Chiều 20/4, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai mạc Trưng bày và Tọa đàm chuyên đề “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Thủ đô Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc”.
Triển lãm có sự tham gia của nhiều thế hệ báo chí cách mạng, trong đó có các nhà báo lão thành như nhà báo Hà Đăng, Phạm Phú Bằng, Đặng Minh Phương…
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa cho biết: Trưng bày “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Thủ đô Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc” được thực hiện sau một quá trình kỳ công sưu tầm, nghiên cứu những ấn phẩm, những hiện vật báo chí có tuổi đời hơn 70 năm, những câu chuyện làm báo của các nhân chứng lịch sử”.
Trưng bày giới thiệu đến công chúng nhiều hiện vật quý, như các ấn phẩm báo Cứu quốc, Sự thật, Nhân Dân, Quân đội nhân dân… thời kỳ đầu; các vật dụng như máy chữ, máy ảnh của các nhà báo - chiến sĩ. Đặc biệt, một số hiện vật lần đầu tiên được ra mắt, như: bức ảnh gốc “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn chụp năm 1950; tư liệu về sự kiện Hội Nhà báo Việt Nam gia nhập Tổ chức nhà báo quốc tế OIJ năm 1950, hình ảnh nhà báo Thép Mới và Trần Lâm dự Hội nghị OIJ tại Helsinki - thủ đô Phần Lan, do nhà báo Phần Lan Kaarle Nordenstreng sưu tầm và gửi tặng thông qua Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam vào tháng 3-2021 vừa qua…
Cũng trong chương trình, buổi tọa đàm báo chí diễn ra trong không khí thân tình, xúc động bởi chia sẻ của các nhà báo lão thành. Nhà báo Hà Đăng (92 tuổi), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư tưởng, Văn hóa T.Ư kể lại những kỷ niệm làm báo Tết ở Liên khu V; nhà báo, nhà văn Thái Duy (95 tuổi) chia sẻ những câu chuyện khi làm báo Cứu quốc; nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp (99 tuổi) nói về những ngày làm báo tại mặt trận Điện Biên Phủ… về ảnh báo chí trong kháng chiến chống thực dân Pháp (dẫn chứng minh họa qua ống kính của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu)…
Trưng bày mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 21-6.