Không chỉ đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch, du lịch cộng đồng còn tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.
nét văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại Mai Châu, Hòa Bình hấp dẫn du khách |
Được du khách yêu thích nhất khi đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Việt Nam hiện có 54 dân tộc, trong đó, có tới 53 dân tộc thiểu số sinh sống rải rác trên toàn lãnh thổ đất nước. Với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ẩm thực độc đáo, tập tính người dân thân thiện cởi mở... nếu được phát triển đúng hướng và có sự quản lý tốt, Việt Nam có thể trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về phát triển du lịch cộng đồng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng với hơn 5.000 homestay hoạt động, sức chứa khoảng 100.000 khách. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng hơn 2.000 cơ sở trong số đó, được công nhận đạt chuẩn phục vụ du khách. Thực tế, nếu khéo xoay xở, chỉ cần đầu tư một khoản tài chính vừa phải, tận dụng cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa khác biệt, các hộ gia đình đã có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng, cải thiện đời sống một cách hiệu quả và bền vững.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh- Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), các nước phát triển du lịch cộng đồng từ rất lâu và họ từng bước phát huy hết giá trị vốn có của từng điểm đến, mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng, kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Ở Việt Nam, du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển tại Việt Nam từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ở vùng dân tộc Thái ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình). Sau gần 3 thập kỷ, sức hút của du lịch cộng đồng ngày càng lan rộng và trở thành một trong những loại hình du lịch được yêu thích nhất của du khách khi đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên… Việc phát triển du lịch cộng đồng cũng đã có những làng du lịch cộng đồng đúng nghĩa. “Tại sao tôi lại dùng từ “đúng nghĩa”, bởi rất nhiều địa phương hay kể cả nhiều chuyên gia, lại lấy việc phát triển homestay là phát triển du lịch cộng đồng từ đó gây hiểu lầm, hiểu thiếu về du lịch cộng đồng. Nhiều chuyên gia thì tập chung vào phát triển lưu trú mà phá hỏng luôn cả giá trị văn hóa vốn có của đồng bào địa phương”.
Du lịch cộng đồng không chỉ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà còn có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo sự cân bằng, tính bền vững về tài chính và xã hội của đất nước. Điều này có nghĩa là với các nước đang phát triển, đặc biệt, ở Việt Nam có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng có thể đảm bảo một bước đột phá cho thành công du lịch trong tương lai.
Bốn trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế
Phát triển du lịch cộng đồng sẽ mang lại lợi ích kép cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi như các chuyên gia đã phân tích ở trên. Song, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Có địa phương sao chép cách làm của nơi khác khác hoặc xây dựng mô hình nhưng không cần biết quy chế, quy chuẩn, những điều cần thiết để phát triển du lịch cộng đồng bền vững. “Hiện nay, ở nhiều địa phương, người dân mở ra các homestay, các khu lưu trú cá nhân rồi cho rằng như thế là đang làm du lịch cộng đồng. Hay nhiều người gọi các chuyên gia đến tư vấn cho làm du lịch cộng đồng mà chủ đầu tư, chủ cộng đồng chỉ có 1 người. Thực tế đó cho thấy, nhiều người, nhiều địa phương vẫn chưa nắm được định nghĩa của mô hình du lịch cộng đồng. Điều này dẫn đến sai phương pháp nên hiệu quả thấp hoặc thậm chí “chết yểu”, gây lãng phí nguồn lực”, Viện trưởng ATI phân tích. Đồng bào dân tộc Tày thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch |
Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thể số và miền núi, Viện trưởng ATI cho rằng, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh, dựa trên 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế.
“Mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, phải có lộ trình thực hiện cụ thể, huy động sự đóng góp của các chuyên gia chuyên sâu về du lịch cộng đồng trong công tác tư vấn, đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan bản làng và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước”, Viện trưởng ATI nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tuân thủ các quy định về bảo tồn và nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó kiểm soát áp lực về môi trường và xã hội là một trong những yêu cầu hàng đầu. Trên cơ sở đó, các địa phương cần đưa ra những giải pháp tổ chức, quản lý du lịch, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bà con tham gia làm du lịch, góp phần hoàn thiện những mô hình du lịch cộng đồng bền vững. Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, việc nâng cao trình độ học vấn và nhận thức về vai trò của du lịch cộng đồng, du lịch bền vững là vấn đề cấp thiết hiện nay. Cần khuyến khích các đối tượng đi học, tặng học bổng cho người dân tộc thiểu số, miền núi tham gia các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý du lịch và dịch vụ du lịch.
Phát triển du lịch cộng đồng mang lại lợi ích kép, đặc biệt là góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số miền núi phát triển bền vững. Do đó, du lịch cộng đồng cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách, chiến lược và đề án phát triển du lịch của các địa phương, của ngành du lịch. Chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, chính sách xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Hồ Hạ
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com