Cây điều vốn được coi là cây “xóa đói, giảm nghèo” của nhiều địa phương ở Tây Nguyên. Ảnh: TL |
Nguồn gốc cây hạt Điều (tên thường gọi cây Đào lộn hột): được coi là từ vùng Đông Bắc Brazil và lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Các giáo sĩ Bồ Đào Nha là những người đầu tiên đưa cây điều từ Brazil đến châu Á và châu Phi. Ở châu Á, điều được đưa tới Goa (Ấn Độ) vào thế kỷ XVI, tới Việt Nam vào thế kỷ XVIII. Cây hạt điều dễ sống ở các vùng có khí hậu nhiệt đới, tuổi thọ lên tới 40-50 năm, thường cho năng suất ổn định trong giai đoạn từ 10 đến 20 năm sau khi trồng. Hoa điều có màu vàng hoặc trắng vằn đỏ, đôi khi có màu hồng. Hạt điều nằm trong quả có hình quả thận, khi vỏ khô xát vỏ ra hạt điều có màu vàng nhạt mang giá trị kinh tế cao, do chứa khá nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là chất béo. Hạt điều thường được ép để lấy tinh dầu. Hạt điều còn được rang muối làm món ăn vặt hàng ngày hoặc dùng nguyện liệu tươi để sản xuất bánh kẹo.
Cây hạt điều phát triển ở Việt Nam: Từ năm 1975, Nhà nước chính thức đưa cây hạt điều vào danh mục cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc vừa là cây xóa đói giảm nghèo. Diện tích trồng cây hạt điều ở nước ta hiện đạt trên 302.000 ha. Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh… chiếm phần lớn. Trong đó, Bình Phước có trên 176.000 ha, được coi là thủ phủ hạt điều. Hạt điều Việt Nam được xuất khẩu tới trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, duy trì thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (khoảng 5,7 tỷ USD). Dự kiến, hạt điều luôn đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trên các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực khác (rau quả, cà phê, lúa gạo, hồ tiêu trong năm 2018). Theo FAO, có 32 nước xuất khẩu điều thương mại, nhưng chỉ có 10 nước trồng điều nhiều nhất thế giới hiện nay là: Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, Nigenia, Tanzania, Indonesia, Guinea Bissau, Cotolvore, Monzambique và Benin. Việt Nam đang được coi là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới.