Theo đó, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống; 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai. Thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân.
Người dân ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận tiếp công dân xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Mạc Yến
Phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh...); 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng CNTT trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số. Các cơ quan công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến địa phương được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành Phòng họp trực tuyến; có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% các hệ thống thông tin thuộc Đề án được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng.
Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế- xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công.
Bắc Giang đã ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính ở bộ phận một cửa các cấp (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 10/10 huyện, thành phố, 209/209 xã, phường, thị trấn. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại với hệ thống phần mềm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, máy lấy số tự động, máy tra cứu TTHC, hệ thống camera quan sát giúp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Bắc Giang được phát triển trên cơ sở hợp nhất hệ thống thông tin Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã bổ sung các phân hệ chức năng (Quản lý kho dữ liệu hồ sơ TTHC và dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; tích hợp với phần mềm nghiệp vụ đất đai) phục vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Toàn tỉnh hiện nay đang cung cấp 828 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.095 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 69%.Tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC đạt 77,5%. Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ xa đạt 77,5%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công 41,83%./
BA