì có màu nâu sậm. Những ngày lễ kính lòng Thương xót Chúa, thánh tích vẫn được kiệu ra đường phố để giáo dân chiêm bái. Đây là phép lạ khá cổ xưa và lạ lùng nhất về Bí tích Thánh Thể.
Bích Hải
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com