Chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2023), chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của vị Giám mục đã hết lòng gắn bó với quê hương và sự độc lập của nước nhà luôn có tinh thần dân tộc. Ðức cha Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn. |
1. Đức cha Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 3/12/1876 tại họ đạo Ba Châu, giáo xứ Ngọc Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, con ông Giuse Hồ Ngọc Thi và bà Anna Nguyễn Thị Đào là gia đình đạo đức ở một vùng quê toàn tòng. Khi mới sinh ra, cậu được đặt tên Hồ Ngọc Ca, năm lên 13 tuổi xin đi tu, khi vào Tiểu Chủng viện An Ninh từ năm 1889 theo chương trình học phải theo đuổi kéo dài 8 năm, song với tư chất thông minh, cậu chỉ cần học có 6 năm. Khi lên Đại Chủng viện Phú Xuân, cha Giám đốc cho thầy Ca đổi tên là Cẩn, vì tiếng Ca Ca không hay sợ các bạn hữu trêu chọc. Ngày 20/12/1902 khi mới 26 tuổi thầy Cẩn được thụ phong linh mục, một việc hy hữu hiếm có thời bấy giờ với tuổi trẻ như vậy.
Sau khi nhận chức thánh, cha Cẩn được bổ nhiệm về làm Phó xứ Kẻ Văn ngày 3/01/1903 đến 8/8/1907, sau đó được cất nhắc lên làm Chính xứ Kẻ Hạc trong thời gian 5 năm. Với sự thánh thiện và tài năng, ngài là vị linh mục bản địa đầu tiên được mời về làm Giáo sư chủng viện An Ninh 14 năm liền (1912-1926) với năng khiếu về ngoại ngữ, thời gian quá đủ để cha trau dồi bốn ngôn ngữ Pháp, La, Hán và Việt một cách nhuần nhuyễn, để rồi ngài cho ra đời trên 100 cuốn sách đủ thể loại gồm nhiều lãnh vực, và hơn 250 bài viết lần lượt đăng tải rải rác khắp các báo đạo đời như: “Sacerdos Indosinensis (Tư Tế Đông Dương), Vì Chúa, Đaminh bán nguyệt, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Nam Kỳ nguyệt san, Nam Kỳ tuần báo, Nam Kỳ địa phận, Thời Mới...”. Với nhiều bút hiệu: “ Ngô Ký Ẩn, Ngô Tri Dược, Ngô Ký Vãng, Ngô Tri Lễ, Ngô Đồng Hành, hoặc Đ. Hồ Ngọc Cẩn...”. Ngoài ra, ngài còn cho thiết lập nhà in Thánh Gia tại Bùi Chu, chuyên ấn hành sách báo, tài liệu của giáo phận. Đức cha còn đứng chủ bút tạp chí “Đaminh bán nguyệt” số ra mắt 01/6/1939, xuất bản ngày 01 và 15 mỗi tháng, ra được 166 số, mùa xuân năm 1946 phải đình bản vì vật giá quá đắt đỏ và Ban Quản lý lại không thể tìm mua được giấy in. Thật đáng tiếc.
Từ thời còn làm linh mục, cha Hồ Ngọc Cẩn không những yêu thích mà còn giỏi về ngoại ngữ nên không chỉ tập trung nghiên cứu, mà còn cho xuất bản nhiều loại sách mang tính giáo dục sư phạm để giảng dạy, trong số có 8 cuốn văn phạm (sách mẹo, mỗi ngôn ngữ 2 tập): Pháp văn, La tinh, Hán Nôm, và Quốc ngữ, bên cạnh đó còn thêm những tập sách và bài báo thật là thâm thúy, thấm nhuần đạo vị và dễ hiểu “Văn chương thi phú An Nam” đã đi vào lòng người, nhất là phần tiếng Việt thì ngài có biệt tài “xuất khẩu thành thơ”. Điển hình như khi bình luận về văn thơ của Đức cha Cẩn, trong bài “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” đã được cụ Phan Bội Châu (1867-1940) đánh giá cao: “Thực là một lối văn chương chém sắt, chặt đanh”. Theo dòng thời gian hơn 80 năm qua, nhiều tác phẩm của Đức cha vẫn còn giá trị đến ngày nay, như cuốn “Bổn Đồng Ấu” hay “Nửa Giờ Chầu Chúa” dành cho thiếu nhi, hoặc sách “Thánh Giáo Thuyết Minh” và cuốn “Tập Dụng Thần Công” của người lớn, mà hiện tại nhiều giáo xứ vẫn đang sử dụng,
Năm 1925 linh mục Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn được cử làm Bề trên tiên khởi Dòng Thánh Tâm Huế do Đức cha Eugene Allys - Lý (1852-1936) sáng lập, đặt trụ sở tại Trường An với mục đích: “Giáo dục các trẻ nam trong các lĩnh vực Văn hóa và Giáo lý” cha đã huấn luyện thành công cho các sư huynh phương pháp giảng dạy và xây dựng cơ sở trường học, lập nhà in Trường An xuất bản sách báo của địa phận Huế.
2. Dưới sự hướng dẫn của cha bề trên Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn, Dòng Thánh Tâm đang trên đà phát triển thì cha Cẩn nhận tin mình được đề cử lên Giám mục, cha đã thân hành đạp xe tới Tòa Khâm Sứ xin từ chối, nhưng sau vì đức vâng lời nên cha phải nhận. Thánh lễ truyền chức ngày 29/6/1935 tại nhà thờ Phủ Cam do Đức Khâm Sứ Colomban Dreyer (1866-1944) chủ phong, có Thân thần Tôn Thất Hân, đại diên vua Bảo Đại và Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), thêm Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hình và Bộ Hộ cùng nhiều quan khách trên 130 vị, không kể đông đảo giáo dân tham dự. Qua lễ tấn phong vào sáng sớm 01/8/1935 Đức cha rời Huế về nhận chức tại giáo phận Bùi Chu, được giáo hữu đón chào bái vọng khắp dọc đường rất long trọng.
Sau một năm trong chức vụ Giám mục phó, ngày 17/5/1936, Đức cha Munagorri Y Obineta -Trung (1865-1936) trao quyền lãnh đạo cho Giám mục Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn coi sóc địa phận và chỉ một tháng sau Đức cha Trung đã từ trần.
Lễ tấn phong Đức cha Ðaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Huế ngày 29-3-1935. |
Bắt tay vào việc đầu tiên trong giáo phận, Đức cha lo canh tân hàng linh mục, cải tổ Chủng viện, Tái lập Đại chủng viện Quần Phương, thành lập dòng nữ Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, lập các Hội đoàn giáo dân như: Hội Tông đồ cầu nguyện, Hội Công giáo Nam Thanh, Hội Dòng ba Đaminh, Ban Truyền giáo giáo phận. Việc mở mang khuyến khích xây dựng các trường học, cùng nâng nhiều họ lẻ lên thành giáo xứ và đi kinh lý các miền, các hạt thăm giáo dân cũng được ngài quan tâm.
Công tác bác ái được Đức cha luôn cổ võ bằng cách cho thiết lập các bệnh viện và sở Dục Anh, sở Cô Nhi, nhà nuôi trẻ mồ côi và người già cô đơn. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 xẩy ra Đức cha đã dốc hết quỹ của Tòa Giám mục để cứu đói, số cô nhi đưa về nuôi lên đến cả ngàn em. Ngài thân hành chăm sóc tận tay cho các em ăn cơm, uống nước. Riêng dân làng vùng biển Kiên Chính, Quần Liêu, Trung Lao, Bắc Ninh bị bão lụt, hỏa hoạn, ngài xuất quỹ gạo thóc của Nhà Chung đưa đến cứu trợ kịp thời.
Nói về tính tự tôn dân tộc của Đức cha Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn rất cao... vào thời đó trong các buổi hội họp hay lễ lạc, các bài diễn văn, diễn giả thường bằng ngôn ngữ Pháp hay La tinh để đọc, giới trí thức quen dùng như vậy mới hợp tình hợp cảnh, nhưng Đức cha luôn luôn ôn tồn đáp từ bằng tiếng Việt, mặc cho nơi đây có đông khách là các bậc vị vọng ngoại quốc tham dự. Xin kể thêm vào năm 1937 ngài đi tham dự Đại hội Thánh Thể thế giới tại Phi Luật Tân, nơi tập trung hàng trăm Giám mục và đông đảo giáo dân thuộc mọi quốc gia, khi được mời lên diễn đàn, mặc dù khả năng ngoại ngữ tinh thông nhưng Đức cha Cẩn vẫn đọc bài phát biểu bằng tiếng Việt, có thể nói Đức cha là Giám mục Việt Nam đầu tiên diễn thuyết bằng tiếng Việt trong Đại hội quốc tế.
3. Đề cập đến tinh thần ái quốc ta phải nhắc đến sự kiện ngày 22/9 sau hai mươi ngày Lễ Tuyên bố Độc lập 2/9/1945 của Hồ Chủ tịch, một Đại hội mừng độc lập và ủng hộ Chính phủ Việt Nam, thêm mục tiêu đả đảo thực dân Anh - Pháp. Thay mặt đồng bào Công giáo nước nhà, ba Giám mục người Việt Nam gồm Niên trưởng Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn và Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục (1897-1984) đã gửi điện văn sang Tòa Thánh Vatican xin Đức Thánh Cha Piô XII chúc lành và cầu nguyện cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam, với nội dung có lời mở đầu như sau: “Chúng con, ba Giám mục Việt Nam, kính xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho dân tộc chúng con và xin Đức Thánh Cha làm trung gian can thiệp cho Việt Nam được độc lập và cầu nguyện cho Việt Nam được hòa bình...:”.
Qua hơn 1 tháng, vào ngày 4/11/1945, bốn vị Giám mục Việt Nam (nay có thêm Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ ở Phát Diệm mới tấn phong 28/10/1945) lại một lần nữa thỉnh cầu, mong Đức Thánh Cha Piô XII yêu cầu: “...tất cả mọi người Công giáo hoàn vũ và đặc biệt là các tín hữu Công giáo tại Pháp, ủng hộ và tìm giải pháp cho dân tộc Việt Nam được thống nhất trong một chính phủ quốc gia dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”.
Sau khi nước nhà được thành lập, Hồ Chủ tịch đã mời Đức cha Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn cùng lượt với vua Bảo Đại (1913-1997) và sau thêm Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ (1897-1967) làm cố vấn tối cao cho Chính phủ.
Cuối năm 1945, “Tuần Lễ Vàng” của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được tổ chức trong buổi mít tinh tại Phủ lỵ Xuân Trường, kêu gọi nhân dân ủng hộ tài chính kiến thiết đất nước. Đức Giám mục Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn tới tham dự và tiến lên khán đài, tháo dây chuyền vàng đang đeo trên cổ và trịnh trọng tuyên bố: “Tôi không có gì quí hơn của này. Là Giám mục của đạo Thiên Chúa, tôi giữ lại Thánh giá; là công dân Việt Nam, tôi tặng dây vàng vào quỹ Quốc gia, để góp phần bảo vệ đất nước”. Một hành động nêu gương yêu Tổ quốc thật ấn tượng.
Vào ngày 27/11/1948 khi được tin Đức Giám mục Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. Chính quyền cử đội quân danh dự túc trực quanh quan tài vị cố vấn của chính phủ, và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi công điện về phân ưu.
Thánh lễ an táng Đức cha cử hành long trọng vào ngày 30/11/1948 tại nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, do Đức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng chủ sự, cùng trên 100 linh mục và đông đảo tu sĩ cũng như giáo dân tham dự. Đặc biệt có sự hiện diện của đại diện Giáo hội Phật giáo: Thượng tọa Thích Bảo Long. Cách riêng còn có ông Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Nam Định đại diện chính phủ về dự lễ.
4. Dù là một nhà thông thái uyên bác, nhưng Đức cha rất khiêm nhu trong đời sống, thể hiện qua lời nói cuối cùng như lời từ biệt của Đức cha: “...tôi xin quý cha và mọi người tha những lỗi lầm của tôi. Trong khi coi sóc địa phận, tôi có làm mích lòng ai, mặc dù tôi không chủ ý, thì xin bỏ qua hết cho. Tôi xin dâng mạng sống này để cầu cho địa phận được mọi sự lành. Xin mọi người nhớ cầu nguyện cho tôi luôn...”
Đức Giám mục Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn làm Giám mục Đại diện Tông tòa Bùi Chu trong 13 năm (1935-1948). Trong đó có nhiều năm gặp khó khăn chung của cả nước, nhưng ngài luôn có thái độ tin tưởng, ủng hộ chính quyền cách mạng và đã lãnh đạo Giáo phận vượt qua mọi thử thách gian nan, để nơi đây trở thành một địa danh nổi tiếng trong lòng Giáo hội Việt Nam. Sự ra đi của ngài để lại nhiều luyến tiếc trong lòng giáo dân, mọi người luôn ghi nhớ công ơn cũng như sự nghiệp lớn lao mà Đức cha đã để lại cho hậu thế.