Tin tức - Hoạt động

Biến đổi

Cập nhật lúc 10:20 24/03/2023
Chúa nhật Lễ Lá, năm A; Bài đọc 1: Is 50, 4-7; Bài đọc 2: Pl 2, 6-11; Tin Mừng: Mt 21, 1-11
Lễ Lá (hay còn gọi là Chủ nhật Lễ Lá, tên tiếng Anh là Palm Sunday) là ngày kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem trước khi chịu khổ hình.
Lễ Lá (hay còn gọi là Chủ nhật Lễ Lá, tên tiếng Anh là Palm Sunday) là ngày kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem trước khi chịu khổ hình.
Trong hành trình sống làm người, chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi hãy biến đổi bản thân mỗi ngày, để được Nước Trời làm cơ nghiệp. Với Lễ Lá hôm nay, chúng ta bắt đầu Tuần Thánh, để bước vào đỉnh cao của năm Phụng vụ, Hội Thánh mời gọi chúng ta tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa. Qua đó, cho ta thêm niềm tin vào Chúa, để mỗi ngày ta hoán cải, biến đổi, canh tân đời sống, nhất là qua sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô để ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Ý thức được điều đó, diễn tiến bài đọc thứ nhất hôm nay sách ngôn sứ Isaia là một phần của của Bài ca thứ ba chân dung của Người Tôi Trung qua ba điểm: Thứ nhất là dùng Lời để nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức, luôn lắng nghe và thi hành ý Chúa Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. (xc. Is 50,4). Thứ hai: vì dân, mà Người Tôi Tớ chịu những khổ nhục: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ (xc. Is 50, 5-6) đây là chân dung đích thực của vị ngôn sứ, chịu tôi luyện để trở nên con người mới. Sau cùng: Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. (xc. Is 50.7). Có Thiên Chúa ở cùng, “người của Thiên Chúa” sẽ an lòng và can đảm để chu toàn ơn gọi, sứ vụ được giao phó 
Trở về với bài Tin Mừng, trình thuật Mátthêu cho chúng ta thấy, cả trong giai đoạn cuối của công trình cứu độ, những việc làm của Đức Giêsu đã ứng nghiệm với những gì các ngôn sứ xưa đã nói. Tuy nhiên, một điều chúng ta thấy được nơi con người của Đức Giêsu, Ngài không đáp ứng theo não trạng duy thế tục của dân Dothái, vì Ngài là Vua muôn Vua, Chúa các Chúa, nên không theo những gì con người trần thế bày ra.
Cuộc thương khó của Chúa cho chúng ta thấy rằng: là một con người ai cũng có nỗi lo âu, khắc khoải và Chúa Giêsu cũng vậy trước sứ mạng của Ngài. Nhưng để danh Cha được thể hiện Người đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Qua đó chúng ta thấy rõ sự biến đổi tận căn của Đức Giêsu, khi Ngài đón nhận tất cả mọi nỗi khổ đau, gian nan, thử thách và đặc biệt là cái chết vì yêu thương nhân loại, sau cùng là sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Chúa đối diện với cuộc khổ nạn bằng sự khiêm nhu với tất cả tình yêu và lòng khoan nhân, tha thứ cho những kẻ bách hại, giết Chúa khi: “Họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người, có kẻ lại tát Người” (Mt 26, 67). Tiếp đến: “Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây gậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Đức Vua dân Do thái” (Mt 27, 28-30). Thật đau đớn và xấu hổ biết dường nào khi Chúa bị khinh khi, nhục mã như vậy, nếu một người như chúng ta, làm sao ta chịu nổi được cảnh tượng này. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài chấp nhận hết, từ lời nói tới hành động và cái chết, chính Thiên Chúa đã biến đổi mọi thứ trong sự sống lại của Ngài, hoàn tất kế hoạch cứu độ nhân loại.
Để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế làm người, chịu hết mọi bệnh hoạn, tật nguyền cho chúng ta được sống. Để đáp lại tình yêu thương của Chúa như vậy; chúng ta có dám bước ra khỏi con người cũ của mình, là những lối sống hẹp hòi ích kỷ, ghen tương tranh chấp. Chúng ta có dám biến đổi con người cũ thành một con người mới để cái chết của Chúa không trở nên vô ích không? Hay chúng ta chỉ biết hơn thua, tranh giành quyền lực để thống trị người khác? Vô tâm, vô lo trước những con người nghèo, sống thiếu tinh thần bác ái đối với họ?
Bài trích thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê cho chúng ta thấy một sự biến đổi tận căn nơi con người và sứ vụ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự” (Pl 2, 6-8). 
Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình chấp nhận một thân thể như con người. Điều này làm người Hy Lạp không thể hiểu nổi, vì trong khi họ đang tìm cách thoát ra khỏi thân xác mà họ coi là ngục tù của linh hồn; thì Chúa Giêsu lại muốn bị giam hãm trong một thân xác để nên giống con người. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn có uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa để dẹp tan các đau khổ; nhưng Ngài tự nguyện theo con đường của Chúa Cha, chấp nhận chết trên thập giá để chuộc tội cho con người.
Chúa Giêsu chịu đau khổ để con người được sống. Đau khổ giúp con người nên hoàn thiện và giúp con người thông cảm với những người đồng cảnh ngộ. Qua Cuộc Thương Khó, chúng ta nhận ra rõ ràng tình thương Thiên Chúa và sự gian dối ác độc của con người.
Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Kitô: Vì không một ai khiêm nhường, vâng lời, hy sinh chịu đau khổ như Chúa Giêsu; nên như một hậu quả, không ai được hưởng vinh quang như Ngài. Thánh Phaolô xác tín: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.”
Không ai muốn chấp nhận con đường đau khổ; nhưng chỉ có con đường này mới dẫn con người tới chỗ vinh quang. Đường rộng rãi thênh thang sẽ chỉ đưa con người tới chỗ bị hủy diệt. Các lực sĩ thế vận hội sẽ không thể thắng huy chương nếu không qua tiến trình rèn luyện. Trên bước đường thiêng liêng, con người cũng phải trải qua một tiến trình tương tự; nhất là phải được thử thách bằng đau khổ, để minh chứng đức tin vững mạnh của họ vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô và tục ngữ Việt Nam đã từng xác tín: “lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức.” Người nhân đức là người đã trải qua một tiến trình luyện tập, đã thắng vượt mọi gian nan đau khổ, và trở nên hoàn thiện.
Tu sĩ Antôn Maria Nguyễn Văn Ngọc
Thông tin khác:
Đại hội Đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi lần thứ II (24/03/2023)
“Nợ ân tình hẹn trả lại kiếp sau” (17/03/2023)
Nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (15/03/2023)
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài được điều động giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ (14/03/2023)
Thả hoa đăng tưởng nhớ 64 liệt sĩ Gạc Ma (12/03/2023)
Hai thánh giá hơn trăm tuổi ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được mang sang Bỉ phục chế (08/03/2023)
Đức Thánh Cha: Phụ nữ có khả năng nói ba ngôn ngữ: Lý trí, trái tim và đôi tay (07/03/2023)
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực (03/03/2023)
Người đem “vốn quý” từ nước ngoài về phục vụ đất nước và cộng đồng (03/03/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log