Bài viết này xin mạn đàm đôi chút về tầm nhìn chiến lược, khả năng tập hợp quần chúng và tổ chức tổng khởi nghĩa của Hồ Chí Minh.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Ngày 19-8-1945, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. |
Trong gần trăm năm đô hộ của người Pháp, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn là kinh tế nông nghiệp, kém phát triển. Đỉnh điểm là nạn đói năm Ất Dậu (1945). Các cường quốc đang chiếm đóng Việt Nam như Pháp, Nhật Bản vì mục đích phục vụ chiến tranh đã khai thác, vơ vét ồ ạt, gây đói kém, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người Việt.
Điều này giải thích vì sao đã có hàng ngàn nhân sĩ trí thức bức xúc trước hiện trạng của đất nước và tìm cách tập hợp lực lượng đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc. Nhưng rồi những lãnh tụ nông dân như Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ Cần Vương như Phan Đình Phùng đều bị thất bại. Các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can... đều bị Pháp quản chế và vô hiệu hóa. Một số chí sĩ cách mạng ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm rồi về nước gây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng làm cách mạng nhưng đều không thoát khỏi được mạng lưới mật thám dày đặc của thực dân Pháp nên đều chịu cảnh bắt bớ tù đày, nhiều người phải ra pháp trường.
Từ năm 1911, mới qua tuổi 20, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuất ngoại tìm đường cứu nước nhưng nhìn thấy hiện thực của những người đi trước nên Người đã có những tính toán rất kỹ lưỡng và khoa học để chọn thời điểm thích hợp theo kinh nghiệm của người xưa: "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa". Ngày 15-6-1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp. Ngày 22-6-1940, chính phủ Pháp đầu hàng Đức vô điều kiện. Trước tình hình mới, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại và Người đã phân tích: "Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng".
Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua biên giới Việt - Trung, trở về đất mẹ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Để đảm bảo cho việc tổ chức giành chính quyền thắng lợi, Người chọn hang Pác Bó (Cao Bằng) ẩn dưới rặng núi đá hoang sơ kỳ vĩ và thuận lợi cho hoạt động bí mật. Từ nơi đây, Người có thể liên lạc với cơ sở cách mạng ở các thôn bản nhưng cũng có thể rút lui sang bên kia biên giới khi bị địch truy kích. Cũng tại đây, Người trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941. Hội nghị này có sự tham gia của Phùng Chí Kiên, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh và một số đồng chí khác. Tại Hội nghị, Người đã phân tích, nhận định tình hình quốc tế và trong nước, đề ra nhiều chủ trương quan trọng, trong đó, xuyên suốt là giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc, tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu ruộng đất. Chủ trương đó đã phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân là thoát khỏi ách áp bức "một cổ hai tròng" của đế quốc và phong kiến tay sai. Nghị quyết đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của toàn dân tộc chống lũ cướp nước và bọn tay sai bán nước.
Sau khi thảo luận tình thế và cơ hội, Hội nghị đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Lúc này, Mặt trận Việt Minh là tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng giải phóng: "Chúng ta có hội Việt Minh. Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh" ("Mười chính sách của Việt Minh").
Thông qua Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lúc này lấy tên là Hồ Chí Minh, đã huy động các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh như Nông dân Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Nhi đồng Cứu quốc... Vai trò và sức mạnh to lớn của Mặt trận Việt Minh được phản ánh trong thực tiễn, có sức hiệu triệu mạnh mẽ quần chúng đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do. Mặt trận Việt Minh đã tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Cũng cần nói thêm, trong thời kỳ này, cùng với sự sa sút của người Pháp là cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Đông Dương. Nhiều phe phái chính trị cũng muốn nhân cơ hội này để khuếch trương thanh thế, người dân không biết nên theo ai.
Để tập hợp dân chúng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều tác phẩm kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, tuyên truyền, cổ vũ mọi tầng lớp chờ thời cơ đứng lên đánh giặc cứu nước, như "Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập" (1-8-1941), "Mười chính sách của Việt Minh" (1941), "Dân cày" (22-8-1941), "Phụ nữ" (1-9-1941), "Công nhân" (11-10-1941), "Lịch sử nước ta" (2-1942)... Với những tác phẩm này, Bác đã đưa ra một dự đoán thời gian nước nhà độc lập "Việt Nam độc lập: 1945". Thực tế lịch sử đã chứng minh nhận định này của Người là đúng.
Xây dựng lực lượng vũ trang, giành và giữ nền độc lập
Sau khi về nước, Bác Hồ đã giao cho đồng chí Phùng Chí Kiên soạn thảo các tài liệu về "Con đường giải phóng dân tộc", trong đó có các bài viết về đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích. Phùng Chí Kiên đã tích cực tham gia vào việc tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi.
Đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941), Phùng Chí Kiên tiếp tục là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, được cử phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và trung đội Việt Nam cứu quốc quân thứ nhất. Với sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, tháng 8-1941, trong một cuộc chiến đấu không cân sức, Phùng Chí Kiên đã bị địch bắt và đã anh dũng hy sinh.
Trước mất mát to lớn này, Bác Hồ đã tìm kiếm nhân sự thay thế và người được lựa chọn là Võ Nguyên Giáp. Ngày 22-12-1944, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với nhiệm vụ là hoạt động vũ trang, tuyên truyền, kết hợp chính trị với quân sự, đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, Đội đã gây được tiếng vang lớn nhờ chiến công tiêu diệt gọn hai đồn giặc ở Phay Khắt và Nà Ngần. Để đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa, giữa tháng 4-1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, quyết định đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu, thống nhất sáp nhập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Lực lượng cách mạng chính trị và lực lượng vũ trang không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi nhanh chóng.
Tháng 8-1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng Minh. Ở Đông Dương, quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, điều kiện tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Bác Hồ đã khẳng định, lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu cũng phải giành cho được độc lập. Nắm chắc thời cơ đó, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chuẩn bị gấp và triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu Quốc dân ở Tân Trào. Tại đây, Người đã chủ trương phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Ngay sau đó, Bác Hồ đã gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy dùng sức ta mà giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!...".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, ngày 19-8-1945, toàn thể nhân dân tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn mít tinh, biểu tình và cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Hà Nội và nhanh chóng lan ra toàn quốc.