Tượng giáo sĩ I-nê-khu cao hơn 4m, với tấm bia đá có khắc ghi những chữ nho Phụng - Chủ - Mộ - Nhân ở khuôn viên Đền thánh Ninh Cường. Ảnh: CTV |
Sử gia Trần Trọng Kim viết về “Đạo Thiên Chúa sang nước Nam” như sau:
“Cứ theo sách Khâm Định Việt Sử, thì năm Nguyên Hòa nguyên niên, đời vua Lê Trang Tông (1533) có người Tây tên là I-NÊ-KHU, đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Chấn (tức là Nam Trực) và ở làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”. (Việt Nam Sử lược, quyển 2.Nxb TP.HCM 2000 trang 95).
Căn cứ theo sử lược, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, các nhà truyền giáo tùy theo thời cơ thuận tiện, lần lượt trước sau, đều phát xuất theo ngõ Ma Cao, Xiêm La hay Ấn Độ, rồi đi nhờ các tàu buôn hàng hóa của các nước Bồ Đào Nha, Y Pha Nho để đến rao giảng Tin Mừng cho dân chúng Đại Việt. Về danh xưng, theo linh mục P. Henri Bernard, dòng Tên trong cuốn “Pour la compréhension de L’Indochine et de L’occident” trang 58, có lối giải thích đơn giản, ngài cho rằng người Việt Nam xưa khi theo đạo của người Bồ Đào Nha thì gọi là đạo Phu Tu Ghê, theo người Y Pha Nho thì gọi đạo Y Pha Nho, theo người Pháp thì gọi là đạo Pha Lang Sa, và theo người Hòa Lan thì sẽ gọi là đạo Hòa Lan... Đơn giản như vậy. Nhưng từ thế kỷ XVII thì tất cả những gì có liên quan đến đạo Công giáo, đều gọi chung là đạo “Hoa Lang”. Tôn giáo này bước đầu có một số giáo điều mới lạ, không phù hợp và tuân thủ theo luật lệ của nước Đại Việt, đặc biệt việc “nhất phu, nhất phụ”, đụng chạm đến vấn đề đa thê, nên bị các vua chúa, quan quyền đều cho là “Tả Đạo” (Tà Đạo), liền ra lệnh ngăn cấm, gây ra bao cảnh chém giết tàn sát những người tín hữu trong 3 thế kỷ, con số lên đến 130.000 người.
Đạo Công giáo có mặt trên đất nước này hơn 4 thế kỷ. Ngày nay việc truy dò lại lịch sử quá khứ là một điều nan giải khó khăn. Theo giáo sĩ Constant Ponset (tên Việt Nam là Thảo), thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP) được đăng trên Tập san “Bulletin des Amis du Vieux Huế” số đầu tiên năm 1941 cho biết: Dựa trên tài liệu dòng họ Đỗ có tên là “Đỗ Tộc Gia Phả” ở làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, linh mục Ponset tìm thấy ở trang 18b một câu như sau: “Đỗ Hưng Viễn theo đạo có tên là Hoa Lang”.
Tuy chỉ vỏn vẻn có 10 chữ, nhưng lại có tầm vóc lịch sử quý báu, đánh đấu giai đoạn mở đầu đạo Công giáo vào Việt Nam.
Mặc dù chấp nhận họ Đỗ là người đầu tiên theo đạo Công Giáo, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa tìm ra như trường hợp ông học đạo lúc nào? Và theo đạo rửa tội ở đâu? Tất cả vẫn còn là những điểm nghi vấn, chưa có lời giải đáp thoả đáng...
Sau khi tiếp cận sử sách của giáo sĩ Constant Ponset SJvà của tác giả Romannet du Caillaut, cùng nghiên cứu tham khảo những số báo quý giá “Đô Thành Hiếu Cổ - Bulletin des Amis du VieuxHuế” của linh mục Léopold Michel Cadière, tên Việt là Cố Cả (1869-1955), từ đó nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục đăng trên tờ The Little Saigon News ngày 16/5/2008 đã có những nhận định về các sự việc trên như sau:
“Theo gia phả, cụ Đỗ Công Biển là bố của Đỗ Hưng Viễn làm quan lớn trong triều đình vào khoảng năm 1558 đến năm 1571 dưới thời Lê Anh Tông, khi ấy cụ khoảng 60 tuổi. Từ đó, suy ra ông Viên khi đó khoảng 30 tuổi. Việc gia nhập đạo của ông chỉ có thể xảy ra vào lúc ông từ 25 đến 30 tuổi. Trước 25 tuổi, ông có thể còn ở với bố mẹ nên chịu sự kiểm soát của gia đình không cho phép theo đạo. Sau tuổi 30 có thể ông cũng ra làm quan. Mà theo tục lệ lúc bấy giờ cho phép ông có nhiều bà vợ, cũng sẽ cản trở việc trở lại đạo của ông. Khó có thể ông từ bỏ tất cả vợ con để vào đạo. Xét như thế việc theo đạo của ông rơi vào thời gian từ 1560-1570, lúc ông còn trẻ, dưới thời Lê Anh Tông (1556-1573).
Những điều trên cũng cho thấy rằng, trên các thương thuyền thời đó thường có các giáo sĩ đi theo, nên câu hỏi được đặt ra tiếp là Đỗ Hưng Viễn được rửa tội ở đâu? Ông chắc chắn đã không được các giáo sĩ rửa tội, vì không ai dừng lại ở Việt Nam ở thời điểm này... Chỉ còn một cách giải thích là ông đã đi theo các thuyền buôn người Bồ và được các giáo sĩ rửa tội hoặc trên thuyền, hay ở Ma Cao, vào khoảng năm 1560-1570. Để giải thích rõ hơn là các vua như vua Lê Anh Tông rất muốn giao thiệp với các nhà buôn ngoại quốc và sẵn sàng đón nhận các giáo sĩ vào truyền đạo, nên rất có thể vua đã truyền cho họ Đỗ mang thư của vua sang Ma Cao cho các cha Phanxicô.Vì vậy mà họ Đỗ đã có thể đi học đạo và rửa tội không phải ở Việt Nam mà ở ngoại quốc”. Như vậy dựa vàocác tài liệu dẫn giải nêu ra, thì tạm chấp nhận 2 điểm trên có vẻ hợp lý.
Tiếp đến, trong dòng họ Đỗ ở làng Bồng Trung, Vĩnh Lộc,Thanh Hóa sau ông Viên, còn có ông Đỗ Viên Mẫn (Mãn) là con trưởng cụ Đỗ Cảnh - một võ tướng cao cấp của triều đình dưới thời Lê Thần Tông (1619-1643). Phần ông Mẫn gia nhập đạo vào khoảng giữa năm 1627-1629, do chính giáo sĩ Đắc Lộ (1593-1660) rửa tội cho tại thành Thăng Long. Ngoài ra, miêu duệ của ông Mẫn vinh dự có thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm (1781-1838) chịu tử đạo, được tôn phong hiển thánh ngày 19/6/1988.
Liên hệ đến sự kiện đi tìm dấu chân người Công giáo Việt Nam đầu tiên - Báo Người Công giáo Việt Nam, ngày 5/5/2020 đưa tin “Giáo xứ Kẻ Bền không những là quê hương của các thánh tử đạo mà còn được xem là nơi đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, với sự kiện cụ Đỗ Viên Mãn và Đỗ Hưng Viễn là những người theo Kitô giáo đầu tiên từ thời vua Lê Anh Tông... Xứ Kẻ Bền trước kia là một phiên của xứ Pháp Ngỡ, được thành lập từ năm 1832, và được gọi là Mai Lĩnh xứ hay Mai Vực, tên thường gọi là Kẻ Bền...”. Ngoài thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm ra, Kẻ Bền còn có cha thánh tử đạo Phaolô Nguyễn Ngân (1771-1840) và gần khu vực nhà xứ, lại thêm ngôi mộ đá được các nhà sư chùa Thôn Vực chôn cất và gìn giữ với nhan đề “Cam phận bia” bằng chữ Nôm, khắc tên tuổi 72 giáo hữu hy sinh vì Đức Tin thời vua Tự Đức (1848-1883).
Theo dòng thời gian, làng Bồng Trung, Thanh Hóa ngày nay thuộc về xứ đạo Kẻ Bền với bề dầy truyền thống lâu đời, đã sinh ra những nhân chứng luôn giữ vững đức tin, gắn bó lâu đời với dòng chảy lịch sử hào hùng của Giáo hội Công giáo.
Thật là một vinh dự, rất đáng tự hào cho giáo xứ Kẻ Bền và dòng họ Đỗ của dân tộc Việt Nam ta!