Tin tức - Hoạt động

Cái mới trong cách nhìn của Vaticanô II về Giáo hội (NHÃN QUAN CỦA VATICANÔ II)

Cập nhật lúc 14:31 23/10/2009

  

 

  2. NHÃN QUAN CỦA VATICANÔ II 

Tinh thần mới của Công đồng biểu hiện ngay trong việc chọn lựa và sử dụng các từ ngữ diễn tả phương diện tích cực của đời sống Kitô hữu hơn là những ý niệm pháp lý. Vaticanô II dùng những từ ngữ không hề có trong Vaticanô I, chẳng hạn: amor (113 lần), dialogus (31 lần), evangelizare (18 lần), fraternus– fraterne – fraternitas (87 lần), historia (63 lần), laicus (200 lần), ministerium (147 lần), ministrare (31 lần), missionalis (75 lần), pauper (42 lần), servire (17 lần), servitium (80 lần), evangelium (157 lần, trong khi Vaticanô I chỉ có một lần) (19).

2.1 Qui chiếu về phạm trù “societas”: xã hội trở thành mầu nhiệm

Trước hết phải nhìn lên Ba Ngôi như là nguồn mạch mọi sự. Đành rằng Giáo Hội là một xã hội, nhưng tiên vàn là một thực tại mầu nhiệm vượt quá giác quan. Ngay từ đầu chương I của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Công đồng nói về “mầu nhiệm Giáo Hội”. Giáo Hội được nhìn như là công trình biểu lộ tình yêu của Chúa Ba Ngôi trong lịch sử loài người (GH 2-4; TG 2), và vì thế Hiến chế trích lời của thánh Cyprianô: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất khởi nguồn từ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (GH 4): “De unitate Patris et Filii et Spiritus Sancti plebs adunata” . (20) Thực khó mà dịch tiếng “de” của latinh: nó vừa chỉ nguồn gốc, căn nguyên, vừa chỉ sự tham dự và mô phỏng một thực tại mẫu (21). Sắc lệnh Hiệp Nhất khẳng định rõ hơn: “Đó là mầu nhiệm thánh của sự hiệp nhất Giáo Hội trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, dưới tác động của Thánh Thần trong nhiều phận vụ khác nhau. Mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con trong Thánh Thần” (HN 2). Sự hiệp thông của Ba Ngôi chính là nguyên nhân và nguồn mạch, là mẫu mực và là quê hương của Giáo Hội, và như vậy, Giáo Hội tự bản chất là hiệp thông theo kiểu mẫu của sự hiệp thông Ba Ngôi.

Do đó, một người thuộc về Giáo Hội chủ yếu là do mối liên hệ của họ với Ba Ngôi. Từ nay một phần tử của Giáo Hội sẽ được định nghĩa như sau: “Được kể là gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những ai lãnh nhận Thánh Thần Đức Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu độ được thiết lập trong Giáo Hội; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của Giáo Hội và sự hiệp thông, họ liên kết với Đức Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Giáo hoàng và các giám mục” (GH 14). Như vậy yếu tố hữu hình không còn mang tính cách quyết định như trong định nghĩa của Bellarminô, vì Giáo Hội là “một thực thể phức hợp do yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh kết thành”: Giáo Hội vừa là một xã hội phẩm trật vừa là nhiệm thể Chúa Kitô, là đoàn thể xã hội nhưng cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo Hội trần gian nhưng đồng thời được tô điểm bằng những hồng ân thiên quốc (x. GH 8). Mức độ thuộc về Giáo Hội tùy thuộc mức độ người ta hội đủ các yếu tố vô hình và hữu hình nhiều hay ít. Theo kiểu nói của thánh Augustinô, một tín hữu Công giáo có thể thuộc về Giáo Hội ngoài “thể xác”, nhưng “tâm hồn” thì không còn ở trong Giáo Hội nữa.

Đó cũng là nguyên tắc của sự hiệp nhất đại kết. Các tín hữu đã lãnh nhận phép rửa ngoài Giáo Hội Công giáo, vì thực sự được kết hiệp với Đức Kitô và lãnh nhận Thánh Thần, nên cũng có quyền mang danh Kitô hữu, và các cộng đoàn của họ cũng được gọi là Giáo Hội anh chị em với Giáo Hội Công giáo, hoặc ít nữa là cộng đoàn giáo hội (communautés ecclésiales). Dù không đầy đủ, nhưng các cộng đoàn ấy cũng có một số yếu tố nền tảng của Giáo Hội Công giáo, và vì thế tất cả các Giáo Hội đang hiệp thông với nhau rồi, dù là hiệp thông chưa trọn vẹn (x. GH 15; HN 3). Cách giải quyết vấn đề của Vaticanô II khác trước đây ở chỗ: không phải là “có” hoặc “không” một cách tuyệt đối, mà là có “nhiều” hay “ít”, là Công giáo trọn vẹn hay không trọn vẹn, có tính giáo hội hoàn toàn hay bất toàn. Chính vì vậy mà theo Vaticanô II, Giáo Hội của Đức Kitô không “là” (= không đồng hóa với) Giáo Hội Công giáo, nhưng “tồn tại trong (subsistit in) Giáo Hội Công giáo” (GH 8), bởi lẽ các Giáo Hội khác ít nhiều cũng là Giáo Hội của Đức Kitô. Phải mất bao nhiêu thế kỷ chúng ta mới khám phá ra tiếng “subsistit in” ấy, và chính sự khiêm tốn nhìn nhận Giáo Hội Công giáo không phải là tất cả Giáo Hội của Đức Kitô đã đem lại niềm hy vọng và rút ngắn con đường đại kết.

Mầu nhiệm Giáo Hội vượt quá biên cương hữu hình của Giáo Hội, nên ngay cả những người không thuộc về Giáo Hội một cách hữu hình trên bình diện xã hội, vẫn “qui hướng về Dân Thiên Chúa”, và “nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ân sủng, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu độ” (GH 16). Trong bối cảnh của giáo hội học nặng về pháp lý, dựa vào câu nói của thánh Cyprianô: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, người ta hiểu rằng những người ngoài tổ chức xã hội hữu hình của Giáo Hội không thể được cứu độ. Quả thực là ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ, nhưng Vaticanô II không hiểu theo nghĩa loại trừ, nghĩa là ngoài tổ chức Giáo Hội, không hề có ân sủng và không thể được cứu độ; trái lại Vaticanô II đã hiểu theo nghĩa tích cực là: kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện trong lịch sử một cách hữu hình nơi Giáo Hội, và vì thế Giáo Hội trở thành dấu chỉ và phương tiện mang tính xã hội và hữu hình của ơn cứu độ. Bởi vậy những người ở ngoài Giáo Hội hữu hình vẫn có thể được cứu độ, vì ân sủng của Thiên Chúa hoàn toàn siêu việt và không hề bị giới hạn bởi bất cứ yếu tố nhân loại nào. Tuy nhiên Công đồng hiểu là mọi ân sủng đều là ân sủng của Đức Kitô, và Giáo Hội đã được Đức Kitô thiết lập để trở thành dấu chỉ hữu hình của ân sủng của Người trên trần gian, nên mọi ân sủng của Đức Kitô đều ít nhiều mang chiều kích Giáo Hội; bởi vậy những người công chính đều “qui hướng” và thuộc về mầu nhiệm Giáo Hội một cách nào đó, và như thế ơn cứu độ của họ cũng mang chiều kích Giáo Hội. Đây chính là cơ sở để người ta nói đến các Kitô hữu vô danh (22).

2.2 Qui chiếu về phạm trù “societas perfecta”: xã hội hoàn hảo trở thành bí tích.

Vaticanô II dứt khoát từ bỏ não trạng quyền lực của thời thế giới Kitô giáo (chrétienté), không còn tự coi mình là một thế lực văn hóa xã hội có đầy đủ mọi tổ chức và quyền hành cạnh tranh với các xã hội thế tục. Lẽ dĩ nhiên Giáo Hội cũng cần có quyền bính để thực hiện mục đích của mình, nhưng Công đồng tỏ ra thận trọng và chỉ nói đến quyền bính trong bối cảnh thi hành sứ mạng, trách nhiệm, bổn phận, và nhất là không còn nhấn mạnh đến quyền ép buộc hoặc xử phạt (x. GH 27; GM 16). Ngoài ra, sự tự do mà Giáo Hội đòi hỏi không đặt nền tảng trên sự thỏa thuận giữa hai quyền lực như trong các thế kỷ trước, nhưng trên sự phục vụ những quyền lợi căn bản của phẩm giá con người. Sứ mạng của Giáo Hội thuộc phạm vi thiêng liêng, nên không hề cạnh tranh với các cộng đoàn chính trị, trái lại, Giáo Hội sẵn sàng hợp tác với xã hội để phục vụ con người (23). Đức Phaolô VI đã tuyên bố với Ngoại giao đoàn rằng Vaticanô II không còn quan niệm Giáo Hội như một thế lực cạnh tranh hoặc chống lại các quyền lực của thế giới, mà chỉ muốn cộng tác để xây dựng thế giới (24). Xin được nhắc lại một đoạn trong diễn văn của Đức Phaolô VI tại Liên Hiệp Quốc ngày 4-10-1965, tức là vào thời điểm đang hoàn thành Hiến chế Gaudium et Spesđể chuẩn bị công bố vào ngày 7-12-1965:

“Người đang nói với quý vị là một người trong quý vị, là anh em, thậm chí là một người nhỏ nhất trong quý vị, vì quý vị đại diện cho các cường quốc, còn người đang nói chỉ có một chút uy quyền trần thế nhỏ bé tượng trưng; đó chỉ là một chút cần thiết để tự do thi hành sứ mạng thiêng liêng và để bảo đảm với quý vị rằng chúng tôi độc lập với mọi quyền bính của thế giới này. Chúng tôi không có một chút quyền lực trần gian và không hề có tham vọng cạnh tranh với quý vị. Thực vậy, chúng tôi không xin gì và cũng không đặt vấn đề gì; cùng lắm chỉ là trình bày một ước nguyện, đó là xin phép được phục vụ quý vị trong khả năng chuyên môn của chúng tôi một cách vô vị lợi, với khiêm tốn và yêu thương” (25).

Theo Vaticanô II, thái độ căn bản của Giáo Hội là không tách rời khỏi thế gian nhưng đồng hành và phục vụ thế gian. Trong diễn văn khai mạc khóa ba của Công đồng, Đức Phaolô VI đã xác định hướng đi của Giáo Hội: “Mục đích của Giáo Hội không phải là chính Giáo Hội, trái lại, Giáo Hội ao ước được trọn vẹn thuộc về Đức Kitô, nhờ Đức Kitô, trong Đức Kitô, được trọn vẹn thuộc về nhân loại, ở giữa nhân loại, sống cho nhân loại” (26). Đó là sự chọn lựa căn bản. “Tất cả giáo lý phong phú của Công đồng chỉ nhắm một mục đích là phục vụ con người. [...] Có thể nói Giáo Hội là đầy tớ (ancilla) của nhân loại. [...] Ý tưởng «phục vụ» chiếm vị trí trung tâm trong Công đồng” (27).

Nhận thức ấy đã đưa các nghị phụ Công đồng trở về với các giáo phụ và khám phá ra ý niệm bí tích để áp dụng vào Giáo Hội: “Trong Đức Kitô, Giáo Hội tựa như bí tích, – tức là như dấu chỉ và khí cụ -, của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (GH 1). Khẳng định ấy bao hàm nhiều ý nghĩa quan trọng.

1. Trước hết, trên bình diện tín lý, Vaticanô II xác nhận Giáo Hội không có mục đích nơi chính mình, không phải là cứu cánh mà chỉ là dấu hiệu và phương tiện của ơn cứu độ. Khác với quan niệm trước đây, theo Vaticanô II, Giáo Hội không đồng hóa với Nước Trời nhưng là sự hiện diện mầu nhiệm (in mysterio) của Nước Đức Kitô (x. GH 3), là “mầm mống và khai nguyên của Nước Trời trên trần gian” (GH 5). Từ ngữ mysterio phải được hiểu theo nghĩa sacramentum, và vì thế có thể nói Giáo Hội là bí tích của Nước Trời. Nước Trời là thực tại cánh chung, dù là đã bắt đầu nơi Giáo Hội, còn Giáo Hội dù là dấu chỉ của Nước Trời, nhưng vẫn còn đang lữ hành trong lịch sử và “mang khuôn mặt chóng qua của đời này, qua các bí tích và định chế là những điều thuộc đời này” (GH 48).

2. Kế đến trên bình diện mục vụ, vì là bí tích của sự hiệp nhất của toàn thể loài người với Thiên Chúa và với nhau, nên Giáo Hội không tách rời khỏi cộng đồng nhân loại, trái lại đối thoại, đồng hành, và phục vụ nhân loại. Giáo Hội của Vaticanô II không còn là một xã hội hoàn hảo cạnh tranh hoặc chống lại các cơ cấu của xã hội trần gian, nhưng đã vượt lên trên phạm trù xã hội để trở thành bí tích cứu độ, làm men và muối, trở thành sức năng động nâng đỡ và thúc đẩy thế giới đi tới cứu cánh của mình là Thiên Chúa.

Chính ý thức về lịch sử và cánh chung đã làm cho Giáo Hội quan tâm nhiều hơn đến thế giới. Suốt hai mươi thế kỷ, Giáo Hội dường như không có ý thức mãnh liệt về lịch sử và vì thế dường như vắng mặt khỏi thế giới. Khái luận thần học về cánh chung chỉ dừng lại ở những vấn đề “tứ chung”, “de ultimis rebus”, đó là: chết, luyện ngục, thiên đàng và hỏa ngục.

Y. Congar cho thấy bộ từ điển vĩ đại thuộc loại kinh điển Dictionnaire de Théologie catholique gồm có 41.338 cột, in thành 15 tập to lớn, xuất bản từ năm 1903 đến 1950, thế mà không hề nhắc tới nghề nghiệp, việc làm, gia đình, phụ nữ, tình yêu hôn nhân, tính dục, thân xác, niềm vui, đau khổ, bệnh tật, kinh tế, chính trị, kỹ thuật, nghệ thuật, lịch sử, thế giới, nhân vị, giáo dân,... Và Congar nhận xét chí lý: một tôn giáo không có thế giới sẽ đưa tới hậu quả tất nhiên như chúng ta đang chứng kiến, đó là một thế giới không có tôn giáo (28).

Vì thế chương VII của Hiến Chế tín lý Lumen Gentium khẳng định chiều kích lịch sử và cánh chung của Giáo Hội: lữ hành trong lịch sử nhân loại và mang những đặc tính và dấu vết của đời này, Giáo Hội đang trên đường tiến về cánh chung. Giáo Hội ở trong thế giới và tiến bước trong lịch sử, nhưng thế giới đã được tháp nhập vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: kế hoạch đó khởi nguồn từ cuộc Vượt qua của Đức Kitô và đang nhắm tới cùng đích là Nước Trời cánh chung; còn vai trò của Giáo Hội hiện nay là trở thành người loan báo và là bí tích của kế hoạch ấy: Giáo Hội hiện diện trong thế giới “như là bí tích phổ quát của ơn cứu độ” (GH 48). Giáo Hội và thế giới vẫn phân biệt nhau, nhưng vì cả hai đều theo đuổi cùng một mục đích tối hậu, nên một cách nào đó cả Giáo Hội và thế giới đều làm nên chung một lịch sử là lịch sử cứu độ, vì nguyên lý duy nhất vẫn là Đức Kitô: “Thiên Chúa vừa là Đấng Cứu độ vừa là Đấng Tạo dựng, làm chủ lịch sử nhân loại cũng như lịch sử cứu độ” (MV 41). Vấn đề này sẽ được triển khai sâu rộng trong Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes.

2.3 Qui chiếu về phạm trù “societas inaequalis et hierarchica”: Giáo Hội là Dân Thiên Chúa

Vaticanô II không phủ nhận tính chất cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội và không hề chối bỏ Vaticanô I, trái lại vẫn dành cả chương III để nói về phẩm trật và vẫn nhắc lại giáo lý của Vaticanô I về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng (x. GH 18). Tuy nhiên Vaticanô II không còn nhìn Giáo Hội như một kim tự tháp và không đóng khung Giáo Hội trong cơ cấu phẩm trật. Như chúng ta đã nói, Lược đồ thứ nhất De Ecclesia vẫn còn mang nặng tinh thần pháp lý. Từ đầu năm 1963, Ủy ban giáo thuyết của Công đồng đã phải soạn thảo lại một bản văn khác. Có ít nhất mười lăm dự thảo được đề nghị, nhưng cuối cùng một Lược đồ mới gồm bốn chương được gửi tới các Nghị phụ và được thảo luận từ 30-9 đến 31-10 năm 1963: I- Mầu nhiệm Giáo Hội; II- Cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, đặc biệt về chức giám mục; III- Dân Chúa, đặc biệt là giáo dân; IV- Lời kêu gọi nên thánh trong Giáo Hội (29). Cuộc thảo luận đã đi tới kết luận là sắp xếp lại Lược đồ thành tám chương như chúng ta thấy hiện nay, trong đó chương II bàn đến Dân Thiên Chúa, tức là tất cả những gì liên quan đến toàn thể các tín hữu kitô; rồi sau đó mới nói đến các thành phần khác nhau trong Dân Chúa: phẩm trật trong chương III, giáo dân trong chương IV, tu sĩ trong chương VI. Sự thay đổi dàn bài đó rất có ý nghĩa: các Nghị phụ thấy rằng Phẩm trật chỉ có ý nghĩa khi được đặt vào trong lòng Dân Thiên Chúa và để phục vụ Dân Thiên Chúa chứ không phải là tất cả Giáo Hội và cũng không phải là cánh cửa hoặc là phẩm tính đầu tiên của Giáo Hội.

Ý niệm Dân Thiên Chúa trước hết gợi lại lịch sử cứu độ và những chặng đường của dân Do Thái lữ hành trong sa mạc, và vì thế cũng cho thấy Giáo Hội là dân Israel mới đang lữ hành giữa những thăng trầm để tiến bước về thành thánh tương lai bất diệt. Dân Thiên Chúa cũng nói lên tính cách cộng đoàn của các tín hữu: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc...” (GH 9). Danh xưng Dân Thiên Chúa còn cho thấy Giáo Hội không phải là một ý niệm trừu tượng hay chỉ là một định chế, một cơ cấu pháp lý tựa như một pháp nhân, nhưng trước hết đó là những con người cụ thể được tái sinh nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Giáo Hội là Giáo Hội của những con người được kêu gọi giữa loài người để thi hành sứ mạng cho loài người.

Từ xác tín này, trước hết Vaticanô II khơi dậy ý thức sống động về Giáo Hội địa phương. Từ lâu trước Công đồng, người ta đã từng tranh luận xem chức giám mục có phải là bí tích không. Các Nghị phụ đã dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền để đưa ra kết luận dứt khoát và tuyên bố chức giám mục là bí tích, đồng thời khám phá lại chiều kích tập đoàn (collegium) và hiệp thông của chức giám mục (x. GH 21-22). Cùng với việc nhận ra bí tích tính của chức giám mục, Công đồng cũng thấy được tầm quan trọng của Giáo Hội địa phương. Dân Thiên Chúa là cộng đoàn duy nhất nhưng lại hiện diện nơi mọi dân mọi nước trần gian, hiện diện cách cụ thể trong từng địa phương. GH 23 và GM 11 cho thấy mỗi giáo phận, mỗi cộng đoàn Giáo Hội địa phương, thể hiện trọn vẹn và đầy đủ mầu nhiệm Giáo Hội, vì ở đó có thừa tác vụ giám mục, có Lời Chúa và Thánh Thể; và chính trong Giáo Hội địa phương ấy mà Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô hiện diện và hoạt động thực sự. Người ta chỉ thấy Giáo Hội hiện diện cụ thể tại địa phương này hay địa phương kia, chứ không thấy một Giáo Hội trừu tượng. Tuy nhiên Giáo Hội hoàn vũ không phải chỉ là tổng số các Giáo Hội địa phương hợp lại; có thể nói Giáo Hội ấy có một hiện hữu riêng và đã hiện hữu trước khi được thể hiện tại từng Giáo Hội địa phương. Chỉ có Giáo Hội hoàn vũ mới thực sự là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô cách trọn vẹn, chỉ Giáo Hội ấy mới có thừa tác vụ Phêrô, và cũng chỉ Giáo Hội ấy mới biểu lộ trọn vẹn các phẩm tính của mầu nhiệm Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Dân Thiên Chúa ở mỗi địa phương mang dấu ấn riêng của từng nơi chốn và thời đại, của văn hóa và lịch sử tại địa phương ấy. Cộng đoàn Giáo Hội luôn luôn được định vị trong thời gian và không gian, tức là được địa phương hóa: đó không phải là yếu tố ngẫu nhiên hay tùy phụ, trái lại, đó là đòi hỏi của định luật nhập thể. Ý thức tầm quan trọng của Giáo Hội địa phương chính là ý thức về một sự nhập thể cần thiết phải có để biểu lộ cụ thể mầu nhiệm Giáo Hội, và đồng thời cũng là ý thức về sự cần thiết của vấn đề hội nhập văn hóa, và như thế mới có thể xây dựng một Giáo Hội thực sự là Công giáo (x. GH 13; 23).

Một cách đặc biệt, khi gọi Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Công đồng muốn nhấn mạnh đến tính cách bình đẳng căn bản giữa tất cả các Kitô hữu. Giáo Hội trước hết không phải chỉ là giáo phẩm mà là cộng đoàn gồm tất cả những người tin vào Đức Kitô. Giá trị đầu tiên đó là được lãnh nhận bí tích rửa tội và Thánh Thể, nhờ đó tín hữu được tham dự vào sự sống của Đức Kitô để trở thành kitô hữu và làm thành Dân Thiên Chúa. Danh hiệu Dân Thiên Chúa liên quan và bao gồm mọi tín hữu Kitô, nghĩa là cả phẩm trật lẫn giáo dân, vì “giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng Thân thể Đức Kitô” (GH 32). Sự bình đẳng căn bản của tất cả các Kitô hữu đặt nền tảng trên chức tư tế chung do bí tích rửa tội đem lại. Đây chính là một tái khám phá của Công đồng. Các giáo phụ cũng như các tiến sĩ Giáo Hội đã từng dựa vào 1Pr 2, 9 để khai triển đề tài chức tư tế chung của các tín hữu. Nhưng vì những người Cải cách đã dựa vào chức tư tế phổ quát để chối bỏ chức tư tế thừa tác, nên Công đồng Trentô đã nhấn mạnh đến tính chất đặc thù cao cả của chức linh mục thừa tác. Tuy nhiên người ta dễ đi từ thái cực này đến thái cực kia: sự nhấn mạnh đôi khi quá đáng làm cho nhiều tín hữu trong suốt bốn thế kỷ quên đi địa vị và sứ mạng của mình để trở thành những người thụ động ù lỳ trong Giáo Hội. Vaticanô II đã lập lại sự quân bình khi cho thấy chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác khác biệt nhau về bản chất (cách thể hiện) nhưng đồng thời cũng bổ túc cho nhau để cùng thể hiện sự phong phú nơi chức tư tế duy nhất của Đức Kitô (x. GH 10-11).

Đôi khi người ta nhân danh Giáo Hội là Dân Thiên Chúa để đề cao giáo dân và loại trừ phẩm trật. Thật là sự hiểu lầm đáng tiếc, Dân Thiên Chúa không đồng nghĩa với giáo dân. Sự bình đẳng căn bản không loại trừ việc khác biệt nhau trong thừa tác vụ, vì các chi thể chỉ là một trong Đức Kitô nhưng lại thi hành những nhiệm vụ khác nhau để làm cho thân thể được lớn lên (x. GH 7; 32).

Như vậy người giáo dân từ nay không còn là người ở bên lề Giáo Hội hay chỉ là thành phần thứ yếu, trái lại họ chu toàn một sứ mạng quan trọng và đặc thù trong thế giới: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian” (GH 33). Giáo Hội không thể chu toàn trọn vẹn sứ mạng thánh hóa thế gian nếu không có những người giáo dân thánh hóa thế giới “như men từ bên trong”, “qua các công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội” (GH 31). Sứ mạng của họ không do hàng giáo phẩm chia phần cho, nhưng bắt nguồn từ tính chất đặc thù của ơn gọi giáo dân, đó là tính chất trần thế.

Vì Giáo Hội là toàn Dân Thiên Chúa, việc nên thánh không còn là chuyện của các nhà tu hành mà là bổn phận của tất cả mọi người môn đệ Đức Kitô. Giáo Hội là thánh không phải chỉ trên bình diện cơ cấu hay hữu thể, nhưng cả trên bình diện hiện sinh nữa. Giáo Hội phải là cộng đoàn những con người thánh thiện, vì thế Hiến chế Lumen Gentium dành cả chương V để kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu nên thánh, rồi sau đó trong chương VI mới nói đến con đường nên thánh đặc thù của các tu sĩ. Nếu các tu sĩ được kêu gọi “tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm để hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái, để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt” (GH 44), thì tất cả mọi Kitô hữu vì đã được thánh hóa nhờ bí tích rửa tội, nên dù ở “bất cứ bậc sống hay địa vị nào, cũng được kêu gọi để tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và tiến đến sự trọn lành của đức ái” (GH 40). Từ các mục tử, giám mục hay linh mục, những người đang thi hành thừa tác vụ thánh, hoặc các tu sĩ sống trong cộng đoàn tu viện, đến các giáo dân sống đời hôn nhân giữa bụi trần của cuộc đời ô trọc, hay những người góa bụa, khổ đau, tất cả đều có thể và có bổn phận nên thánh để làm chứng cho Đức Kitô: sự thánh thiện phải được thực hiện và biểu lộ “trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống” (GH 41). Do đó, cuộc sống giữa đời của người giáo dân không phải là một cản trở cho sự thánh thiện, và muốn nên thánh cũng không đòi phải trốn khỏi thế gian, trái lại, sống giữa đời với những bổn phận trần thế chính là con đường nên thánh của giáo dân và là nét đặc thù trong ơn gọi nên thánh của họ. Như vậy với Vaticanô II, sự thánh thiện không còn là đặc ân của một thiểu số, cũng không chỉ nằm trên bình diện tu đức hoặc chỉ là chuyện sở thích cá nhân; trái lại nó mang chiều kích Giáo Hội, nghĩa là nó biểu lộ chính mầu nhiệm Giáo Hội và là một đòi hỏi thiết yếu gắn liền với ơn gọi của từng người trong cộng đoàn Dân Thiên Chúa.  

 Sau hết sẽ thật là thiếu sót nếu trình bày về giáo hội học của Vaticanô II mà không nói đến Đức Maria, bởi vì Hiến chế Tín lý về Giáo Hội đã dành cả một chương cuối để nói về Đức Trinh Nữ Maria. Chính tựa đề của chương VIII đã cho thấy ý nhắm sâu xa của Công đồng: phải nhìn Đức Maria trong lịch sử cứu độ, tức là trong ánh sáng của mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội, và đó chính là một cái nhìn mới (30). Một mặt, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và được những đặc ân độc nhất vô nhị. Nhưng mặt khác, mầu nhiệm Đức Maria chỉ có ý nghĩa khi được tháp nhập vào mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội. “Đức Mẹ được chào kính như chi thể tối cao và độc nhất vô nhị của Giáo Hội, đồng thời như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái” (GH 53). Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội, là Đấng cộng tác cách đặc biệt vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô, là Đấng Trung gian tùy thuộc vào vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng đồng thời Người cũng là môn đệ đầu tiên biết lắng nghe và giữ lời Đức Kitô; trong cộng đoàn Dân Thiên Chúa, Mẹ trổi vượt mọi tín hữu nhưng Mẹ không ở ngoài Giáo Hội, trái lại Mẹ vẫn là chi thể, một chi thể độc nhất ở vị trí tối cao của Giáo Hội.

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng Vaticanô II đã có một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ về Giáo Hội. Thay vì được nhìn chủ yếu dưới lăng kính pháp lý, Giáo Hội được nhìn như là một cộng đoàn hiệp thông. “Giáo hội học hiệp thông là ý tưởng trọng tâm và nền tảng trong các văn kiện của Công đồng” (17). Sự hiệp thông chính là luồng sáng dọi chiếu vào tất cả các mối quan hệ: giữa Giáo Hội với Thiên Chúa Ba Ngôi, giữa các thành phần trong Giáo Hội công giáo với nhau: giáo hoàng – giám mục – linh mục – tu sĩ – giáo dân, giữa các cộng đoàn Giáo Hội địa phương với nhau và với Giáo Hội hoàn vũ, giữa Giáo Hội Công giáo với các Giáo Hội không Công giáo và với các tôn giáo khác, giữa Giáo Hội và thế giới. Vaticanô II không phủ nhận phạm trù “xã hội hoàn hảo không đồng đều” và vẫn dùng lại những hạn từ như trước đây: “ut societas constituta et ordinata” (GH 8), “societas hierarchica ordinata” (GH 14; 20) (18); nhưng đó không còn là cửa ngõ để đi vào thực tại Giáo Hội, và cũng không còn là một giá trị chủ chốt nữa. Phạm trù ấy từ nay sẽ được nhìn lại dưới ánh sáng của lăng kính hiệp thông.

 

Dù đã được chuẩn bị từ xa trong thực tế sinh động của các Kitô hữu và trong nỗ lực tìm tòi của các thần học gia, nhưng khám phá của Vaticanô II là kết quả một hành trình tìm kiếm tiệm tiến của chính Công đồng. Lược đồ I De Ecclesia được phát cho các Nghị phụ gồm 11 chương bàn về: bản chất và các thành phần của Giáo Hội chiến đấu, Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu độ, chức giám mục là một bí tích, các giám mục sở tại, các bậc trọn lành, giáo dân, quyền giáo huấn, quyền bính và lòng vâng phục, quan hệ giữa Giáo Hội với Nhà Nước, bổn phận truyền giáo, đại kết; và cuối cùng là một phụ lục về Đức Maria (14). Lược đồ này vẫn còn quan niệm Giáo Hội chủ yếu như một xã hội hữu hình, phẩm trật, pháp lý. Cuối khóa họp đầu tiên, lược đồ được đem ra thảo luận, và ngay lập tức nhận được nhiều phê bình gay gắt, chẳng hạn Đức Cha E. De Smedt cho rằng lược đồ còn mang não trạng thích vinh quang (triomphalisme), giáo sĩ trị (cléricalisme), nặng pháp lý (juridisme) (15). Nhiều Nghị phụ lấy làm tiếc vì bản văn không đáp lại ước nguyện của Đức Gioan XXIII là Vaticanô II phải mang tính mục vụ. Nội dung giáo lý trong kho tàng đức tin của Giáo Hội ngàn đời vẫn không thay đổi, nhưng theo ngài, – và sau này Đức Phaolô VI cũng tiếp tục xác định chọn lựa căn bản này – cần phải diễn tả thế nào để đáp ứng với hoàn cảnh xã hội đã thay đổi và mở ra nhiều hình thức tông đồ mới. Giáo Hội nhìn vào mình (ad intra) là một cộng đoàn các tín hữu tham dự vào sự sống của Đức Kitô, để rồi nhìn ra bên ngoài thế giới (ad extra) và phục vụ các nhu cầu của anh chị em (16). Cũng chính vì tính cách mục vụ này mà lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, Vaticanô II không có những mệnh đề kết án với những anathema sit như vẫn thường có trong các Công đồng.

 

Điều quan trọng đối với giáo hội học, đó là con người Đức Maria biểu lộ chính mầu nhiệm Giáo Hội. Thật vậy, cũng như Đức Maria là Mẹ và là Trinh Nữ, Giáo Hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ; hơn nữa Giáo Hội là Mẹ và là Trinh Nữ qua chính con người của Đức Maria là “người đi tiên phong và là gương mẫu” của Giáo Hội (GH 63). Giáo Hội là thánh, nhưng sự thánh thiện của Giáo Hội được biểu lộ qua chính Đức Maria, vì “qua con người của Đức Trinh Nữ, Giáo Hội đã đạt tới một sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền”, trong khi chúng ta còn đang phải chiến đấu với tội lỗi để tiến lên trên con đường thánh thiện (GH 64). Sau nữa, “Mẹ của Đức Giêsu hôm nay đã được vinh hiển hồn xác trên trời chính là hình ảnh và khởi đầu của Giáo Hội phải được hoàn thành đời sau” (GH 68). Tất cả những đặc ân Đức Mẹ nhận được là vì Đức Kitô và vì thân thể của Người là Giáo Hội; hơn nữa chính qua các đặc ân của Đức Mẹ mà Giáo Hội nhận ra ơn gọi và định mệnh của mình, chính qua việc nhìn ngắm Đức Mẹ mà Giáo Hội thấy được chính mình và nhận ra sứ mạng của mình trong thế giới. Đức Maria vừa là mẹ vừa là người môn đệ gương mẫu cho Giáo Hội, vừa là người đi trước vừa là kẻ đồng hành với Giáo Hội nhưng cũng là người về đến quê nhà trước Giáo Hội.

(Còn nữa)

ĐGM. Giuse Nguyễn Năng
Thông tin khác:
Khuôn mặt nào cho linh mục tương lai ? (23/10/2009)
Cái mới trong cách nhìn của Vaticanô II về Giáo hội (CÁCH NHÌN VỀ GIÁO HỘI TRƯỚC VATICANÔ II) (23/10/2009)
“Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam” (15/10/2009)
Chiến đấu chống đói nghèo là một vấn đề liên quan đến đức tin (15/10/2009)
Ơn Toàn xá trong Năm Thánh 2010 (Phụ lục Thư Công bố Năm Thánh 2010) (14/10/2009)
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010 (14/10/2009)
Làm gì để xứng đáng là tổ chức thành viên MTTQVN (08/10/2009)
Bạc Liêu: Đại hội những người công giáo lần thứ hai (07/10/2009)
Cán bộ, công nhân viên Văn phòng Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hai do bão số 9. (02/10/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log