Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương gắn liền với án oan của Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: CTV |
Con đường lạ lẫm. Ông Chau Ruong, ngụ phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết: “ông bà tôi kể lúc trước muốn đi từ trung tâm thành phố Châu Đốc sang di tích miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam như hiện nay chỉ bằng ghe xuồng, đường đi nhiều lau sậy nhiều thú dữ, vì vậy dù chỉ cách 5 cây số nhưng rất ít người dám đi nhất là vào ban đêm”.
Sau đó ông Nguyễn Văn Thoại (còn gọi là Thoại Ngọc Hầu) là vị tướng có công rất lớn với triều Nguyễn về đây xây dựng con đường này cách nay gần 200 năm để người dân đi lại được thuận tiện, mua bán dễ dàng.
Theo sử liệu, con đường này khởi công vào năm 1826 và hoàn tất vào năm 1827 có chiều ngang 5 mét và được ông Thoại Ngọc Hầu đặt tên là “Châu Đốc Tân lộ Kiều lương”. Về cái tên này có rất nhiều giai thoại nhưng hầu hết đều thống nhất cho rằng: con đường này có 4 cây cầu làm bằng gỗ tốt giúp xe ngựa qua lại dễ dàng. Từ đây người dân thu hoạch lúa từ cánh đồng Vĩnh Tế và khu Tứ Giác Long Xuyên có thể cập xuồng vào để vận chuyển lương thực. “Tân lộ kiều lương” có ý nghĩa là con đường mới để vận chuyển lương thực” (?) Sau đó tấm bia đã bị vỡ và thất lạc chỉ tìm được một mảnh bia còn được bốn chữ “Châu Đốc tân lộ...” gần lăng Thoại Ngọc Hầu hiện nay. Mãi đến sau này người ta mới tìm được 2 mảnh vụn còn lại mang tên “Kiều lương”.
Nhắc đến con đường có cái tên rất quý phái, nho nhã vùng Bảy Núi – An Giang “Châu Đốc Tân lộ Kiều nương” rất nhiều bậc cao niên rất tường tận câu chuyện ông Thoại bị an oán từ việc huy động xây dựng con đường huyết mạch phá thế độc đạo trong giao thông bộ lúc bấy giờ.
Án oan thiên cổ Chuyện kể rằng ngày đó để hình thành con đường vừa nêu, ông Thoại Ngọc Hầu đã bỏ tiền túi, bổng lộc, sức người, sức của của toàn bộ thân tộc, gia đình, hàng xóm. Thấy ông làm việc nghĩa rất nhiều người tự nguyện đến chung tay làm đường mà không nhận tiền bạc, việc xây dựng ngày đêm, khí thế sôi nổi và hoàn thành trước kế hoạch.
Sau khi ông Thoại qua đời ít lâu, bỗng nhiên một hôm quan Thị lang Tào Hình Bộ là Võ Du đi dò xét tình trạng dân Chân Lạp trở về đã báo cáo với quan Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt rằng: Nguyễn Văn Thoại khi lĩnh chức Bảo hộ, ngày thường bắt dân Chân Lạp đi lấy gỗ quý đem nộp mà không cấp tiền và gạo, lại bắt dân Chân Lạp đắp đường cái (Tân lộ Kiều lương) để phục vụ việc đưa tang vợ từ Châu Đốc ra núi Sam… Lê Văn Duyệt đem lời tố cáo ấy tâu lên triều đình, lập tức vua Minh Mạng ra lệnh tịch thu gia sản và giao cho Bộ Hình nghiêm trị. Tháng 3/ 1838, Nguyễn Văn Quang (là cháu họ của Nguyễn Văn Thoại, đồng thời là cháu nội của Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ Nguyễn Văn Bình) đã cùng Lê Văn Sơn (cháu họ của Lê Văn Duyệt) đang là tù phạm bị giam ở ngục tỉnh Gia Định, bàn mưu vượt ngục chiếm giữ thành phản lại triều đình. Âm mưu bại lộ tất cả sau đó bị bắt, bị kết án xử tử lăng trì. Lần này thì Thoại Ngọc Hầu liên luỵ, (tuy đã chết) nhưng bị triều đình lấy lại các sắc dụ đã cấp và bị tước luôn hàm Chánh ngũ phẩm... mãi đến 90 năm sau Thoại Ngọc Hầu mới được minh oan, danh dự của ông mới phục hồi và được phong thần “Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần”.
Hiện nay con đường “Châu Đốc Tân lộ Kiều lương” đã được nâng cấp mở rộng trên 30m được phân thành các làn đường, trở thành trung tâm hành chính sầm uất của phường Núi Sam và các địa phương lân cận như: thành phố Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, thành phố Hà Tiên,... Rất nhiều du khách dừng chân bên con đường lắm câu chuyện bi hùng trên để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ liên quan đến một vị tướng quân đã từng có công mở cõi trời nam - Nguyễn Văn Thoại.
Nhiều du khách còn quả quyết: nếu có điều kiện thưởng thức những buổi hoàng hôn sương xuống trên vùng triền núi Sam mây bay giăng phủ hay trên con đường Châu Đốc Tân lộ Kiều lương xưa, mọi người sẽ nghe vẳng vẳng đâu đây tiếng lóc cóc của những chiếc xe ngựa vùng Bảy Núi đang tìm về bên những bến sông xưa; nghe tiếng than vãn trong gió trong mây về một nỗi oan tình của một vị công thần luôn vì nước, vì dân.