Năm 2022, xã Trương Lương, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng được phân bổ 4,2 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Là xã có 8/9 xóm đặc biệt khó khăn, 380 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm hơn 40,6%); địa hình rộng, bị chia cắt, dân cư sống rải rác, một số xóm ít đất canh tác, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nên khi được phân bổ nguồn vốn trên, Trương Lương sớm thực hiện hỗ trợ xây nhà ở; đăng ký xóa nhà tạm, nhà dột nát. Số vốn còn lại, xã đầu tư vào các hạng mục, đặc biệt là các hạng mục hỗ trợ địa phương về đích nông thôn mới vào năm 2025. Nhờ đó, đã vơi bớt phần nào khó khăn cho người dân, khắc phục phần nào hạn chế về hạng tầng nông thôn.
Một phần quang cảnh huyện Thạch An |
Một phần quang cảnh huyện Thạch An
Tại huyện Thạch An, một địa bàn miền núi, biên giới của tỉnh Cao Bằng có 12/14 xã, thị trấn thuộc khu vực III, 69/95 xóm đặc biệt khó khăn với trên 3.700 hộ nghèo (chiếm 46,7%), bà Nông Thị Huệ, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn, , năm 2022, huyện được giao gần 75 tỷ đồng để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay, huyện đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Thạch An được Trung ương phân bổ 741,095 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương 685,398 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 25,377 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được phân bổ 28,981 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 232,827 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ 452,287 tỷ đồng. Năm 2023, toàn huyện được phân bổ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí 210,518 tỷ đồng.
Đến nay, Thạch An đã giải ngân được 48,785 tỷ đồng, đạt 19,2%. Trong đó vốn đầu tư đã giải ngân được 44,519 tỷ đồng, đạt 35%; vốn sự nghiệp giải ngân được 4,266 tỷ đồng, đạt 3%. Nhìn chung, sau 2 năm thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (2021 - 2022), hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương còn gặp một số khó khăn, nhất là chương trình NTM nguồn lực hỗ trợ cho địa phương còn hạn chế; việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở còn chậm, nhất là việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn trong cơ chế chính sách triển khai thực hiện… Huyện kiến nghị tỉnh, Trung ương xem xét phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để huyện đầu tư thực hiện các tiêu chí chưa đạt, nhất là hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương như: hồi, thạch đen, bí thơm...
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới với với tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 94,88% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng đề ra kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do vướng cơ chế và hướng dẫn để giải ngân, một số sở, ngành và các địa phương đã xin trả lại kinh phí sang năm 2023. Trong đó, tất cả các huyện xin trả lại kinh phí thực hiện các dự án 1, dự án 5 và 7.
Lễ hội Nàng Hai của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Cùng với đó, việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách là Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các hạng mục như khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ bảo vệ rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; trồng rừng… là công việc lớn đối với cấp xã, trong khi đó, hầu hết các xã đều thiếu cán bộ chuyên trách về lâm nghiệp. Điều này đang ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Năm 2023, tỉnh Cao Bằng dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình hơn 1.500 tỷ đồng.
Năm 2022, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, được quần chúng nhân dân triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, kịp thời. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát... Nhờ đó, đã góp phần quan trọng giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống để thoát khỏi đói nghèo.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định thành lập tổ giúp việc Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Chương trình, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Cũng trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã trình UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án 5, Tiểu dự án 4 “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai ở các cấp”; tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực trong tháng 12/2022, phấn đấu giải ngân hết ngày 31/12/2022 đạt 98%; tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín; tổ chức 08 hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An, Thạch An và cụm xã tại huyện với 592 lượt người tham dự… Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 06 Hội nghị tập huấn công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Trùng Khánh. Cùng với đó, đẩy mạnh truyên truyền, vận động, phát hiện kịp thời các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Kết quả, số cặp kết hôn có tảo hôn giảm so với năm 2021 (năm 2021 có 258 cặp, năm 2022 có 100 cặp).
Ngoài ra, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương nhằm tạo chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào DTTS; tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong các trường học;…